Tiếng rao báo

Đang giấc trưa, trong con xóm nhỏ, chợt nghe qua tiếng loa phóng thanh càrọt, càrẹt “keo diệt chuột, keo diệt chuột của công ty công nghệ khoa học…”. Rồi tiếng xe bán kem, âm vang theo một điệu nhạc mà con nít thường hát “không có tiền… không có tiền… thì không có mua…”, “cân sức khỏe, đo huyết áp tự động đây…”, “bánh mì Sài Gòn đặc ruột đây…”, “bánh tét… đê”... Người bán hàng thời hiện đại đã dùng kỹ thuật thu âm rồi phát qua loa nên đỡ mệt. Vì vậy họ cứ rao liên tục bằng… máy qua một giọng rao vô cảm. Người bán không mệt vì tiếng rao qua loa nhưng người nghe rất mệt. Đã qua thời nghe loa phường giờ nghỉ trưa, bây giờ lại phải nghe tiếng rao hàng chát chúa, một giọng rao hàng vô tính, lặp đi lặp lại bên tai. Lẩn thẩn nhớ lại tiếng rao hàng được nghe hồi nhỏ rồi tự hỏi không lẽ tiếng rao hàng bây giờ nó vô hồn như vậy sao?

Cũng may ngày nay tiếng rao báo không còn nữa. Chứ nếu cứ oang oang giọng rao những tít giựt gân lá cải thì làm sao thị dân chịu nổi.

Nhớ lại những đêm mưa, trong xóm nghèo, buồn thúi ruột, nghe tiếng rao của chị bán chè “ai ăn chè đậu xanh, bún tàu, nước dừa… ai ăn hột vịt… lộn không?” là lòng vui trở lại. Chị bán chè, mỗi lần rao, dù câu chữ thì giống nhau nhưng mỗi lần rao âm điệu lại có khác nhau. Có khi vui, có khi buồn. Nghe tiếng rao biết chị hôm nay bán ế hay bán đắt, trong nồi còn chè ít hay nhiều. Trong tiếng rao, chị bán chè hình như gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy. Khi thì ngân nga như hát cải lương, khi thì đủng đà đủng đỉnh như câu chuyện tình trong truyện dài kỳ nhật báo, khi kéo dài hơi như giọng ca kép cải lương Minh Cảnh “phô trương sự phong phú trong âm thanh tiếng Việt” (Tràng Thiên). Nghe nhiều riết rồi tôi ghiền nồi chè và tiếng rao của chị đến bây giờ.

Nhưng còn một “thể loại” tiếng rao mà nhà văn Tràng Thiên cho rằng đứng trên tất cả giọng rao, đó là tiếng rao của những đứa trẻ bán báo. Bây giờ, đố ai tìm được một giọng rao báo trên đường phố buổi sáng. Những người phụ nữ nhỏ tuổi, lớn tuổi, trong bộ quần áo bạc màu, đầu đội nón lá sờn cũ, tay ôm chồng báo thuộc loại “lá cải” lầm lũi đi, lầm lũi mời mọc, lầm lũi bán. Chẳng hề nghe được tiếng rao “báo đây… báo mới đây… báo mới ra lòvừa thổi vừa coi đây…”. Qua giọng rao những người bán báo dạo, người nghe tạm biết sơ các “đề mục” ngày hôm đó như “hôm nay… gần Tết hai bên tạm thời ngừng chiến từ ngày…”, “lương công chức được tăng 3%, giá gạo tăng 5% trên tờ Điện Tín đây”, “tại sao Chính phủ cho xây cầu bắc ngang chợ Sài Gòn theo lời bình của Tư Trời Biển báo Tin Sáng đây…”, “tăng thuế kiệm ước, sinh viên-học sinh biểu tình chống tăng học phí trường tư đây…”. Nghe tiếng rao hấp dẫn vô cùng vàvài người đàn ông trong quán xìa tay ra mua tờ báo. Cũng có khi người phụ nữ kêu thằng nhỏ bán báo lại khi nghe “chàng” rao bằng cái giọng chưa vỡ tiếng “Vũ nữ Cẩm Hằng đã gặp lại người mẹ giàu có sau 10 năm lưu lạc... trong truyện Ngày mai trời lại sáng báo Sài Gòn Mới đây…”.

Khoảng đầu những năm 1980, trong xóm tôi có anh Tư - chuyên nghề bán báo dạo ở bến xe. Lúc ấy báo “chính thống” rất khó bán vì làm báo theo kiểu “bao cấp”, thế mà ngày nào anh cũng bán hết báo. Người viết báo được người bán báo mời đi nhậu mỗi chiều bên chai bia Sài Gòn (lúc đó là sang lắm). Anh Tư khề khà nói: “Tụi mình đều làm báo, ông viết báo, tui bán báo. Ông viết báo không ra tiền chớ tui bán báo bến xe đỡ vã lắm”. “Người ta bán báo ế nhệ, sao anh bán được hay vậy?”. “Có gì đâu, chịu khó rao một chút. Leo lên xe, lựa cái tựa báo nào hấp dẫn một chút như “du đãng giết hai người bị trời đánh, danh hài X. chết vì ung thư gan do uống rượu Cây Lý… Người ta muốn mua báo vì nó gợi cho người ta sự tò mò, hấp dẫn…”.

Bây giờ, tôi nghĩ cái chuyện không còn tiếng rao báo nữa biết đâu được đó cũng là điều hay. Vì nếu còn những tiếng rao báo như anh Tư thì ta sẽ chịu sao nổi khi hằng ngày phải nghe những tin Gia đình nghèo chết vì bệnh ung thư, Tỉnh X. xây trụ sở ngàn tỉ, Học sinh chết vì không tiền ăn sáng, Mẹ chết cho con lấy tiền phúng điếu ăn học, Đại gia ngân hàng chi xài riêng 18 ngàn tỉ…thật là chán mớ đời!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm