Trở về với nỗi buồn St. Petersburg

1. Vào mùa này, thời tiết St. Petersburg là như vậy, chuẩn bị chia tay mùa thu thơ mộng để chuyển sang mua đông lạnh giá. Theo đường cao tốc vành đai của thành phố, cậu con trai chở tôi ra sân bay Pulkovo trên chiếc SUV với tốc độ tối đa cho phép - 110 km/giờ, cho dù thời tiết và đường sá không mấy thuận lợi. Nó vừa lái vừa lẩm bẩm: “Con ghét mưa, ghét nhất là thời tiết như hôm nay…”.

Người Nga lái xe đã nhanh rồi, nhanh hơn nhiều so với Việt Nam nhưng ông con nhà tôi thì luôn lấn lướt họ, ai không quen đi với nó đều sợ. Thậm chí mẹ vợ nó còn nói rằng nếu là thằng Gienka lái xe, bà sẽ không bao giờ đi. Tôi hỏi nó: “Cậu không sợ cảnh sát phạt à?”. Nó chỉ vào một thiết bị gắn trên kính xe - “Cái này sẽ báo động nếu phát hiện có sóng kiểm tra tốc độ” và nói thêm: “Chuyện nhỏ, bố đứng lo”. Đi với nó, tôi không sợ nhưng phát mệt vì nó cua quẹo, thay đổi tốc độ nhanh quá, cứ như đi đường đèo. 

Trên xe, hai bố con im lặng. Tôi miên man điểm lại những gì đã xảy ra trong tuần qua, từ lúc tôi đặt chân lên nước Nga, lâu lâu nhìn qua phía cậu con. Nó vẫn giữ vẻ bình tĩnh, chăm chú khi lái xe, thỉnh thoảng lại văng ra một câu khi có chiếc xe khác phía trước cúp cua hay vượt qua.

 Elvira chụp ảnh cùng chồng Eugene

2. Vốn là lính chữa cháy, thuộc Bộ Trường hợp đặc biệt Khẩn cấp, Gienhia xông xáo, tự tin và mạnh bạo, có phần hơi nóng nảy và phản ứng mạnh khi thấy điều bất bình. Cả tuần qua, dù không ở cùng với con trai nhưng chúng tôi ngày nào cũng đi, ăn uống, nói chuyện với nhau. Trước sự mất mát quá lớn này, nó vẫn giữ được vẻ bình tĩnh bên ngoài, trong cách nói, cư xử. Có điều thỉnh thoảng đang nói nó lạc giọng và quay mặt đi, như không muốn để ai thấy đôi mắt đỏ của mình. Hôm đầu tiên đi với nó, hai bố con nói chuyện bình thường. Tôi chủ động hỏi nó về công việc, về mẹ và em gái nó mà không đả động đến Elia và việc đã xảy ra. Ngồi trên xe, tôi hỏi “xe mới của cậu hả?”, vì tôi biết trước đó nó đi xe khác. Nó hơi sững lại, nhìn tôi và nói “xe của Elia”. Tôi im lặng không hỏi thêm gì. Sau đó, với vẻ mặt thẫn thờ và đôi mắt hoe đỏ, nó lặng lẽ mở mấy ngăn nhỏ trên xe chỉ cho tôi: “Bố thấy không, phấn, son môi còn nguyên đây này, của Elia đấy, cả thẻ thanh toán nữa…”.

Cứ như vậy trong những ngày sau đó, tôi liên tục chứng kiến cảnh Gienhia phải giấu đi những giọt nước mắt. Có một hôm, nó chở tôi ra ngoại thành, đến nhà vườn của gia đình. Nhà vườn này cách xa St. Petersburg khoảng 50-60 km, vốn của ông ngoại Gienhia được chính quyền cấp cho các cựu chiến binh Vệ quốc vĩ đại. Ngôi nhà xinh xắn bằng gỗ do chính bố dượng và Gienhia cùng mẹ và em gái dựng lên, hầu như tất cả làm thủ công với vật liệu chủ yếu là gỗ. Mặc dù lạnh lẽo, thiếu hơi người nhưng ở trong căn nhà vẫn thấy dễ chịu, thơm mùi gỗ tự nhiên và nhất là không khí trong lành. Gienhia chở tôi ra đây vừa để cho tôi xem ngôi nhà, công trình có phần tham gia của nó và cũng để lấy nước giếng sạch từ vườn về dùng trong thành phố (nước sinh hoạt ở một số vùng thành phố không được đảm bảo).

Xui xẻo cho chúng tôi hôm ra đây lại bị cúp điện nên trong phòng hơi tối, cần xem gì phải dùng đèn pin. Tôi đang ở tầng trệt căn nhà thì Gienhia gọi tôi lên lầu trên, tôi nói đợi chút sẽ lên. Tôi mải mê xem đồ đạc, phòng khách và không để ý là Gienhia đã lên lầu từ lúc nào. Thấy im lặng, tôi nhẹ nhàng theo chiếc thang gỗ đi lên. Trên lầu có nhiều phòng, không thấy Gienhia tôi lò dò tìm thì thấy nó đang đứng bất động trong một căn phòng. Thấy tôi, Gienhia nói đây là phòng của nó và Elia. Do hơi tối, lại mất điện nên tôi bật đèn flash điện thoại để xem. Một cảm xúc trào lên đến nghẹn khi tôi nhìn thấy những khung hình của Elia và cặp vợ chồng trẻ treo khắp phòng, trên các bức vách gỗ mộc mạc, đơn sơ. Chắc chắn, căn phòng này đã được trang trí, chăm chút tỉ mỉ bởi chính người đã ra đi. Không chỉ trong căn phòng, những bức ảnh có Elia treo khắp nơi trên lầu, đâu cũng thấy nét mặt đáng yêu, nụ cười tươi trẻ của người con gái thấm đậm chất Nga.
Lúc này, Gienhia tuy buồn nhưng vẫn chưa tỏ ra điều gì, chỉ lặng lẽ dẫn tôi xem. Đến khi nhìn thấy bức hình của bà nội đã mất của nó (mẹ tôi) bên cạnh hình Gienhia và Elia tình tứ ôm nhau đặt trên kệ gỗ, nó mới bật lên một tiếng “Ôi, trời ơi” (Ox, bog ze moi) và chắc phải ghìm lắm nó mới nói được lên câu “còn đây là bà nội”, giọng ngẹn ngào. Nhưng chỉ một phút thôi, nó trở về ngay với vai trò của một người đàn ông quán xuyến việc nhà, và nói “còn mấy việc quan trọng phải làm bố à….”.

Do mất điện nên hai bố con phải lặc lè khiêng cái máy phát điện từ nhà kho ra chạy để bơm nước từ giếng lên, đổ vào mấy cái bình lớn rồi đặt lên xe. Tiếp đó, Gienhia đi lại cái lò đứng để ngoài sân, vẫn dùng để nướng thịt, bươi đống than ra và đổ vào đó một nắm các mẩu màu trắng đục bằng cỡ đốc thuốc lá. Tôi định hỏi nhưng nhìn ra ngay đó là các mẩu nến bằng đốt ngón tay, cả một gói nó mang theo từ nhà mà trước đó tôi không biết là gì. Bây giờ mới hiểu, đó là các đốt nến còn dư chưa cháy hết ở nhà thờ, nơi mà chiều nào từ cái ngày định mệnh đó, bố mẹ và Gienhia đều đến để thắp nến cầu nguyện cho con gái, cho vợ. Tôi cũng đã hai lần đến đó để thắp những cây nến của mình, cầu mong linh hồn con dâu xấu số siêu thoát nhẹ nhàng.

Gienhia châm lửa đốt, đặt thêm vào đó vài miếng gỗ. Tôi và nó im lặng đứng nhìn ngọn lửa to dần, các mẩu nến từ từ chảy ra, quện vào than và gỗ, cháy càng đượm hơn. Không cần lời giải thích, tôi hiểu ngay suy nghĩ của Gienhia, cũng như bố mẹ Elia muốn con gái hòa mình với thiên nhiên, không khí, cây cỏ tại nơi mà nó yêu thích. Lửa cháy, than kêu lép bép và đột nhiên bùng lên, nổ một tiếng mạnh, làm một miếng than bắn vào mặt Gienhia đang đứng gần đó. “Ồ! Elia trách con đó”, Gienhia ôm mặt nói tỉnh bơ và phủi miếng than đi. Tôi nhìn thấy như Elia vẫn còn đó và hai đứa chúng nó đang đùa với nhau. Một cảm giác ớn lạnh làm tôi rùng mình.

Mọi việc xong xuôi, chúng tôi đóng cửa, khóa nhà vườn và lên xe trở về thành phố. Trời cũng bắt đầu tối dần, gió tiếp tục mang đến cái lạnh và ẩm ướt.

3. Vào hôm Chủ nhật, ngày 8-11-2015, đúng chín ngày sau thảm kịch máy bay làm hơn 200 người Nga thiệt mạng, trong đó có hơn 130 người của St. Petersburg, gia đình Gienhia cũng như rất nhiều gia đình khác ở St. Petersburg làm lễ cầu hồn cho những người đã mất, trong đó có Elia. Tôi cũng tham dự buổi lễ này cùng tất cả thành viên gia đình Elia tại một nhà thờ, nằm ngay trong nghĩa địa của thành phố. Không chỉ mình Elia, mà còn có hàng chục nạn nhân khác cũng được cầu mong siêu thoát tại đây, cùng theo đó là gia đình, người thân của họ. Buổi lễ rất trang nghiêm, được thực hiện theo nghi thức của Chính thống giáo. Tôi không hiểu biết nhiều về dòng đạo này nhưng như bất cứ ai tham dự lễ cầu hồn tại đây, trong một không gian nhỏ, yên tĩnh dưới ánh sáng vàng lung linh từ hàng trăm ngọn nến, soi rõ các bức tranh tuyệt đẹp về chúa, tôi cảm nhận được sự tôn kính đức chúa và lòng thương tiếc vô hạn của những người còn sống đối với người đã khuất. 

Cầm cây nến cháy dài và nhỏ bằng ngón tay, tôi run run, xúc động trước giọng nói sang sảng, đầy truyền cảm của người chủ lễ mà tôi không biết gọi là gì, có thể là “cha xứ”. Ông đọc và nhắc lại nhiều lần tên những người đã mất, nói gì đó mà tôi không thể hiểu. Trong bầu không khí tĩnh lặng, chỉ vang vang giọng của cha xứ, lúc trầm, lúc bổng, lúc đều đều và nhịp theo đó là tiếng hát của dàn đồng ca nhà thờ, nghe thật bi ai, não nùng. Đâu đó bật lên những hơi thở dài, rên rỉ đau đớn, tiếng nấc nghẹn ngào. Mỗi người cầm trên tay một cây nến cháy, cố giữ cho nó thẳng, cũng như cố ghìm mình để không phá vỡ bầu không khí trang nghiêm. Nhiều người một tay cầm nến, tay kia bám chặt người bên cạnh để khỏi khịu xuống. Tôi đã nhìn thấy không ít cảnh đau thương, tang tóc nhưng chưa bao giờ chứng kiến một một buỗi lễ xúc động, đẫm nước mắt đến như vậy. Sự mất mát quá lớn, quá phũ phàng.

Elia cũng được dành sẵn một chỗ trong khu nghĩa địa này. Gienhia nói với tôi rằng nếu người bình thường, muốn có chỗ ở đây phải trả một khoản tiền khá lớn. Riêng với người của Bộ Trường hợp đặc biệt khẩn cấp thì gia đình được nhận không phải trả tiền. Nhưng không có nghĩa là mọi việc đã xong, vấn đề còn lại và cũng là lớn nhất là liệu có tìm được Elia để đưa về đây hay không. Sự thật đau lòng này hoàn toàn có thể xảy ra...

4. Lâu hơn dự tính đến nửa giờ, chúng tôi đến sân bay Pulkovo, nơi tôi sẽ bay đi Moscow để sau đó bay về TP.HCM. Hai bố con đậu xe vào bãi, Gienhia xách va li và dẫn tôi vào nhà ga. Khi đi qua sân ga, trước khi vào bên trong, tôi nhận thấy có một bức tượng to lớn trông rất kỳ lạ đặt ngay giữa sân, xung quanh bức tượng là hàng ngàn bó hoa cùng với vô vàn những con thú nhồi bông dễ thương. Tất cả quây lấy bức tượng theo vòng tròn. Nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đó là tượng của một vị thánh,và công trình này mới được dựng lên ở đây là để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa hàng không, cướp đi sinh mạng của 217 người, trong đó có 130 người St. Petersburg cùng Elia, con dâu tôi. Tất cả những ai qua đây đều dừng lại dành một phút mặc niệm. Cả tôi và Gienhia đều ngẩn ra đứng nhìn. Thêm một cơn sóng trong lòng tôi trỗi dậy. Chỉ là người dân lương thiện nhưng sao mà khắc nghiệt đến tàn bạo như vậy, đến những 217 sinh mạng, không ân oán, không hận thù, tất cả không còn gì chỉ trong tích tắc.

Kể từ ngày hôm đó, sân bay Pulkovo, St. Petersburg trở thành tâm điểm thông tin liên lạc của tất cả những gì liên quan đến thảm kịch. Điều mà người dân St. Petersburg quan tâm nhất bây giờ, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân là nhận được thi thể của người mất. Mặc dù theo số liệu công bố thì đã đưa gần hết thi thể các nạn nhân về St. Petersburg. Nhưng thực tế thì trong số hơn 200 người chết, cho đến ngày 11-11 mới chỉ nhận dạng được và đưa về an táng hơn 30 người. Với số còn lại vẫn chưa có câu trả lời. Ngay hôm tôi đến St. Petersburg, ngày 5-11, gia đình Gienhia được mời lên để nhận dạng người thân. Trong hoàn cảnh bĩ cực như vậy, nhận được xác cũng là niềm an ủi lớn đối với người còn sống và thực tế hiện tại người ta chỉ cần như vậy. Nhưng thật tiếc, đó đã không phải là Elia.

Mặc dù hiểu và rất nỗ lực nhưng có vẻ chính quyền chưa thể làm gì hơn. Thực tế người ta biết là đã có một vụ nổ và rất mạnh. Trong bối cảnh như vậy, ở độ cao trên 7.000 m, liệu có thể còn gì khi rơi xuống đất. Không phải vô cớ mà chính quyền đã đề nghị làm một ngôi mộ tập thể cho tất cả những ai chưa nhận dạng được. Nhưng người thân vẫn giữ hy vọng, yêu cầu nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm, kiểm định. Vào thời điểm tôi viết những dòng này vẫn chưa có thông tin gì khả quan. Người nhà được thông báo là sẽ phải đợi đến cuối tuần sau nữa.

Niềm hy vọng cuối cùng duy nhất, cũng là an ủi lớn nhất, giờ đây trở nên mong manh. Mong muốn đưa Elia bé nhỏ về trong vòng tay yêu thương của người thân liệu có thành hiện thực. Cả gia đình Gienhia cũng như hàng trăm gia đình người St. Petersburg khác đã phải chịu nỗi đau lớn nhất rồi, không còn gì có thể làm họ đau thêm nữa, chắc cũng đã hiểu và sẵn sàng chấp nhận thực tế cay nghiệt.

Chia tay Gienhia tại cửa khẩu sân bay, bố con tôi ôm nhau theo cách của đàn ông, chào tạm biệt và tôi nói “hãy giữ mình con nhé”. Tôi bước đi không ngoái lại. Nó còn nhiều việc phải lo lắm, cần phải mạnh mẽ trong lúc này.
***

Một tuần ở nước Nga lần này đã cho tôi nhiều điều phải suy ngẫm. Không chỉ là sự đau đớn, mất mát người thân, mà hơn tất cả là hiểu được cái gì đáng quý nhất trong cuộc sống của chúng ta. Những gì tôi chứng kiến, tôi nghe, tôi hiểu thì với 217 sinh mạng của thảm khốc này và chắc cũng như nhiều thảm khốc khác, cho dù vì bất cứ lý do gì: thiên tai, tai nạn, chiến tranh, khủng bố… thì người mất đi cũng để lại nỗi đau cho người ở lại và đối với người ở lại, điều lớn nhất là mất người thân. Với người dân bình thường, mà trường hợp này là người Nga, tôi không thấy bất cứ sự oán trách, thù hận nào, mà trùm lên đó là nỗi đau, lòng thương tiếc.

Đến khi có người thân mất đi, bạn mới hiểu được cuộc sống quý giá như thế nào. Nhưng liệu cuộc sống có phải điều bạn mong muốn hơn cả không? Có thể đúng là vậy. Còn tôi nghĩ hơi khác. Bạn muốn cuộc sống nhưng thực tế bạn không thể làm chủ được nó, muốn nó theo ý mình, bạn quá nhỏ bé trong thế giới này và có thể xảy ra bất cứ điều gì với bạn mà bạn không thể cưỡng lại được. Nếu như vậy, khi mất cuộc sống, bạn mất tất cả.

Cách sống mới là điều bạn định đoạt được, không phụ thuộc vào bất cứ thế lực nào. Yêu cuộc sống nghĩa là trân trọng, thương yêu những người hiện diện trong cuộc sống của mình. Dù bạn không còn, tình thương yêu của bạn vẫn còn đó. Hãy thương yêu khi bạn còn có thể thương yêu, khi bạn còn sống.

Tôi nhớ đến bài hát của một ca sĩ Nam Tư từ những năm 70: “Yêu đi khi hãy còn có thể yêu, ghen đi khi hãy còn có thể ghen, đau khổ đi khi hãy còn có thể đau khổ…”.

St. Petersburg – Sài Gòn 11/2015

(*) Voskresenskai Elvira, con dâu của tác giả là một trong những nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập vào ngày 31-10

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm