Trang web “Tôi đi hối lộ” phiên bản Việt Nam

Anh Hoàn chia sẻ, tình trạng hối lộ ở Ấn Độ và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Ý thức của người dân chưa cao dẫn đến thói quen chấp nhận chi tiền mà không thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho việc nhận hối lộ.

Không gây áp lực xử lý cá nhân

. Thưa anh, trang web của anh muốn thay đổi thói quen đưa hối lộ như thế nào?

+ Để thay đổi về nhận thức là một quá trình có thể phải mất nhiều năm. Thói quen đó có thể được thay đổi theo hướng người dân được tự do chia sẻ câu chuyện hối lộ của chính mình, một hình thức tố cáo không xác định danh tính. Chúng tôi tiếp nhận và tổng hợp thông tin nhằm giúp các cơ quan, ban ngành có được một hệ thống dữ liệu, từ đó có một chính sách, quyết định tốt tư vấn cho Chính phủ giải quyết các vấn đề về tham nhũng.

. Những dạng thông tin gì sẽ được các anh thu thập?

+ Lấy ý tưởng từ trang web ipaidabride.com nên nhiều nguyên tắc ở đó cũng được chúng tôi tiếp thu và áp dụng. Chúng tôi sẽ không thu thập danh tính của người tố cáo và người bị tố cáo mà chủ yếu thu thập thông tin về lĩnh vực, địa bàn, cách thức nhận hối lộ... Chúng tôi không dùng thông tin đó để gây áp lực xử lý cá nhân lên bất kỳ ai.

. Nhưng nếu tố cáo mà không nêu đích danh, liệu người đăng thông tin sẽ tố cáo sai lệch vì không phải chịu trách nhiệm?

+ Trang web không thu thập danh tính chính là để giảm thiểu việc đó. Chúng tôi sàng lọc những thông tin về cá nhân để tránh việc lợi dụng nói xấu hay bôi nhọ cá nhân.

Trang web “Tôi đi hối lộ” phiên bản Việt Nam ảnh 1

Trang web “Tôi đi hối lộ” phiên bản Việt Nam ảnh 2

Anh Hà Phúc Hoàn và trang web toidihoilo.com. Ảnh: VIẾT THỊNH

. Người tố cáo trên trang web được bảo mật ra sao?

+ Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống dữ liệu để người đưa thông tin phản ánh về tham nhũng không phải khai báo về cá nhân mình. Kỳ vọng của chúng tôi khi đưa thông tin về tham nhũng là cảnh tỉnh người nhận hối lộ sẽ không tiếp tục nhận hối lộ nữa, nếu tiếp tục nhận sẽ bị đăng thêm.

. Nội dung tố cáo của người dân khi đưa lên có bị can thiệp về nội dung không?

+ Có, đây là việc cần thiết để đảm bảo nguyên tắc hoạt động mà chúng tôi đã đề ra như không chống đối Nhà nước, không công khai danh tính người tố cáo…

. Ban tư vấn sẽ đóng vai trò gì trong hoạt động của đề án này?

+ Họ sẽ là cầu nối giữa người dân, Chính phủ và cơ quan chức năng. Họ cũng sẽ tư vấn cho người dân trong từng vụ việc được phản ánh để thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời cũng hoàn thành nghĩa vụ, nhu cầu của mình.

Ý tưởng thành lập ban tư vấn vừa được chúng tôi đưa ra nên tạm thời chúng tôi chưa có được danh sách cụ thể. Tuy nhiên, đó sẽ là những người có kiến thức và trách nhiệm phù hợp.

. Anh có dự định trong ban tư vấn đó sẽ có cả lãnh đạo ở các cơ quan bị tố cáo nhận hối lộ nhiều không?

+ Đó cũng là một gợi ý hay mà chúng tôi sẽ lưu ý.

“Đầu bảng” là giáo dục, y tế, giao thông

. Anh có đặt ra mục tiêu trong khoảng bao lâu thì trang web của anh sẽ tạo chuyển biến giảm thiểu tình trạng hối lộ?

+ Chúng tôi cố gắng để sau một năm nữa sẽ có một bản báo cáo về tình trạng hối lộ ở các ngành, các lĩnh vực để thông tin lên Chính phủ và các tổ chức. Ông T.R. Raghunandan cũng chia sẻ rằng ngay cả ở Ấn Độ thì sau năm năm hoạt động, trang web của ông ấy cũng chỉ tạo ra được thay đổi lớn nhất về đăng ký đất đai từ trực tiếp chuyển sang đăng ký qua máy tính. Ở Việt Nam, tôi cũng kỳ vọng ban tư vấn sẽ đề xuất được những giải pháp hiệu quả để đỡ phiền hà cho người dân, làm giảm cơ hội nhận hối lộ.

. Trong hai năm qua, các lĩnh vực bị tố cáo nhận hối lộ phân theo mức độ như thế nào, thưa anh?

Dự ántoidihoilo.com được triển khai từ tháng 7-2011 với sự tham gia của ba thành viên gồm Xung Vũ, Trang Trường và Hà Phúc Hoàn (trưởng nhóm). Sáng kiến này là một trong 24 đề án đoạt giải xuất sắc trong vòng chung khảo “Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2013 (VACI 2013)”.

+ Rất khó để phân loại chính xác. Hiện tại tôi chỉ chú trọng vào việc thống kê số tiền mà người dân đã phải bỏ ra để hối lộ phân theo địa phương. Ví như như Hà Nội thì bao nhiêu tỉ đồng, TP.HCM bao nhiêu tỉ đồng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trên trang web là ba ngành bị tố cáo nhận hối lộ nhiều nhất là y tế, giáo dục, giao thông.

. Muốn thay đổi ý thức người dân, vậy còn anh thì thế nào, anh có đi hối lộ không?

+ Trước kia tôi cũng thường xuyên phải đi hối lộ nhưng từ khi xây dựng trang web này tự tôi cũng có ý thức hơn. Trước tiên là thực hiện đúng nghĩa vụ pháp luật của mình, thay vì chấp nhận bỏ tiền.

. Anh từng học sư phạm toán, tại sao anh lại rẽ ngang sang lĩnh vực công nghệ thông tin?

+ Điều này cũng liên quan đến câu chuyện hối lộ. Thời đó, tôi tốt nghiệp cũng có ý định đi làm giáo viên nhưng người ta ra giá phải 300 triệu đồng mới vào được trường. Vào năm 2005 đó là một số tiền rất lớn.

. Xin cảm ơn anh.

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm