TP.HCM: Phát hiện chất độc tinopal trong nhiều loại mứt

Trường hợp thứ nhất là bà Nguyễn Trang Thùy (207/47/14 Hồ Học Lãm, khu phố 2, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM).

Kết quả kiểm định cho thấy bà Thùy sử dụng tinopal để sản xuất bốn loại mứt, bao gồm mứt củ năng (NSX: 8-12-2016, HSD: 6 tháng); mứt gừng ép (NSX: 3-1-2017, HSD: 3 tháng); mứt năng ép (NSX: 5-1-2017, HSD: 3 tháng); mứt bí cây (NSX: 5-1-2017, HSD: 3 tháng).

Mứt gừng phát hiện có chất độc hại tinopal. Ảnh: TRẦN NGỌC

Với sai phạm trên, cùng các sai phạm khác như sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục cho phép nhưng vượt giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất…, bà Thùy bị phạt 43,5 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai là hộ kinh doanh Trường Thọ (48/13 Trương Phước Phan, khu phố 18, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM). Kết quả phân tích ghi nhận mứt bí bán thành phẩm (ngâm đường) và nguyên liệu bí đao đã qua sơ chế của hộ này cũng có chứa tinopal.

Ngoài hành vi sai phạm trên, hộ kinh doanh Trường Thọ còn có hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hàng hóa có nhãn ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định phạt tổng cộng 38,3 triệu đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tinopal là chất tăng trắng quang học chỉ được sử dụng trong công nghệ vải, giấy, bột giặt. Tinopal có tác dụng làm bề mặt sản phẩm bóng, trơn nhẵn trông đẹp mắt.

“Tinopal bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì là “thuốc đại bổ giết người mau chóng”. Tinopal gây hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ đưa đến tình trạng viêm loét dạ dày” - PGS-TS Thịnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm