Vì sao Bi thích ở bệnh viện?

Bốn năm trước, mẹ mắc bệnh ung thư xương nên Bi vào ở trong bệnh viện để chăm mẹ. Sáng ra em đội nón đi bán vé số, trưa về bệnh viện lo cho mẹ, đến chiều xung quanh ai có việc gì cần thì em nhận làm để kiếm thêm tiền. Cha bỏ đi từ thuở em còn nằm nôi, người chị mắc bệnh nấm não cũng đã qua đời.

Rồi mẹ cũng ra đi vì không thể chống chọi với bệnh tật, Bi mất hết người thân lúc em được tám tuổi. Về ở chung với dì nhưng dì cũng không đủ điều kiện để nuôi em khi gia đình quá đông người và kinh tế không ổn định.

Tôi hỏi Bi về những ngày vắng mẹ, em hồn nhiên: “Mẹ giờ đi xa lắm, không nhìn thấy được nữa”… Khoảnh khắc Bi nói với tôi điều này, đôi mắt Bi chùng xuống, nhuốm màu buồn…

Vì sao Bi thích ở bệnh viện? ảnh 1

Tất cả đồ chơi của Bi thường được để trong chiếc thùng giấy giấu nơi góc hành lang bệnh viện. Khi đến nơi, em bỏ đồ chơi ra ngoài rồi ngồi vào thùng giấy chơi. Ảnh: T.TUYỀN

Bi xin dì được vào bệnh viện mỗi ngày. Tôi thắc mắc vì sao em lại muốn vào đây, ở cái nơi tật bệnh khiến con người ta dễ cáu gắt. Em hớn hở chỉ tay về phía những người phụ nữ đang ngồi trên ghế đá: “Ở đây em có nhiều mẹ lắm, mẹ một vú đó chị!”.

“Mẹ một vú” mà em nhắc tới là những người mắc bệnh rồi ở lại bệnh viện từ nhiều năm nay (chỉ những người bị ung thư vú buộc phải cắt bỏ một phần ngực). Họ biết đến Bi từ ngày mẹ em còn nằm bệnh viện, những tháng ngày sống chung đủ để họ dành tình thương cho một đứa trẻ không còn người thân như em. “Không dám bảo là cưu mang gì bé Bi cả vì mình cũng không nuôi được nó, thấy nó cô độc quá, không ai bảo ban chăm sóc, bé Bi phải tự nuôi mình, lo cho nó được gì thì cứ làm thôi” - cô Bảo (một người ở BV) chia sẻ.

Buổi cơm trưa ở góc hành lang bệnh viện, mọi người cùng ăn với nhau, cô Bảo bới cơm cho Bi, rồi ôm em vào lòng, xoa đầu: “Bi ở đây không có cơm thì cô Bảo lo, lâu lâu cô Bảo lại mua bánh da lợn mà Bi thích để dành trong túi xách cho”.

12 tuổi, em bảo thích bệnh viện vì nó nuôi sống em, chạy hết chỗ này chỗ kia để xin cho được một bữa cơm từ thiện và vài ngàn đồng trong ngày để bỏ ống heo từ những người hảo tâm đến đây. 12 tuổi, em không đến trường học mà coi bệnh viện là nhà vì ở đó có những người mà em gọi là “mẹ”.

Rồi từ xa vọng lại tiếng của ông Bảy: “Bi ơi, con gọt xoài xong thì phải bỏ vỏ xoài vào thùng rác chứ sao lại vứt ở nền gạch vậy hả. Tới lượm vỏ xoài bỏ vào thùng rác đi con”. Chính tình thương, sự cưu mang của những người xa lạ đã đùm bọc em suốt bốn năm nay.

Nhìn cái bóng nhỏ liêu xiêu trong nắng khi em chạy theo đoàn từ thiện, tôi sợ. Em sống bằng tình thương của nhiều người nhưng người đến rồi đi, ai sẽ ở lại để cùng em sống những ngày tháng thiếu thốn sau này? Ai sẽ chỉ bảo cho em khi em phải đối mặt với những ngã rẽ của cuộc đời mình?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm