Những công trình trăm tuổi ở TP.HCM đang xuống cấp:

Trùng tu trụ sở toà án, nhà thờ Đức Bà theo hướng nào?

Những công trình kiến trúc độc đáo ở TP.HCM sắp trùng tu thu hút sự quan tâm không chỉ của người, chính quyền mà giới chuyên môn. Chúng tôi trích giới thiệu ý kiến ThS. Kiến trúc sư Ninh Việt Anh – Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, người theo học và nghiên cứu về Bảo tồn và phát triển đô thị về hướng trùng tu và bảo tồn các công trình trên.

Công trình độc đáo nhà thờ Đức Bà giữa trung tâm quận 1, TP.HCM

Theo ông Anh, bảo tồn trùng tu các công trình kiến trúc là hoạt động mang ý nghĩa tích cực vì nó là nhân chứng của lịch sử thành phố. Bản thân công trình mang hình ảnh đặc trưng, ẩn chứa nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật… về thời đại nó được sinh ra. Sử dụng hơn 100 năm, các công trình đã xuống cấp nên trùng tu, duy trì và phát huy các giá trị mà công trình đang hàm chứa… sẽ là những phần việc cần thiết để một phần lịch sử của thành phố không mai một.

Nếu ở miền Bắc, như ở Hà Nội các công trình kiến trúc chất liệu gỗ chiếm đa số, bị hư hại nhiều cả bên trong lẫn bên ngoài do nấm, rêu mốc, mối mọt, sự chênh cao về nhiệt độ giữa các mùa… thì ở miền Nam, các công trình được xây dựng từ gạch, đá, bê tông. Dưới tác động của khí hậu, kết cấu bê tông, gạch đá, các lớp vữa bên ngoài của các công trình bị ảnh hưởng bởi thấm, dột nhiều, rêu bám, cây mọc phá hủy bề mặt công trình.
“Trong lý thuyết về Bảo tồn trùng tu, mục đích cuối cùng của trùng tu công trình chưa hẳn đã là đưa công trình về lại trạng thái ban đầu khi nó được xây dựng mới là tốt”, KTS Việt Anh cho biết.

Theo ông, một công trình kiến trúc theo thời gian, do nhiều yếu tố tác động khiến công năng sử dụng ban đầu của công trình có thể thay đổi. Sự thay đổi về công năng dẫn đến sự thay đổi ít nhiều của hình thức. Để phù hợp với nhu cầu công năng mới theo yêu cầu thay đổi của thời đại, các phần không gian mới được xây dựng bổ sung. “Nếu như bỏ hết những phần đã được bổ sung để giữ lại nguyên trạng ban đầu thì độ tuổi của công trình phần nào đã giảm đi, không phản ánh đầy đủ thời đại mà nó đã trải qua”, ông nói.

Kiến trúc cổ trụ sở TAND TP.HCM sắp được trùng tu

Về những lưu ý khi trùng tu các công trình kiến trúc cổ, ông nhấn mạnh: Khi trùng tu, nên tận dụng lại các dạng vật liệu, chất liệu nguyên gốc để đảm bảo tính xác thực cho công trình. Ngoài ra phải nghiên cứu kỹ thành phần nguyên vật liệu. Nếu trong nước có thể sản xuất được vật liệu đảm bảo được các tính chất có thể thay thế thì không nhất thiết phải sang nước ngoài tìm mua để tiết kiệm chi phí. Gạch, ngói, vữa xây phải được nghiên cứu thành phần cơ, lý kỹ để đảm bảo độ cứng, màu sắc… và phải phân biệt được so với bản gốc và chống được sự biến đổi của khí hậu.

Ông cũng cho rằng việc trùng tu không nên chỉ xem trọng việc có giữ lại được hình ảnh bản gốc của di tích hay không mà còn phải quan tâm đến biến đổi khí hậu. Nếu chỉ chăm chăm giữ lại bản gốc, chúng ta sẽ chạy theo đuôi bảo trì, sửa chữa chúng. “Quan trọng nhất là phải giữ được các yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích. Một khi các yếu tố gốc được giữ, dù hình ảnh bề mặt có phải thay đổi ít nhiều, công trình kiến trúc đó vẫn lưu giữ được các giá trị có ý nghĩa, đồng thời có thể phát huy các giá trị đó bằng các yếu tố mới do sự thay đổi tạo nên”, ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm