Tòa nhà EVN bị cháy: Khả năng do lửa hàn xì ở tầng hầm?

Tòa nhà bốc lửa trở lại

Khoảng 1 giờ 30 sáng 16-12, tòa tháp đôi EVN bốc cháy trở lại. Hai xe cứu hỏa của PCCC quận Đống Đa lập tức đến hiện trường để dập đám cháy.

Hiện tại, toàn bộ khu vực tòa nhà EVN đã bị phong tỏa. Các cán bộ nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC, CNCH Hà Nội và đại diện EVN khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân vụ cháy cũng như đánh giá hậu quả. Một số phương tiện chữa cháy vẫn được đặt tại hiện trường phòng ngừa hỏa hoạn trở lại.

Trao đổi, một sĩ quan công an tại hiện trường đánh giá thiệt hại vụ cháy là khá lớn. Bởi kết cấu tòa tháp đôi EVN bằng kính, các tầng thông với nhau qua hệ thống giếng kỹ thuật điện, nước, ống thông hơi, điều hòa. Nhiều thiết bị đã được lắp đặt trong các tuyến này. Khi cháy, hơi nóng cùng khói muội chạy theo các giếng, ống thông suốt từ tầng hầm lên tầng thượng và xuyên ngang nhiều tầng nhà, chắc chắn nhiều thiết bị, dây cáp kỹ thuật bị hư hỏng.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, vụ cháy làm 26 nạn nhân bị ngạt khói, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Một người bị ngạt nhẹ đã ra viện luôn, hiện còn 25 người đang nằm viện để theo dõi điều trị do ngạt khói hoặc nghi ngờ bỏng hô hấp. Những người này không bị nguy hiểm tới tính mạng.

Tòa nhà EVN bị cháy: Khả năng do lửa hàn xì ở tầng hầm? ảnh 1

Tòa tháp đôi EVN bốc cháy nghi ngút khói chiều 15-12

Tòa nhà EVN bị cháy: Khả năng do lửa hàn xì ở tầng hầm? ảnh 2

 Công an phong tỏa hiện trường để điều tra vụ cháy. Ảnh: VPHN

Phải trang bị phương tiện hiện đại

Đánh giá sơ bộ, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng công tác PCCC và CNCH được triển khai tốt. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội cần phối hợp với Thanh tra xây dựng, Sở LĐ-TB&XH làm rõ về vấn đề an toàn của các tòa nhà cao tầng, từ khâu thi công cho đến khai thác vận hành. Ông Thảo nói: “Trước thi công một công trình, việc an toàn PCCC phải được đảm bảo đầu tiên. Nếu không đảm bảo phương án sẽ không được cấp phép xây dựng”.

Về trang thiết bị PCCC, xe cứu hỏa hiện nay chưa đảm bảo. Như vụ cháy này, xe thang chỉ với đến tầng 14 trong khi tòa nhà cao đến 33 tầng. Khi xảy ra cháy nổ, việc triển khai cứu hộ rất khó thực hiện. Thiết bị và lực lượng cứu hộ cũng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

“Phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng để khi xảy ra cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn” - ông Thảo nói. Ông cũng hỏi các lãnh đạo sở, ngành vì sao không nhờ đến trực thăng quân đội. Theo ông Thảo, trong điều kiện chưa mua sắm được phương tiện hiện đại này, Sở Cảnh sát PCCC nên tính đến việc phối hợp vì hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng, khả năng tái diễn cháy ở các cao ốc hoàn toàn có thể xảy ra…

Chưa đảm bảo PCCC

Theo Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội, ông Nguyễn Đức Nghi, công tác chữa cháy tòa nhà gặp nhiều khó khăn vì tòa nhà đang thi công, các hệ thống an toàn chưa vận hành. Bể chứa trên tòa nhà cũng chưa có nước. Rất may ở đó gần khu vực Nhà máy nước Yên Phụ nên có thể bắt vòi ở các họng cứu hỏa.

Theo ông Nghi, các cơ quan đang vào cuộc nhưng khả năng các công nhân thi công hàn xì ở tầng hầm làm văng tia lửa gây cháy. “Một số công nhân cho biết lúc đó ở dưới tầng hầm, các công nhân đang thi công nhưng xung quanh lại tập kết rất nhiều vật dễ bắt lửa như xốp, ống nhựa, dây điện... nên khi cháy tạo ra khói nghi ngút bao trùm cả tòa nhà. Lẽ ra khi hàn xì, những vật liệu này phải được di chuyển hết ra ngoài” - ông Nghi nói.

Theo một lãnh đạo sở này, tòa nhà EVN không đảm bảo quy định về PCCC. Ông này nói: “Có hai công tác phòng cháy khác nhau là trong quá trình thi công và khi đã hoàn thiện. Theo nguyên tắc, từ khi bắt đầu xây dựng các công trình đã phải đảm bảo an toàn PCCC nhưng công tác này ở tòa nhà không đảm bảo quy định (không có hệ thống bình bột, cát, nội quy phòng cháy…). Lối cầu thang bộ của tòa nhà đáng lẽ phải đảm bảo kín, điều áp để khi cháy người ở tầng trên có thể đi xuống. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố các cửa đều được chèn, không kín. Cầu thang thoát hiểm, hệ thống hộp kỹ thuật không khác gì bếp lò, hút khói lên. Khói vì thế phủ khắp tòa nhà, công nhân không xuống được.

Trong vụ cháy trên, cảnh sát đã huy động 300 lính PCCC và 300 người khác thuộc các quận, phường và quân đội, huy động 7/10 phòng tham gia chữa cháy, cứu nạn.

Hiện Hà Nội có 500 tòa nhà cao trên 10 tầng nhưng hạ tầng và công tác phòng cháy không đáp ứng. Hà Nội cần 6.000 trụ nước cứu hỏa nhưng hiện chỉ có hơn 1.000, 1/3 trong số đó không có nước hoặc không vận hành được. Cả TP hiện có 52 xe cứu hỏa song chỉ khoảng 30 xe còn hoạt động, có xe từ những năm 1960. Lực lượng cũng còn quá mỏng, theo quy chuẩn mỗi đơn vị phụ trách 3-5 km2 song hiện có đơn vị đang phải phụ trách địa bàn tới 60 km2... Vì thế, các tòa nhà cao tầng phải thiết kế hệ thống PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn VN để tự chữa cháy, tự làm nhiệm vụ thoát nạn cho người ở trong.

Cách thoát hiểm khi cháy nhà cao tầng

Khi cháy nhà cao tầng, mọi người cần cố gắng thoát ra ở các lối thoát hiểm. Nếu không thoát qua đó được thì qua các hành lang, ban công của tòa nhà. Cuối cùng mới là tìm cách thoát lên cao. Khi cháy, người bị nạn phải bình tĩnh, dùng khăn ướt bịt mũi, miệng tránh ngạt, sau đó tìm cửa thoát nạn và bằng mọi cách báo cho mọi người biết mình đang ở vị trí nào.

Đến nay vụ cháy vẫn chưa có gì thiệt hại lớn. Hiện tại, EVN và các đối tác bảo hiểm và ban quản lý dự án đang kiểm kê tài sản tổn thất.

Ông ĐINH QUANG TRI,
Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của EVN

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm