“Ước mơ vào đại học của con đã sắp tắt”

Chưa đầy thôi nôi, Ngọc đã vắng hơi ấm của mẹ khi cha mẹ chia tay và nó được cha ẵm ngửa mang về nhà nuôi. Người cha làm nghề thợ mộc, bận rộn luôn tay và dù lăn lóc như củ khoai, khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa, suy dinh dưỡng nó vẫn lớn lên như cây xương rồng trên cát.

Đi làm xa, cha luôn mang Ngọc đi, học bữa đực bữa cái, vậy mà ngộ lắm, nó học rất giỏi. Nghèo rớt mồng tơi, không có tiền học thêm vậy mà năm lớp 10 nó đậu vào Trường chuyên Trần Hưng Đạo (Phan Thiết), một ngôi trường có tiếng ở Bình Thuận nơi có biết bao học trò mơ ước.

Từ nhà Ngọc ở thôn Ung Chiếm, Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đến trường non chục cây số, năm đó cha nó vét sạch túi mới mua cho nó được chiếc xe đạp cũ đến trường.

Khổ cái là lên cấp III, nữ sinh phải có áo dài đến trường nhưng Ngọc chỉ có hai bộ đồ tây đã sờn rách.

Ngọc có người cô ruột chuyên đi giúp việc nhà ở Phan Thiết, thấy cháu không có áo dài, người cô trăn trở dữ lắm nhưng tiền thù lao cũng ba cọc ba đồng lấy gì giúp cháu. Một lần giặt đồ cho người chủ nhà ở Phan Thiết, thấy con gái người chủ nhà có cả chục bộ áo dài, người cô vừa run vừa khoanh tay hỏi xin và được chủ nhà cho một bộ.

Kể từ đó, bộ áo dài cũ nhưng quý giá và đầy nghĩa tình này đã theo Ngọc suốt ba năm học. “Bộ áo dài này giờ con vẫn mặc vừa vì ba năm qua con không cao lên chút nào và vẫn nặng có 39 ký” - Ngọc vừa cười vừa nói nhưng nghe sao thương đến đứt ruột.

Ngọc vừa rơm rớm nước mắt vừa viết nguyện vọng của em mong được đến trường chiều 22-8.

Học lớp 10 được vài tháng, bất ngờ cha Ngọc ngã bệnh, hơn tuần lễ thì qua đời, con bé gần như không còn nơi nương tựa vì ông nội đã già, gần 80 tuổi.

Người cô ruột giúp việc nhà động viên cháu tiếp tục đến trường còn cô sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba để nuôi cháu. Thế nhưng Ngọc vừa lên học lớp 11 thì người cô bệnh tật liên miên, tiền thù lao giúp việc cũng chẳng đủ lo cho cháu.

Thương cô, thương nội nghèo, biết số phận hẩm hiu của mình nên năm đó Ngọc quyết định nghỉ học đi làm mướn nuôi cô, nuôi nội. Hơn một tuần sau, nhà trường biết được hoàn cảnh đầy nước mắt của Ngọc nên thầy cô, bạn bè đến tận nhà vận động cho Ngọc trở lại trường.

Thầy cô trong toàn trường đã đứng ra kêu gọi góp cho Ngọc mỗi tháng khoảng 500.000 đồng, một ngôi chùa ở Phan Thiết cũng cam kết giúp Ngọc có tiền trang trải hết phổ thông trung học. Riêng chỗ ở, Ngọc được bố trí một căn phòng trong ký túc xá của trường. Đi học thêm, các thầy cô giáo đều biết và thương hoàn cảnh nên Ngọc đều được miễn phí.

Không phụ lòng nhà trường, thầy cô, bạn bè, đợt thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học vừa rồi, Ngọc đạt 21,5 điểm và trúng tuyển vào khoa ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH Mở TP.HCM.

Thế nhưng mới đây khi nhà trường thông báo nộp học phí học kỳ I 6.628.000 đồng từ ngày 16-8 và hết hạn vào ngày 19-8, con bé đã lặng người vì biết mình không thể có một số tiền quá lớn để bước lên giảng đường đại học.

Tuy nhiên, Ngọc vẫn mạnh dạn gọi điện thoại cho nhà trường xin gia hạn thêm một tuần và được đồng ý, còn tiền để nộp đối với Ngọc “vẫn chưa biết tính sao”.

Thầy Nguyễn Văn Mân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12N1 của Ngọc, cho biết Ngọc là học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt và rất ngoan ngoãn, lễ phép. “Hoàn cảnh của em Ngọc khó có thể đến trường nếu không được giúp đỡ, chia sẻ thì thật tiếc cho em” - thầy Mân cho biết.          

Mọi đóng góp của bạn đọc xin vui lòng gửi về:

Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM

Số tài khoản: 1607201005173

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm