Thực hư về những "bất thường" tại một trung tâm cai nghiện- Bài 1: Nhiều “cò”... “chạy bệnh”

LTS: Gần đây, râm ran tin đồn tại Trung tâm Giáo dục-Lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, đặt tại huyện Tân Thành) có đường dây “chạy bệnh” cho học viên cai nghiện tại đây được hoãn, miễn cai nghiện, được về nhà trước thời hạn.

Trong nhiều tháng, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã tiếp cận một số “cò” và gia đình học viên ở nhiều địa phương có con em đang cai nghiện tại đây để tìm hiểu thực hư.

Tháng 10-2012, trò chuyện với một chị chủ quán cà phê, chị này cho biết có con trai vừa bị đưa đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Lao động và Dạy nghề (đóng tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu). Chị nói, ông L. ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành có thể “chạy” cho con trai chị ra khỏi trung tâm.

Chạy bệnh lao, HIV giai đoạn cuối?

Từ manh mối này, chúng tôi tìm gặp ông L., để lo cho “thằng em” đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Lao động và Dạy nghề (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Ông L. cho biết cả hai đứa con của ông đều dính vào ma túy phải lần lượt vào Trung tâm để cai nghiện. “Vì thương con, năm 2009 tôi đã “chạy” 70 triệu đồng lo cho đứa lớn ra trước thời hạn vài tháng. Tôi cũng đã phải lót tay vài chục triệu đồng để lo cho đứa nhỏ. Sau đó thằng em vào lại trong đó nên tôi đang tính lo tiếp cho nó về sớm lần nữa…”.

Ông L. cũng cho hay có nhiều cách để “chạy” cho người nghiện về sớm nhưng thường là chạy... bệnh nặng. Cách này phải thông qua một số cán bộ của Trung tâm. Theo đó, sau khi cán bộ Trung tâm đồng ý, “thỏa thuận” giá cả thì học viên sẽ được đưa lên phòng Y tế-Phục hồi sức khỏe trong Trung tâm để khám. Bác sĩ của Trung tâm sẽ ghi chẩn đoán học viên mắc một bệnh nào đó, thường là bệnh lao phổi hoặc HIV giai đoạn cuối rồi “phê đơn” chuyển ra ngoài bệnh viện để điều trị. Tiếng là đưa ra bệnh viện để chữa trị nhưng học viên chỉ ở bệnh viện vài ngày là về nhà. Phía Trung tâm sẽ lo các thủ tục giấy tờ. “Sau khi thỏa thuận, phải giao trước cho người của Trung tâm một nửa chi phí và đưa nốt số còn lại khi ra khỏi bệnh viện” - ông L. nói.

Thực hư về những "bất thường" tại một trung tâm cai nghiện- Bài 1: Nhiều “cò”... “chạy bệnh” ảnh 1

Trung tâm Giáo dục-Lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: LB

Thực hư về những "bất thường" tại một trung tâm cai nghiện- Bài 1: Nhiều “cò”... “chạy bệnh” ảnh 2

Ông S. (trái) và ông L. trong một buổi bàn chuyện “chạy bệnh”. Ảnh: HP

Chúng tôi nêu thắc mắc: Nhưng em tôi không mắc bệnh, làm sao qua mặt được bệnh viện? “Mọi hồ sơ, giấy tờ đều đã có người lo. Cô thấy đó, thằng con tui mập lù, có bệnh gì đâu” - ông nói.

Theo ông L., ông từng nhờ một bác sĩ tên P. trong Trung tâm để “chạy bệnh”. Ông L. cũng nhận lời giới thiệu chúng tôi với bác sĩ P. nhưng đến phút cuối ông lại từ chối và giới thiệu chúng tôi cho một “cò” “chạy bệnh” khác.

“150 triệu về thẳng nhà luôn?!”

Qua ông L., chúng tôi gặp ông S. và bà H. Hai người này đều cho biết là rất thân với một số cán bộ, trong đó có bác sĩ P. của Trung tâm và ra giá 100 triệu đồng cho trường hợp của em chúng tôi!Qua hai tháng chờ đợi, ông S. gọi điện thoại báo cho chúng tôi là phải lo đủ 150 triệu đồng thì mới có thể đưa người ra khỏi Trung tâm.

Sau cuộc điện thoại trên, ông S. và bà H. hẹn chúng tôi tại TP Vũng Tàu để bàn tiếp. Trong buổi gặp, bà H. “nổ” là mình vừa “chạy” cho một học viên về nhà với giá 200 triệu đồng vì vừa vào trại đã ra?! Với trường hợp người thân của chúng tôi, bà ra giá 150 triệu đồng, giao tiền một lần. “Xong phần thủ tục, gia đình chỉ cần làm đơn bảo lãnh cho học viên về nhà chữa bệnh. Mọi việc khác đã có người lo. Tôi sẽ lo cho em chị về trước tết” - bà H. nói…

Ông S. hỏi: “Người nhà đang cai nghiện có tiền sử bệnh gì không?”. - “Không biết nữa, chỉ thấy nó gầy, ốm”. - “Được rồi, không bệnh họ sẽ lo kiểu khác. Gia đình chuẩn bị tiền đi, 150 triệu đồng”. - “Sao mắc thế? Một người từng “chạy” nói có vài chục triệu à. Lần trước anh cũng chỉ nói có 100 triệu đồng”. - “Nếu lo được đường khác rẻ hơn thì cứ lo, còn đây giá đó là đúng rồi. Gặp nhau đi rồi nói chuyện cụ thể” - ông S. tuyên bố.          

Với trường hợp bà H. khoe, chúng tôi xác minh thì đúng là có việc học viên tên NAT (quê Đắk Lắk, hiện ngụ phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) được UBND TP Vũng Tàu ra quyết định tạm đình chỉ cai nghiện cho về chữa bệnh. T. mới vào Trung tâm cuối tháng 7-2012.

Chưa rõ thực hư chuyện “chạy bệnh” thế nào nhưng những tin đồn lan truyền ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của  Trung tâm. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những dư luận này để xử lý hoặc minh oan cho Trung tâm.

Về chữa bệnh nhưng… đi biển đánh cá. N.V.Th. (27 tuổi, ngụ thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) bị đưa vào Trung tâm đầu tháng 8-2009. Hai tháng sau, Th. được đưa đi khám bệnh và điều trị tại BV Bà Rịa với lý do nhiễm HIV giai đoạn cuối. Từ đó, Trung tâm đề xuất UBND huyện Đất Đỏ ra quyết định cho Th. tạm hoãn cai nghiện để về nhà điều trị bệnh.

Sau 15 tháng, Th. lại bị đưa vào Trung tâm vì sử dụng ma túy. Th. thừa nhận: Trong thời gian chữa bệnh đã tranh thủ… đi biển đánh cá và sức khỏe vẫn bình thường.

HUY PHONG

Kỳ sau:Một số học viên được Trung tâm chẩn đoán mắc bệnh nặng, chuyển sang bệnh viện điều trị. Đến bệnh viện, học viên ở chưa tới một ngày, chưa kịp xét nghiệm chẩn đoán bệnh thì đã ra viện với đầy đủ giấy tờ do Trung tâm cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm