‘Tiền không là cái chính trong công tác nhân đạo’

Với chủ đề “Câu chuyện của hành động”, diễn ra vào sang 14-11 tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp - IDECAF, chương trình do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng LIN tổ chức.

Nhân đạo không nên là tâm thế ban phát

Tại buổi chia sẻ, nguyên nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng việc các bạn trẻ tìm đến với công tác nhân đạo là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó cần phải cân nhắc để lựa chọn con đường và phương thức đến với cộng đồng làm sao để tạo được sự gắn kết. “Suy cho cùng đó là con đường đến với nhiều giá trị hạnh phúc khác nhau” - bà nói.

"Không phải cứ tổ chức nào có nguồn quỹ lớn là hoạt động sẽ có hiệu quả. Hiệu quả phải nằm ở việc tạo được sự chuyển động, tạo được động lực, là điều kiện cho hành động và nó có đến được với cộng đồng hay không”. ẢNH: GIANG PHẠM. 

Theo bà, trong hoạt động nhân đạo và từ thiện, tiền là không đủ, thậm chí không phải là cái chính.

“Bản thân tôi chẳng hạn, khi tôi nghe tin có một ông tỉ phú giấu tên tổ chức phát từng tờ 100 đôla cho người nghèo ở một đường phố ở New York. Phải nói thật tôi thấy bức xúc trước cảnh dòng người xếp hàng để nhận. Đó là cái kiểu từ thiện và nhân ái mà tôi thấy rất vô duyên. Dù cho anh ta ra vẻ cao thượng giấu tên nhưng tôi tin chắc là ngồi ở nhà, nghe những cái báo cáo, những hình ảnh quay trên tivi đó, anh ta chắc hẳn sung sướng và tự mãn về bản thân mình. Làm từ thiện kiểu đó tôi nghĩ không phải là từ thiện, không xứng đáng được gọi là từ thiện” - bà nêu quan điểm từ câu chuyện thực tế.

"Tôi thấy trong cộng đồng chúng ta nên dùng chia sẻ. Chia sẻ trên thực tế cũng là cho và nhận; đó là quá trình biện chứng của nó nhưng tôi vẫn nghĩ với nghĩa chia sẻ đó nó sẽ tạo được sự gắn kết trong xã hội” . ẢNH: GIANG PHẠM 

Trước nhiều quan điểm cho rằng từ thiện cũng là quá trình hai chiều, có đi có lại giữa cho và nhận, bà chia sẻ: “Tôi nghĩ hơn cả khái niệm cho và nhận, chúng ta nên dùng khái niệm chia sẻ. Khi cho và nhận, mặc dù nó rất chính xác rằng đây là quá trình hai chiều, có đi có lại nhưng tôi thấy chữ “cho” có vẻ như là cái thế bề trên, thế thượng phong; còn người nhận là thế bề dưới, có vẻ như là cái thế yếu hơn".

Bản lĩnh thanh niên trong thời đại mới

Nhấn mạnh đến yếu tố bản lĩnh của thanh niên trong thời đại mới, bà đề cập đến những tư duy còn hạn chế trong việc tạo điều kiện để các bạn trẻ tự mình vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Theo bà, nếu cứ theo tư duy truyền thống là cứ trợ cấp, ban hành chính sách ưu tiên đối với thanh niên vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn mà không chủ động gieo rắc trong họ cái động lực vượt khó, cái khát khao làm giàu để tự xây dựng cuộc sống của mình thì sẽ không duy trì lâu dài được. “Chúng ta không thể làm thay phần việc của họ-thế hệ tràn đầy sức trẻ và cả trí óc mà phải để họ tự ý thức vươn lên bằng chính bản lĩnh của mình” - bà tâm niệm.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại buổi chia sẻ. ẢNH: GIANG PHẠM

Kết thúc buổi chia sẻ, bà đặt câu hỏi dành cho các bạn trẻ: “Những người mới đến với công tác cộng đồng này, có bao nhiêu người có ý định làm công tác lâu dài? Bao nhiêu người cảm thấy có lẽ là chỉ làm ít năm hay ít tháng thôi?”

Cho rằng thanh niên hiện nay rất năng động và nhạy bén nhưng không có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định của mình, bà gửi gắm: “Thanh niên bây giờ năng động lắm. Họ tìm việc rồi thích thì nhảy qua chỗ khác làm, nhiều bạn lại cứ đứng núi này trông núi nọ nói thật, nhảy chỗ làm miết thôi. Đó là nhu cầu của các bạn nhưng cái tư duy nhanh nhảu đó không nên có trong công tác cộng đồng vì đây là công tác cần sự bám trụ. Vì vậy tư duy dài hơi và nỗ lực bền bỉ rất là cần thiết, cả sự bản lĩnh của chính các bạn nữa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm