Tiêu tiền người khác dễ lắm!

Với sai phạm lần lượt là 10.000 tỉ đồng và 18.000 tỉ đồng, tổng số tiền mà hai tập đoàn này chi tiêu sai quy định đã gần 1 tỉ USD. Nếu biết rằng GDP của Việt Nam cả năm 2011 chỉ là hơn 100 tỉ USD, người ta dễ dàng hình dung ra độ “phóng tay” của các quan chức tại hai tập đoàn này.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, giải thích: “Bạn cứ hình dung thế này, khi bạn cầm tiền của mình đi tiêu thì bạn sẽ phải cân nhắc, day dứt lắm, nhất là khi tiêu một số tiền lớn. Nhưng nếu tiền đó của người khác nhờ bạn tiêu hộ, mua sắm hộ thì bạn chi tiêu có vẻ thoải mái hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn, thất thoát lớn hơn. Đó là tính cách chung của con người ta, cái gì là của mình thì giữ gìn cẩn thận, còn cái gì không phải của mình làm ra thì không thể giữ gìn cẩn thận như thế được”. (Bee.net)

Từ khoảng nửa thập kỷ trở lại đây, người Việt Nam đã quen dần với những con số triệu đô, trăm triệu đô được công bố trong bảng dự toán chi tiêu của các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước. Năm 2006, khi số tiền xây dựng con đường đắt nhất hành tinh (Kim Liên - Ô Chợ Dừa) được công bố, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã ví von cách tiêu tiền này của các quan chức tựa như đối với con bò sữa. Hết lại vắt!

Bởi vì tiêu tiền của người khác rất dễ, nên mỗi khi trao cho ai quyền quyết định một món ngân sách nhà nước bất kỳ nào đó, theo logic thông thường người ta phải kèm theo đó một cơ chế đủ hiệu quả để giám sát và quy trách nhiệm, kìm hãm đến mức tối đa những cảm xúc quá đà mà những người có quyền đặt bút ký rất dễ sa vào.

Nhưng trong khi cái cơ chế đủ hiệu quả đó thậm chí còn chưa định hình trong đầu những người làm chính sách, thì những tập đoàn nhà nước vẫn tiếp tục được bơm một lượng tiền khổng lồ để… kinh doanh. Hiệu quả sử dụng đồng vốn của những người không phải chủ sở hữu được đến đâu, là điều đã được dự báo từ trước. Sự tồn tại của các tập đoàn nhà nước, bởi vậy, trở nên kém thuyết phục.

Và sau tất cả những vụ làm ăn với sai phạm lên tới hàng tỉ đô được tiến hành bởi những Vinashin, Sông Đà, Dầu khí này, cộng với những khó khăn chồng chất mà nền kinh tế đang gặp phải, không ai dám chắc con bò sữa có thể béo thêm. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, những người nuôi bò đã không còn nhiều tiền để đóng thêm đủ các loại phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm