Tin vui từ khu phố “3 không” ở Thủ Đức

Hơn một năm nay, 120 hộ dân ở tổ 9 và tổ 10, khu phố 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức rất phấn khởi vì không phải sống trong cảnh thiếu nước sạch, “nhà không số, phố không tên” do thiếu giấy tờ nhà đất.

 Bà Nguyễn Kim Loan vui mừng khi được sử dụng nước sạch sau gần 15 năm sử dụng nước không hợp vệ sinh. Ảnh: VIỆT HOA

Đã hết cảnh khát nước sạch

Tháng 8-2015, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài viết phản ánh về khu phố 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức người dân đã sinh sống hơn 30 năm nay nhưng không có số nhà, không nước sạch và cũng không được giải quyết cấp giấy tờ nhà đất. Do không được cấp giấy tờ nhà đất nên người dân không được làm hộ khẩu, không làm được CMND. Trẻ con thì khó khăn trong việc nhập học; thanh niên, người lớn thì rất khó xin làm việc tại các công ty, nhà xưởng do không có giấy tờ tùy thân nên đa phần là làm thuê, làm mướn.

Một tháng sau, UBND quận Thủ Đức cho biết gần 100% hộ dân đã được giải quyết cấp số nhà. Riêng nước sạch thì đã hoàn thành khảo sát, vẽ sơ đồ chuẩn bị cho công tác lắp đặt đồng hồ nước. Tại thời điểm đó, quận Thủ Đức cho biết đã gắn được một nửa đồng hồ nước cho dân (57 hộ).

Sáng 12-9, trở lại khu phố 2 sau hơn một năm, ông Lý Minh Hải, tổ trưởng tổ 9, cho biết đến thời điểm này thì nước sạch đã vào đến từng gia đình, biển số nhà cũng đã được gắn đầy đủ. Người dân không còn phải chật vật với việc giao dịch hay chỉ đường mỗi khi có khách đến nhà.

Căn nhà của bà Nguyễn Kim Loan ở cuối hẻm 71 đã được gắn biển số 71/15/2/16, đường số 8 sau gần 15 năm mua nhà về đây sinh sống. Bà Loan chỉ vào hai bình lọc nước gắn ngay bồn rửa bát và nói rằng đó chính là minh chứng của những ngày phải dùng nước không hợp vệ sinh. “Bây giờ đã có nước sạch, dù phải trả tiền cao hơn nhưng quan trọng là an toàn cho sức khỏe cả gia đình tôi. Nhất là không phải chật vật mỗi lúc mất điện không bơm được nước từ giếng khoan như trước kia nữa” - bà Loan vui vẻ nói. Bà Loan cũng chia sẻ, trước đó gia đình bà cũng nhiều lần làm đơn gửi cơ quan chức năng để được gắn nước sạch và số nhà nhưng không được giải quyết.

Ở cách đó mấy căn, gia đình ông Nguyễn Văn Khoa cũng cảm thấy thoải mái và yên tâm khi thoát khỏi cảnh khát nước sạch. Cũng như bà Loan, gia đình ông Khoa suốt 15 năm sinh sống ở đây phải dùng nước giếng trong mọi sinh hoạt. “Trước đây biết là nước không sạch nhưng cũng phải dùng. Nay có nước sạch vào tận nhà, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi” - ông Khoa chia sẻ.

Năm 2015, người dân khu phố 2 đã bức xúc trình bày với phóng viên về việc không có giấy tờ nhà đất đã gây thiệt thòi nhiều quyền lợi khác. Ảnh: VIỆT HOA

Không phải chạy ra UBND phường để đón khách

Bà Loan hồ hởi khoe: “Kể từ khi có số nhà, dù phải bốn dấu xuyệt nhưng cũng không gây khó khăn trong việc tìm kiếm như trước đây. Con gái tôi mua đồ trên mạng, với số nhà được cấp, người ta tìm đến tận nhà giao hàng, tôi thấy rất vui. Thay vì trước đây, mỗi khi có khách hoặc giao dịch gì, chúng tôi đều phải hẹn ở UBND phường Trường Thọ rồi ra đón vào” - bà Loan kể.

Ông Lý Minh Hải cho hay kể từ khi có số nhà, bà con khu phố 2 đã thoát khỏi cảnh “nhà không số, phố không tên” như trước đây. “Chỉ là số nhà thôi nhưng cũng phải mất 20-30 năm mới được cấp, chúng tôi ở khu phố này giống như công dân hạng hai vậy” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, người dân khu phố 2 rất vui mừng và phấn khởi vì đã không còn phải chịu nhiều thiệt thòi và bất tiện như trước đây. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là giấy tờ nhà đất đến nay vẫn chưa được xử lý do nằm trong đất công. Vì chưa có giấy tờ nhà đất nên hơn 120 hộ dân trong khu phố đến nay vẫn không làm được hộ khẩu, không có CMND, đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, cho biết do chưa có giấy tờ nhà đất nên chưa có hộ khẩu, CMND và đã gây nhiều thiệt thòi cho người dân khu phố 2. Phường đã kiến nghị lên quận làm việc với Công ty Cấp nước Thủ Đức cũng như công an quận để cấp nước và cấp tạm số nhà cho dân.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào (khu phố 2) vẫn còn giữ lại tấm thẻ căn cước được cấp ở chế độ cũ. Đó là tấm giấy tờ tùy thân duy nhất của bà cho đến thời điểm hiện tại. Tới đây, nếu căn nhà của bà trong diện đủ điều kiện cấp giấy tờ nhà đất thì bà sẽ được làm hộ khẩu và CMND. Ảnh: VIỆT HOA

 Thở phào vì giảm được tiền tỉ tiền sử dụng đất

Trong sáu tháng qua, rất nhiều người dân tại quận Bình Tân, quận 8, TP.HCM đã thở phào vì được nộp tiền SDĐ đúng theo quy định pháp luật và không phải đóng lố tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng do Chi cục Thuế quận áp dụng một công văn hướng dẫn chưa chặt chẽ của Sở Tài chính.

Trước đó, vào cuối năm 2015, Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của nhiều người dân quận Bình Tân về việc phải đóng tiền SDĐ quá cao khi chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở. Theo quy định, những trường hợp như vậy mà đất đó không có nguồn gốc do Nhà nước giao thì người dân sẽ đóng tiền theo hình thức chuyển mục đích SDĐ (bằng bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất là 1,0). Những trường hợp tại quận Bình Tân đều đáp ứng đủ điều kiện để cho chuyển mục đích SDĐ và đều có nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng trong dân (không phải là đất Nhà nước giao). Tuy nhiên, khi tính tiền SDĐ thì bị áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất là theo hình thức giao đất ở mới (bằng bảng giá đất x hệ số 1,6). Do đó số tiền phải đóng cao gấp hai, ba lần, người dân không thể đóng nổi.

Ba ngày sau khi Pháp Luật TP.HCM viết bài phản ánh, Sở Tài chính đã có văn bản báo cáo giải trình UBND và Thường trực Thành ủy TP.HCM. Theo đó, Sở Tài chính cho rằng công văn hướng dẫn của sở này không áp dụng cho các trường hợp ở quận Bình Tân. Đồng thời kiến nghị UBND TP giao quận Bình Tân giải quyết theo quy định.

Đến ngày 10-3-2016, UBND TP đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Tài chính. Đồng thời chỉ đạo các quận, huyện căn cứ nguồn gốc, quá trình SDĐ và quy định pháp luật đất đai, khẩn trương rà soát hồ sơ và chuyển ngay thông tin địa chính cho Chi cục Thuế để xác định, tính tiền SDĐ theo đúng quy định.

ĐÔNG VĂN

Tiêu điểm

Đề xuất cấp giấy đỏ cho người dân

Liên quan đến việc cấp giấy tờ nhà đất cho người dân, ngày 6-9, Ban Chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) về sắp xếp lại nhà đất công của TP đã có văn bản giải quyết các vấn đề liên quan đến khu đất công tại khu phố 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Theo đó, Sở Tài chính đưa ra hướng xử lý đối với 122 hộ dân sử dụng nhà đất có nguồn gốc đất lấn chiếm đất công với diện tích hơn 5.000 m2.

Sở Tài chính đề xuất TP cho đưa phần diện tích này ra khỏi danh sách đất công và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy đỏ) cho dân. Cụ thể, 54 hộ có nhà, đất tạo lập và sử dụng trước ngày 1-7-2004, phù hợp quy hoạch thì được giải quyết cấp giấy. 79 trường hợp còn lại không đủ điều kiện cấp giấy đỏ theo quy định, Sở Tài chính đề xuất TP cho bán chỉ định cho các hộ dân đang trực tiếp sử dụng.

Sở Tài chính đề xuất TP giao quận Thủ Đức kiểm tra, rà soát quy định pháp lý SDĐ của từng hộ gia đình, cá nhân để thực hiện việc thu nghĩa vụ tài chính về đất và thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm