Thời gì mà không ai chịu rảnh !

Xóm tôi ngày ấy có bác Hai Hoàng; trong cái xóm nghèo mê mải, nhà cửa ai nấy hết sức tuềnh toàng thì nhà bác Hai Hoàng lại có một cái gác gỗ cao ráo sạch sẽ, đặc biệt chỉ riêng dùng để chưng cái bàn thờ tổ quốc. 

Cái vụ nhà có bàn thờ tổ quốc là chuyện lạ có thật trong xóm. Đông tây kim cổ cả xứ không ai có. Bác là nông dân rặt, ông bà, con cái trước sau trên dưới cũng rặt nông dân, họ hàng nội ngoại cũng không ai chẳng là nông dân rặt; nhà cửa trong ngoài không có vật dụng nào hổng liên quan đến nghề nghiệp rặt nông dân… vậy mà bác lại dựng riêng một cái gác gỗ chỉ để kê rặt một cái bàn thờ tổ quốc rất là… sang trọng. 

Có lẽ đó là cái bàn thờ tổ quốc lạ lùng đặc biệt nhất trên thế giới này. Trước năm 1975, bác treo lá cờ ba sọc và ảnh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhà có nải chuối hay trái cây gì mới hái, bác cũng để lên bàn thờ… chờ chín. Sau 1975, bác hồn nhiên bỏ cờ ba sọc, treo cờ xanh đỏ sao vàng và ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, có thêm cái bát nhang. Còn nhớ bữa đó tôi mới được kết nạp Đội, mang khăn quàng đỏ phất phơ, chạy nhảy ngang nhà, bác ngoắc tôi lại nói lớn: “Ê, khăn quàng đỏ, vô chào ảnh bác Hồ cái con!”. Bữa đó bác vừa thay cái ảnh chân dung bác Hồ (ngang ngực) bằng cái ảnh chụp nguyên người bác Hồ mặc bộ đồ trắng, ngồi làm việc trên cái ghế mây. Tôi chạy vô ngó cái ảnh, nói nghinh ngang: “Ảnh bác Hồ đẹp á, giống hệt ba con!”. Bác rút điếu thuốc rê ngậm trên miệng, bặm môi vờ dọa: “Nói bậy nà, ba mày sao giống được tới bác Hồ…” Rồi bác cười cười nheo mắt nói nhỏ hơn: “…Tao mới giống!” Tôi bất phục, xách cặp chạy cái vèo sau khi vẫu môi hét lại: “Giống ba con…!” 
Có người cười chê mỉa mai cái bàn thờ tổ quốc của bác, nói bác là người xu nịnh, gió chiều nào theo chiều nấy, chẳng biết nghĩa khí, chính kiến, không hiểu yêu nước là gì..v.v… Nhưng đa số bà con trong làng biết tính bác thì coi đó là chuyện bình thường, bởi thấy rõ ràng chế độ nào bác cũng chỉ tích cực làm phó thường dân rặt. Bác chẳng vụ lợi hay mong cầu điều chi cả. Có đôi lần người ta “nể” cái bàn thờ tổ quốc của bác, đến mời bác ra làm chức lặt vặt gì đó trên xã, bác lắc nguậy đầu, từ chối nói thôi thôi, tui lo mần ba cái lúa hổng kịp, ở đó mà mần việc chính quyền, chính quyếc!
Tôi lớn lên, bày đặt viết văn chương, nhiều hôm ngồi nghĩ mãi về trường hợp bác Hai Hoàng, chẳng biết xếp vào cái mục nào của trang đời đầy ắp những chuyện lạ lùng không lý giải được. Đôi lần thoáng nghĩ: chắc do trong thẳm sâu tiềm thức bác có nhu cầu “tôn thờ cập nhật”. Dùng từ “tôn thờ cập nhật” là bởi bác không thờ ông địa bà thần theo truyền thống, tập tục như các bác nông dân khác. Bác làm cái bàn thờ tổ quốc rất hiện đại, không mê tín, chẳng nguyện cầu, không mưu toan, không vụ lợi… Mục đích hình như rất là… không mục đích!
Cuộc sống muôn màu, con người nhiều lúc mắc làm điều gì đó thì người ta làm chơi cho nó có hoạt động vậy thôi, cứ gì phải đem phân tích phanh phui, tìm nguyên do nguyên cớ, vận vào ý nghĩa miên man, đánh giá phê bình, xếp hạng, phân loại… áp đặt rộn ràng đủ thứ cho thêm phần phức tạp. 
May mà thời ấy không internet, không thông tin liên lạc nhanh nhảu như bây giờ; may là xóm tôi chỉ có mình tôi léng phéng khu vực báo chí văn chương, chớ không thì cái bàn thờ chắc sẽ được đặt cho biết bao cái tên, chất lên bao tầng ý nghĩa… và bác Hai Hoàng chắc nổi danh toàn quốc, phúc họa vô lường! 
May mà hồi đó xóm tôi toàn người ít học, suy nghĩ giản đơn và bận rộn vừa phải nên chuyện cái bàn thờ không thành chuyện bàn dân thiên hạ, không nâng tầm tư tưởng, phổ biến rộng rãi… Nhờ vậy mà xóm làng sống được thoải mái độc lập tự do, dù nhọc nhằn vất vả sớm khuya nhưng khổ cũng ở mức vừa vừa vì không có ai bị nhiễm căn bệnh mãn tính của thời hiện đại bây giờ là “không chịu rảnh”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm