Việc làm còn xa tầm tay người khuyết tật

“Tôi chẳng nhớ nổi mình đã nộp bao nhiêu hồ sơ xin việc nữa, cũng chẳng nhớ nổi mình bị từ chối bao nhiêu lần. Biết tôi là người khuyết tật, có người từ chối khéo, có người nói thẳng “bên chị không tuyển người khuyết tật”. Tôi ra về mà chưa trả lời được câu phỏng vấn nào” - anh Lưu Phấn Cường (30 tuổi, TP.HCM), một người khuyết tật (NKT), chia sẻ.

Sốc với những lời từ chối phũ phàng

Anh Cường cho biết khi anh mới năm tuổi, một tai nạn giao thông đã lấy đi 2/3 chân trái của anh. Anh đã nỗ lực học tập suốt thời học sinh, sinh viên. Phần thưởng cho nỗ lực đó là anh đã tốt nghiệp ba trường chuyên về kế toán doanh nghiệp gồm: CĐ Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, CĐ Kinh tế đối ngoại và ĐH Tài chính-Marketing.

Sau khi tốt nghiệp CĐ Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, qua giới thiệu của một trung tâm việc làm, có công ty ở Đắk Lắk gọi điện thoại bảo lên nhận việc. “Vì quá mừng nên tôi cũng không hỏi cặn kẽ về mức lương, điều khoản hợp đồng mà bắt xe lên luôn. Lên đó mới biết mỗi tháng chỉ được trả lương 500.000 đồng/tháng. Biết lương thấp nhưng tôi vẫn cố gắng làm, coi như mình học việc lấy kinh nghiệm” - Cường nói.

Sau sáu tháng gắn bó với công việc, một công ty ở quận 1 (TP.HCM) gọi đến mời anh Cường về phỏng vấn. Anh Cường về TP và tìm đến công ty. “Ông kế toán trưởng vừa thấy tôi là NKT thì chẳng nói gì mà gọi cô văn thư ra nói riêng. Được một lúc cô ấy vào bảo tôi về” - Cường chua chát.

Cường kể tiếp năm 2013 anh quyết định về quê xin việc ở cơ quan nhà nước nhưng cũng bị từ chối. “Câu nói của ông trưởng ban lúc đó đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Đã là NKT thì cơ quan nhà nước làm sao nhận được”. Nghe vậy tôi bị sốc suốt một thời gian dài”.

Bù lại cho những nỗ lực không mệt mỏi vừa qua, mới đây Cường được Công ty TNHH CH (Tân Bình, TP.HCM) nhận vào làm nhân viên kế toán.

Trong khi chưa có việc làm, Nguyễn Thùy Chi tham gia một dự án xã hội dành cho NKT để tích lũy kinh nghiệm sống. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Làm “thợ đụng” vì không xin được việc

Nguyễn Thùy Chi (25 tuổi), tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) năm 2014. Chi bị bệnh cứng cơ bẩm sinh, tay chân không thể cử động theo ý muốn, phải đi lại trên xe lăn. Chi đã từng là nhân vật được bạn bè cùng trang lứa nể phục vì ý chí vươn lên trong học tập. Dù bản thân bị khuyết tật, gia đình khó khăn nhưng Chi luôn là sinh viên giỏi, năng động suốt những năm học ĐH. Chi còn là thành viên tích cực của các dự án xã hội như “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” (của Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội - HYDA), trưởng ban tổ chức chương trình “NKT sống độc lập”… Thế nhưng ra trường từ năm 2014 đến nay Chi vẫn chưa có một công việc ổn định.

Để trang trải cuộc sống, gần hai năm qua Chi trở thành “thợ đụng”, không ngần ngại lăn xả làm bất cứ việc gì trong khả năng như viết lách, tham gia dự án truyền thông cho đến bán SIM điện thoại, bán bột giặt, nước tẩy, bán đồ lưu niệm cho trung tâm khuyết tật… “Dạng khuyết tật vận động khiến mình không thể làm được những công việc thủ công, tay chân nặng như nhiều bạn khác. Năm 2014, mình từng đi xin việc chăm sóc khách hàng. Khi thấy mình là NKT họ từ chối luôn. Lý do họ đưa ra là điều kiện cơ sở vật chất không thể đáp ứng cho mình” - Chi cho biết.

Sàn việc làm cho NKT

Trung tâm Bảo trợ-Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) là một trong những điểm đến cho những NKT. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Doan, Trưởng phòng Tư vấn-Giới thiệu việc làm của trung tâm, cho biết trung bình mỗi tuần trung tâm tiếp nhận khoảng 7-8 doanh nghiệp liên hệ tuyển dụng mọi trình độ, dao động 50-100 nhu cầu. Và trong tuần có trung bình khoảng 100 NKT gọi điện thoại, đến trực tiếp để được hỗ trợ tìm việc làm.

Bà Doan nhắn nhủ NKT có nhu cầu tìm kiếm việc làm hãy mạnh dạn đến với trung tâm.

Trả lời câu hỏi thời gian qua trung tâm đã có những hoạt động gì để hỗ trợ NKT tìm việc, bà Doan cho biết trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động như tư vấn hướng nghiệp để NKT xác định được nghề nghiệp thích hợp; tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn và các kỹ năng hội nhập phù hợp với điều kiện của NKT... Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện chương trình cho NKT mượn vốn tín dụng tự tạo việc làm.

“Mới đây, vào tháng 8-2015, trung tâm đã khởi động sàn giao dịch việc làm ưu tiên cho NKT. Sàn giao dịch giúp nhóm đối tượng này dễ dàng tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp mà không mất quá nhiều thời gian, di chuyển” - bà Doan cho biết.

Giúp người đồng cảnh

Chị Võ Thị Hoàng Yến (Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD, quận 2, TP.HCM) kể chị tốt nghiệp hai bằng cử nhân kinh tế và sư phạm Anh văn; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người (ĐH Kansas, Mỹ 2004). Ra trường, chị hăm hở đi xin việc ở nhiều công ty nhưng rồi đều bị từ chối. Và lần chị nhớ nhất là khi nộp đơn vào một công ty liên doanh đang cần tuyển kế toán trưởng. Chị được chính giám đốc công ty phỏng vấn. Vị giám đốc phỏng vấn xong vội đi ngay nên không hề biết khiếm khuyết trên đôi chân chị. Ông giám đốc bảo chị thứ Hai đầu tuần đến bắt đầu làm việc. Chị vui mừng vì mình sẽ được làm việc nhưng ánh nhìn kỳ lạ của anh thư ký làm chị thoáng lo âu. Thứ Hai chị đến công ty, chỉ có anh thư ký cho chị biết “công ty có một số thay đổi và sẽ liên lạc với chị sau” nhưng chẳng bao giờ họ liên lạc lại với chị nữa. “Lúc đó tôi hiểu rằng mình bị từ chối chỉ vì mình là NKT”.

Từ câu chuyện bản thân, hiểu nỗi vất vả của những NKT khi đi xin việc, chị Hoàng Yến đã lập ra Trung tâm Khuyết tật và Phát triển và đã hoạt động được gần 10 năm nay.

___________________________________

671 người khuyết tật được giới thiệu việc làm trong chín tháng đầu năm 2015. Đây là số liệu do Trung tâm Bảo trợ-Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM cung cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm