Ủng hộ tuýt còi với rượu bia quá lố

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dù thừa nhận cần phải có một luật về vấn đề này nhưng ông lại cho rằng tên của nó “rất kinh khủng, vì chẳng khác nào bảo toàn bộ rượu bia là có hại”. Theo ĐB Trí, rượu bia nếu dùng đúng liều lượng sẽ rất tốt.

Không cấm tiệt rượu bia

Ông Trí đề nghị đổi tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia” thành “Luật Kiểm soát các chất có cồn”. Đồng thời, ông cũng đề nghị đừng “khai tử” việc sản xuất rượu bia đúng quy định. Thậm chí ĐB của Hà Nội còn “mơ ước Việt Nam sẽ xuất hiện vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây kiểu gì người ta cũng phải mua mang về”.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng đề nghị nên đổi tên thành “Luật Kiểm soát rượu bia”. Theo bà, mục tiêu của luật là giảm số lượng người uống rượu bia nên quy định của luật này đưa ra cần thay đổi nhận thức, thay đổi văn hóa uống rượu bia của người Việt.

Ở đoàn Nghệ An, ĐB Nguyễn Thị Thảo cũng cho rằng rượu bia… là rất tốt nếu đúng liều lượng. Bởi vậy ĐB Thảo nói không thể không có tác hại nếu lạm dụng hay sử dụng các loại rượu bia không có nguồn gốc.

Cùng đoàn Nghệ An, ĐB Nguyễn Thanh Hiền đồng tình với tên dự thảo là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”. “Vì ở đây là phòng, chống tác hại của rượu bia chứ có phải chống rượu bia đâu. Luật này có thể giải quyết nhiều vấn đề, liên quan đến nhận thức về rượu bia, hạn chế tính có sẵn của rượu bia. Ở Việt Nam, ở đâu cũng có rượu bia, mua lúc nào cũng được vì rẻ” - ĐB Hiền nhận định.

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cũng đồng tình và cho rằng lẽ ra luật này phải ban hành sớm để góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân, kiểm soát tình hình sử dụng rượu bia và những hệ lụy gây ra. ĐB Hoa cũng đồng tình rằng đây là phòng, chống tác hại chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu bia. “Những người lạm dụng rượu bia không bao giờ thừa nhận mình lạm dụng” - ĐB Hoa nhận định.

Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất chỉ tuýt còi với rượu bia quá trớn chứ không cấm hẳn và điều này nên thể hiện rõ ngay từ tên gọi của luật. Ảnh: TP

Phí tổn khắc phục lớn hơn ngân sách thu vào

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) nhận định: Lâu nay chúng ta thường chỉ nghe quảng cáo về tác dụng hoặc giá trị kinh tế do rượu bia mang lại. Tuy vậy, người dân chưa thấy rõ tác hại trực tiếp và gián tiếp. “Chỉ biết là uống rượu bia có cảm giác thăng hoa, hưng phấn và tự tin hơn trong giao tiếp hoặc buồn chán thì rượu bia giải khuây” - ĐB Yến nói.

Phải chế tài thật nghiêm

Thực tế một số quốc gia đã kiểm soát được rượu bia nghiêm ngặt, vì thế yêu cầu đặt ra ở ta là chế tài, xử phạt phải nghiêm. Còn nếu không thì luật ra đời cũng không kiểm soát được tình trạng tiêu thụ rượu bia quá lố như hiện nay.

ĐB PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ
Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Nhưng có nhiều tác hại do chất cồn trong rượu bia gây ra. “Rượu pha cồn có thể gây tử vong ngay hoặc hôn mê sâu và để lại những hậu quả rất nặng nề” - ĐB Yến cho hay.

Đề cập đến các thực trạng xã hội, ĐB Yến trích dẫn: Rượu bia gây ra 36% các vụ tai nạn giao thông. “Vừa qua ở TP.HCM, tội phạm, mất an ninh trật tự cũng do sử dụng rượu bia quá mức. Nếu so sánh với hiệu quả kinh tế của rượu bia là 50.000 tỉ đồng đóng vào ngân sách mỗi năm thì không bằng được phí tổn khắc phục điều trị bệnh, chăm sóc cho người nghiện rượu bia mất khả năng lao động, rồi đến cả bệnh tật, đói nghèo...” - ĐB Yến nói.

Theo WHO, trung bình chi phí cho việc giải quyết các vấn đề do rượu bia gây ra chiếm 1,3%-3,5% GDP. “Nếu tính theo tăng trưởng nước ta thì lên đến 65.000 tỉ đồng” - ĐB Yến nhận định.

Cấm luôn việc ép người khác uống rượu bia

Chi tiết hơn về một số quy định trong dự luật, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần quy định rượu lưu hành trên thị trường bắt buộc ghi nhãn cảnh báo, giống thuốc lá, thay vì khuyến nghị như dự thảo luật.

ĐB của TP.HCM cũng cho rằng luật chưa nói rõ người dưới 18 tuổi có được uống rượu hay không, vì thế cần quy định rõ ràng điều khoản này và nên cấm người dưới 18 tuổi uống rượu bia.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Thanh Hiền lại cho rằng trong dự luật có quy định các hành vi cấm, trong đó có cấm ép rượu bia những người dưới 18 tuổi. ĐB Hiền cho rằng: “Việc ép rượu bia, có những người bị ép nặng nề. Vì vậy, không nên chỉ cấm ép uống rượu người dưới 18 mà còn phải hạn chế cả việc ép rượu giữa người lớn với nhau”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm