Tìm nguyên nhân 5 vụ dự báo bão sai

Ông Trần Văn Sáp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia phát biểu như trên tại hội thảo Cảnh báo sớm các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương tổ chức ngày 28-10.

Ông Sáp cho biết hiện bản tin dự báo thời tiết đã được quảng bá nhanh chóng trên mạng Internet và các phương tiện truyền thông. Nhưng điều đó cũng nhanh chóng làm lộ rõ những bất cập cố hữu của các bản tin dự báo, thậm chí chỉ vài giờ sau dự báo. Vì thế, áp lực của công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng tăng lên rõ rệt.

“Các bản tin dự báo những cơn bão có diễn biến và đường đi phức tạp có độ chính xác chưa cao. Chính vì vậy, công tác chỉ đạo phòng chống bão đôi khi bị động, dẫn đến thiệt hại” - ông Nguyễn Thế Lương, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, chỉ rõ.

Theo ông Sáp, công tác dự báo bão có lần được thực hiện tốt nhưng cũng có lần chưa tốt. Ngoài ra, Việt Nam chưa có khả năng dự báo các hiện tượng thời tiết như giông, lốc, lũ quét, vòi rồng. Về dự báo bão, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã rút kinh nghiệm nghiêm túc trong công tác dự báo từ đầu năm đến nay, trong đó có cơn bão số 9, số 10. “Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu 5 trường hợp dự báo sai trong năm ngoái để tìm hiểu nguyên nhân” - ông Sáp cho biết.

Về việc cập nhật bản tin dự báo bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng cho rằng diễn biến các cơn bão thường thay đổi liên tục. Vì vậy, những người làm công tác phòng chống lụt bão và người dân phải cập nhật liên tục bản tin, từ một đến ba giờ/lần.

“Trong thực tế sẽ có những trường hợp hiện tượng thực tế không xảy ra đúng với dự báo. Ví dụ ở Nhật Bản hằng năm có khoảng 100 cảnh báo về sóng thần nhưng chỉ có vài lần xảy ra. Ở ta, người dân sơ tán vài lần không thấy bão tới, lần sau không sơ tán nữa là rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân không được chủ quan” - ông Tăng lưu ý.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết chỉ cung cấp dự báo nền, thông tin cơ bản về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Tiếp đó, các trung tâm dự báo cấp tỉnh sẽ cụ thể hóa ảnh hưởng của những hiện tượng trên tới địa phương. Các bản tin của trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cấp tỉnh phải tới được chính quyền, người dân và đó là căn cứ để chỉ đạo công tác phòng tránh bão, lũ ở địa phương.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm