Tiệc ly hôn, tại sao không?

Nếu đã cạn kiệt tình dành cho nhau, nếu cái nghĩa cũng chưa đủ dầy dặn để níu kéo, nếu sống bên nhau chỉ là gượng ép nặng nề, nếu đã nhận ra sự bất công khủng khiếp khi bắt con cái cũng phải thở hít bầu không khí gia đình ngột ngạt, nếu đã cân nhắc mọi vẻ mà trong lòng vẫn dửng dưng nguội lạnh, tại sao không chọn cách chia tay nhau một cách vui vẻ?

Khi đến với nhau, ta có thể có một tiệc cưới đông vui lịch sự hay bày vẽ rình rang, vậy tại sao khi chia tay lại không thể có một tiệc ly hôn trong thân ái với sự tham gia của bạn bè và người thân trong gia đình?

Bữa tiệc chia tay như một sự thông báo, chia sẻ, một sự bày tỏ rằng chúng tôi đã rất đúng khi có nhau trong một đoạn đường đời thì bây giờ chúng tôi cũng không sai khi quyết định chia tay nhau. Chia tay trong vui vẻ hòa thuận là để khẳng định sự không nóng vội khi đưa ra một quyết định quan trọng của đời người, một sự tỉnh táo thừa nhận những sai lầm dẫn đến sự bế tắc, không còn tiếp tục tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân.

Quan trọng hơn hết thảy, sự chia tay trong hòa bình, vui vẻ của bố mẹ đem đến cho những đứa con một khẳng định chắc chắn hơn mọi lời nói rằng chia tay chỉ có nghĩa là cha mẹ không còn sống chung dưới một mái nhà chứ không phải chia tay là không còn tiếp tục yêu thương và không còn trách nhiệm với các con nữa.

Tiệc ly hôn, tại sao không? ảnh 1
Ảnh minh họa 

Tiệc ly hôn cũng tạo một cơ hội đầy nhân văn để mỗi người bày tỏ sự cám ơn với người đã từng là nửa kia của mình: cám ơn về những xúc cảm mãnh liệt đã từng dành cho nhau, cám ơn vì những bữa tiệc ái ân đầy lãng mạn, cám ơn vì đã chia sẻ khoảnh khắc thiêng liêng cùng người phụ nữ khi biết mình có mang, khi vượt cạn để sinh con. Cám ơn cả những lúc bên nhau khi khó khăn về tài chính, khi bấp bênh trong công việc, khi bị bè bạn hiểu lầm... Cám ơn vì đã từng nâng giấc nhau khi ốm đau bệnh tật. Mới hiểu rằng những lúc như thế, không ai chăm sóc tận tình như chồng vợ chăm sóc nhau, không ai bạc mặt vì lo cho nhau như là chồng là vợ.

Sau cám ơn là những lời xin lỗi tận đáy lòng rằng vì nóng giận mất khôn hay vì ích kỷ hẹp hòi mà đã gây cho nhau những thương tổn không bao giờ có thể hàn gắn. Xin lỗi vì đã không thực hiện được lời hứa hẹn sẽ đi cùng nhau đến cùng kiệt cuộc đời. Xin lỗi vì đã nặng lòng yêu thương người khác để dẫn đến kết cục là cuộc hôn nhân của chúng ta gãy đổ... 

Cứ chân thành như thế để tuyệt đối không biến thành thù hận của nhau. Vì sao ư? Vì chỉ khi không có ngùn ngụt căm ghét và thù hận người này mới tạo điều kiện cho người kia có thể đến thăm nom chăm sóc con cái bất cứ khi nào có thể. Vì khi không coi nhau là thù địch mới có thể tiếp tục mang đến cho các con những chăm chút ngọt ngào và mới có thể ngồi cùng bàn bạc đến những chuyện liên quan đến tương lai của các con. Đây chính là lúc cha mẹ thể hiện mình có thể dẹp cái ''tôi'' cá nhân của mình đi vì con. Chúng ta làm tất cả mọi điều để minh chứng với các con rằng hôn nhân muôn thuở là điều thiêng liêng, rằng các con là kết quả của tình yêu, của sự mê đắm thăng hoa của bố mẹ. 

Ai khi kết hôn cũng mong được sống với người mình yêu thời gian dài nhất có thể. Nhưng ly hôn cũng không phải là một điều xấu xa đáng nguyền rủa và chê trách.

Trong rất nhiều trường hợp, ly hôn là sự giải thoát đúng lúc và cần thiết cho một gia đình, tạo điều kiện cho hai người có thể tìm được hạnh phúc mới. Ly hôn hoàn toàn không phải là điều xấu khi người trong cuộc đã nỗ lực hết mình mà vẫn không cứu vãn nổi cuộc hôn nhân. 

Bằng việc ly hôn một cách văn minh và êm thấm, chúng ta đã cho những đứa con của mình có cái nhìn thật nhân văn về tình yêu và hôn nhân, về sự tồn tại hay chia tay của một mối quan hệ. Những đứa trẻ sẽ rất hạnh phúc khi chúng biết sự ra đời của chúng không phải là một sai lầm của cha mẹ. Chúng sẽ càng hạnh phúc và thanh thản hơn khi biết chúng không phải là lý do để cha mẹ chịu đựng chì chiết nhau dai dẳng thậm chí độc địa mà bề ngoài vẫn phải cố níu kéo để có một cái vỏ hôn nhân hạnh phúc. Hơn ai hết, những đứa con có quyền được sống trong bầu không khí không giả dối, không nặng nề. Chính là như thế, sự yêu thương các con mới là sự yêu thương có giá trị.

Đã có thể có một bữa tiệc để đến với nhau, tại sao không thể có một bữa tiệc chia tay nho nhỏ đầy vui vẻ và không thể nói là không vì nhau, không thể nói là không ấm cúng? Một bữa tiệc ly hôn của hai người cùng đồng lòng tổ chức, tại sao lại không?

Theo Saomai Pham (Thatmah.com)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.