Thú chết, làm khổ chủ nuôi

Lâu nay, nhiều người lâm vào cảnh khó xử khi chó, mèo nuôi chết, chuyện “hậu sự” phải xử lý sao cho “có tình, có nghĩa” mà không gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ phường chỉ cách giải quyết

Bà Lan (ngụ phường 4, quận 6) rất thương yêu con chó nuôi trong nhà. Bỗng dưng chó lăn ra chết, bà loay hoay không biết giải quyết ra sao. Bà dứt khoát không cho để làm thịt, cũng không quăng xuống kênh. Cuối cùng, bà Lan thuê xe mang xác chó về tận Củ Chi, xin người quen miếng đất để chôn cất.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, kể: “Bà H., một người dân trong phường, nuôi chó để giữ nhà được ba năm, nặng khoảng 6 kg. Cách đây hai tuần, con chó lăn ra chết vì bệnh. Ông hàng xóm ngỏ ý xin về làm thịt, bà lắc đầu. Bà gói ghém cẩn thận, chuyển giao cho xe thu gom rác. Tuy nhiên, công nhân vệ sinh nói chỉ nhận rác sinh hoạt, còn thú chết thì không... Không tìm ra cách xử lý bởi thành phố đất chật người đông, chẳng có chỗ chôn. Cuối cùng, bà H. đến UBND phường nhờ hướng dẫn cách giải quyết...”.

Tương tự, ông Minh có một con mèo chết già, ông cho xác mèo vào bao xốp. Khi đến lấy rác, công nhân vệ sinh lẳng lặng bỏ xác mèo lại ven đường. Ông thắc mắc, họ đáp: “Thú nuôi chết thì chủ tự lo liệu”. Ông Minh cũng bí cách xử lý vì không có đất chôn. Một người hàng xóm biết chuyện, xúi ông quăng xác mèo xuống kênh nhưng ông từ chối.

Thú chết, làm khổ chủ nuôi ảnh 1

Chó nuôi chết, chủ nuôi vất vả tìm cách giải quyết. Ảnh: T.NGỌC

Có nơi “hóa kiếp” cho chó, mèo

Ông Lê Trung Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận 6, cho biết phường nhiều lần hướng dẫn cho các chủ nuôi cách xử lý xác chết chó, mèo hoặc loài thú nuôi khác.

Theo ông Hùng, nhiều người nhận thức được sự nguy hại đối với sức khỏe nên kiên quyết không cho chó chết, mèo chết để làm thịt. Không quăng xác chó, mèo xuống kênh để bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Tuy nhiên, không phải tất cả chủ nuôi đều biết tìm đến UBND địa phương để nhờ tư vấn cách xử lý xác thú nuôi. “Để hạn chế việc chó chết, mèo chết vào quán nhậu hoặc quăng bừa ra đường, xuống kênh rạch, chính quyền địa phương cần giới thiệu rộng rãi những điểm tiếp nhận và xử lý xác thú nuôi để nhiều người biết” - ông Hùng nêu ý kiến.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết theo quy định, công nhân vệ sinh chỉ thu gom rác sinh hoạt, còn xác chết thú nuôi thì người chủ phải xử lý riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo đó, chủ nuôi có thể mang xác thú nuôi đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) để nhờ thiêu đốt. Chi phí căn cứ vào bảng giá do Công ty Môi trường đô thị TP ban hành. Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa còn bán hũ sành để chủ nuôi đựng tro cốt con thú mình yêu thương.

Ngoài ra, Chi cục Thú y TP.HCM cũng thực hiện việc tiêu hủy xác chó, mèo. Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Phòng chống dịch-Kiểm dịch động vật, chủ nuôi có thể mang xác chó, mèo đến Đội bắt chó chạy rông (252 Lý Chính Thắng, quận 3) để thiêu đốt. Chi phí thiêu đốt mỗi con thú là 50.000 đồng.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm