TP.HCM đề xuất hàng quán treo bảng cho đi vệ sinh miễn phí

“TP.HCM là nơi tập trung du khách trong và ngoài nước rất đông. Thế nhưng nhiều khu vực tìm đỏ con mắt cũng không thấy nhà vệ sinh (NVS). Tôi đã từng toát mồ hôi khi tìm chỗ giải quyết nhu cầu cá nhân” - ông Thành (Kiên Giang) nói.

Suýt… tè trong quần

Ông Thành kể: “Tôi ở Kiên Giang lên TP.HCM dự đám cưới con của người bạn thân.

Cuối tuần rồi, người bạn lấy ô tô chở tôi cùng vài người khác từ quận Gò Vấp qua quận 4 để tham quan Bến Nhà Rồng. Trên đường bị kẹt xe, tôi phải chịu đựng rất lâu mới tìm được NVS công cộng”.

Là hướng dẫn viên của một công ty du lịch, chị Hoa thường đưa du khách tham quan trung tâm TP.HCM. “Biết khách thường có nhu cầu “giải quyết tự nhiên” nên tôi tìm hiểu thật kỹ những nơi có đặt NVS để hướng dẫn khách khi cần thiết. Thế nhưng vẫn có trường hợp khiến tôi trở tay không kịp” - chị Hoa nói.

“Có lần sau bữa ăn trưa tại một nhà hàng trên địa bàn quận 5, tôi dẫn đoàn du khách của tỉnh Bình Phước đến tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Xe chuyển bánh không được bao lâu, một nữ du khách mặt mày nhăn nhó, ôm bụng than đau và muốn “đi ngoài”” - chị Hoa kể.

Chị Hoa liền bảo tài xế tấp xe vô lề rồi dẫn du khách đi thẳng tới quán nước giải khát. Chị Hoa hỏi mua vài lon nước ngọt, đồng thời xin đi nhờ vệ sinh. Chủ quán đồng ý, nữ du khách thở phào. “Đây không phải trường hợp cá biệt, ngay cả du khách nước ngoài cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. TP.HCM nếu xây thêm nhiều NVS công cộng thì sẽ tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách hơn” - chị Hoa nói.

Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, khang trang tại Công viên Lê Văn Tám, TP.HCM. Ảnh: HTD

Vận động xây nhà vệ sinh miễn phí

Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP đề xuất hai phương án xã hội hóa NVS công cộng phục vụ miễn phí người dân và du khách trên địa bàn TP.

Phương án thứ nhất là giao các doanh nghiệp (DN) có nguyện vọng đầu tư NVS cao cấp để phục vụ dân và khách du lịch. Quyền lợi của DN là được phép quảng bá thương hiệu tại khu vực xây dựng NVS. Nếu DN là ngân hàng thì cơ quan chức năng có thể cho phép xây dựng trụ ATM.

“Phương thức nói trên đã được Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Sacombank thực hiện. Bên cạnh đó, UBND quận 1 cũng đã có đề xuất thí điểm đầu tư chỉnh trang NVS công cộng trên địa bàn quận theo hướng đầu tư xã hội hóa” - bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trình bày trong văn bản.

Phương án thứ hai, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận/huyện rà soát và phối hợp cơ quan nhà nước có trụ sở trên các đoạn đường tập trung nhiều du khách (đặc biệt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ) mở cửa NVS để phục vụ miễn phí. “Sở Du lịch cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận/huyện vận động DN, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng xăng dầu… trên địa bàn treo bảng hiệu cho du khách sử dụng miễn phí NVS sẵn có” - bà Tuyết trình bày thêm.

Tôi mở nhà hàng là để phục vụ khách đến ăn uống. Để làm hài lòng thực khách, chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều khu vực NVS. Chúng tôi cũng phải bỏ tiền thuê người lau chùi để NVS luôn sạch sẽ, không hôi hám.

Nếu cho người dân và du khách sử dụng miễn phí NVS thì chúng tôi vừa hao tốn điện nước, giấy lau tay, lại phải trả thêm tiền cho người lao công vì tăng tần suất phục vụ.

Ông H., chủ một nhà hàng ở quận 1, TP.HCM

Nếu du khách và người dân được phép giải quyết nhu cầu cá nhân tại NVS của đơn vị thì người lạ đi ra đi vào khó kiểm soát, vừa gây ồn ào, vừa làm mất cảnh quan nơi công sở. Tôi thấy phương án giao cho các DN xây NVS miễn phí và được treo bảng quảng bá thương hiệu tại đó là phù hợp nhất.

M., phụ trách một đơn vị nhà nước
trên địa bàn quận 3, TP.HCM

__________________________________

208 NVS công cộng đang được sử dụng trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có 155 NVS tập trung chủ yếu ở các tuyến đường, công viên, bến xe, chợ. Riêng các điểm thu hút khách du lịch có 53 NVS công cộng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm