Vì sao Samsung bị “tố” đối xử tệ với công nhân?

Tổ chức phi chính phủ - IPEN cùng với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) đã tiến hành phỏng vấn 45 lao động nữ của Samsung Electronics và công bố kết quả của khảo sát này.

Báo cáo của hai đơn vị khảo sát trên đánh giá: Không có lao động nào trong số 45 đối tượng phỏng vấn tại Samsung được nhận bản sao hợp đồng lao động.

Lao động nữ thông báo tình trạng làm việc kiệt quệ bao gồm làm xen ca cả ngày lẫn đêm trong thời gian lên tới bốn ngày; đứng liên tục trong suốt 9-12 tiếng làm việc; làm việc trong môi trường tiếng ồn vượt quá giới hạn luật Việt Nam cho phép (MOH, 2016)(MONRE, 2010).

Lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc nhưng được phép nghỉ giải lao. Tuy nhiên, hầu hết không ai dám nghỉ vì sợ Samsung cho rằng lao động nghỉ quá thời gian cho phép. Thời gian biểu bị quản lý chặt tới mức người lao động phải xin "thẻ đi vệ sinh" nhằm phục vụ mục đích tối đa thời gian sản xuất của doanh nghiệp.

45 người được phỏng vấn đều cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu tại nơi làm việc - mặc dù đây được báo cáo là dấu hiệu "bình thường" khi làm tăng ca. Sẩy thai cũng được coi là "rất bình thường khi thai còn non". Ngoài ra họ cho biết còn có những biểu hiện khác như giảm thị lực, chảy máu mũi, "phù chân", biển đổi sắc mặt, đau bụng, xương và khớp.

Vì sao Samsung bị “tố” đối xử tệ với công nhân? ảnh 2
Báo cáo "tố" samsung vi phạm nhiều quy định của Luật Lao động Việt Nam. Ảnh: Internet

Lao động nữ được phỏng vấn nói rằng họ không làm việc trực tiếp với hóa chất. Tuy nhiên, không ai trong số đó nghĩ các chất tẩy rửa cũng chứa hóa chất hoặc biết chắc rằng mình có tiếp xúc với hóa chất ở các nơi khác trong nhà máy hay không...

Báo cáo này cũng đưa ra khuyến nghị: Kết quả rút ra từ nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện các chính sách và hành động để ngăn ngừa các hậu quả xấu đối với người lao động trong ngành điện tử và môi trường. Tăng cường hiểu biết về ngành điện tử và các tác động của ngành công nghiệp này tại Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt là dữ liệu phân tích độ ảnh hưởng đối với nữ giới. Cuối cùng, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức công chúng về an toàn và sức khỏe lao động và các hóa chất sử dụng trong ngành điện tử.

Sau khi khảo sát này được công bố, đại diện Samsung Điện tử Việt Nam cho biết hoàn toàn không đồng tình với những nhận định trên. Đồng thời, lấy làm tiếc về việc CGFED hợp tác cùng IPEN tiến hành nghiên cứu điều tra đã không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam hay xác minh lại lập trường quan điểm của công ty mà chỉ đơn phương đưa ra bản báo cáo về những nội dung không hề có căn cứ sát thực.

Samsung khẳng định vẫn luôn cố gắng hết mình vì sức khỏe và sự an toàn, phúc lợi của người lao động và tất cả hoạt động kinh doanh của công ty đều đang tuân thủ một cách nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn toàn cầu.

“Tất cả cán bộ nhân viên Samsung ngay khi vào công ty đều được ký hợp đồng lao động, công ty và bản thân người lao động mỗi bên giữ một bản. Báo cáo của IPEN rằng Công ty không đưa hợp đồng cho người lao động là hoàn toàn sai…” - đại diện Samsung phản ứng.

Samsung thừa nhận có sử dụng hóa chất trong một số công đoạn. Tuy nhiên, trường hợp này đều áp dụng các biện pháp phù hợp để người thực hiện các công đoạn không bị phơi nhiễm với hóa chất nhờ thiết bị thoát khí được trang bị đầy đủ bên trong các thiết bị khép kín, cùng với việc đeo các trang thiết bị bảo hộ.

Đối với nhân viên là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ Samsung thực hiện theo Luật Lao động Việt Nam và hoàn toàn không có việc cắt giảm lương một cách bất hợp lý vì lý do mang thai…

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH khá dè dặt thông tin: “Cục chỉ quản lý về điều kiện an toàn lao động, còn các lĩnh vực khác như tiền lương, BHXH do các vụ, cục khác của Bộ quản lý. Với chức năng của Cục mỗi lần thanh tra các công ty, đơn vị đều phải có phê duyệt của bộ trưởng. Cách nay ba tháng, thanh tra của Bộ đã có đợt làm việc với Samsung Việt Nam.

Theo đại diện cục này, trước khi xảy ra thông tin trên, Cục chưa có đợt thanh tra nào về điều kiện vệ sinh an toàn tại Samsung Việt Nam mà chỉ hướng dẫn về điều kiện an toàn, quy trình lao động tại Samsung.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng con số khảo sát 45 lao động tại Samsung do một tổ chức nước ngoài vừa công bố không nói lên điều gì cả. Vì tổ chức này chưa chính danh và họ chỉ đứng ngoài khảo sát chứ không vào nhà máy để đo kiểm nên hoàn toàn không thuyết phục. Ngoài ra, tỉ lệ khảo sát như họ là quá ít (45 người) không mang tính đại diện so với con số hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại hai nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm