Vĩnh biệt một lão nông nhân hậu

Ông là lão nông Phùng Văn Hinh. Khi ông trút hơi thở cuối cùng vào hôm qua (25-5), ông cũng kịp để lại một phần cơ thể cho những người cần nội tạng. Gia đình đã thực hiện di nguyện "hiến xác cho y học" của ông.

Lão nông Phùng Văn Hinh (1950-2018) đã giã từ cõi đời nhưng những gì ông để lại hết sức ý nghĩa.

Những việc làm không cốt lấy danh tiếng mà lặng lẽ góp nhặt giúp người nghèo của ông thật đáng cho người khác khâm phục, ngưỡng mộ và học hỏi.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết: "Trên quốc lộ 20, đoạn ngang qua ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai, có một căn nhà đơn sơ treo tấm biển đề "Điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo & hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Mổ mắt từ thiện. Tình nguyện hiến máu cứu người (nam nữ tuổi từ 19-60). Liên hệ: 01635604022”. Đó là nơi cư ngụ của lão nông Phùng Văn Hinh. Suốt mấy chục năm qua, ông làm công tác từ thiện một cách lặng lẽ và nghiêm túc.

Trưa 25-5, lão nông nhân ái ấy đã trút hơi thở cuối cùng sau một cơn đột quỵ, hưởng thọ 68 tuổi. Trước khi giã từ thế gian, ông đã ký giấy hiến xác và hiến tạng. Vì vậy, khi trái tim ông không còn đập nữa thì tình yêu cuộc sống ấm áp của ông vẫn tiếp tục lan tỏa và gửi gắm qua những mảnh đời khác!".

Y sinh Tuệ Lâm có những dòng chia sẻ đầy cảm xúc qua bài viết "Trên trời một cánh nhạn tung bay": "Cánh nhạn ấy, là lão nông Phùng Văn Hinh, 68 tuổi. Nhắc đến ông, là nhắc đến một tấm lòng tận tụy với người bất hạnh. Ông giúp hàng trăm người mù được thấy ánh sáng với chương trình mổ mắt, ông cứu cũng hơn trăm người bị tai nạn giao thông trên tuyến đường quốc lộ đi qua nhà ông (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ông cũng giúp hàng trăm người chết cơ hàn có được áo quan để về với đất… Ông gốc người xứ Quảng, chất giọng Quảng đặc sệt.

Gần 10 năm trước gặp ông, trò chuyện với ông, rõ việc ông làm, nghe dân địa phương nói về ông, mới biết ông là một nhân cách lớn! Mới biết từ nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ nơi ông ngụ cư là điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo hay người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời cũng là nơi tiếp nhận vô số dân nghèo mắc bệnh về mắt có nguy cơ mù lòa được mổ mắt miễn phí…

Điểm hỗ trợ quan tài của lão nông Phùng Văn Hinh.

Một lão nông bình thường nhưng làm được điều phi thường, ai nghe cũng tưởng ông là đại điền chủ giàu nứt đố đổ vách. Nhưng kỳ thực, ông có giàu gì đâu. Gia cảnh ông bình thường, nhưng ông khác người ta, ông giàu lòng yêu thương con người vô hạn! Với cái sự “giàu” đó, ông hồn nhiên dang rộng vòng tay với bất kỳ ai cùng cực tìm đến hay được ông bắt gặp đâu đó trên đường đời.

Từ năm 1983 đến nay, trên quốc lộ 20, ông chẳng nhớ đã cứu giúp bao nhiêu trường hợp người đi đường bị tai nạn giao thông. Dân địa phương áng chừng con số đó lên đến cả ngàn trường hợp. Họ kể ông già mà “gan cùng mình”, thấy có tai nạn là lao ra giúp người bị nạn đến cùng, ông băng bó vết thương cho người bị nhẹ, ông chặn xe khi nhờ lúc yêu cầu các bác tài khác đưa người bị nạn đi cấp cứu. Rồi có vô số lần ông lặng lẽ đắp chiếu, giúp áo quan cho những người đi đường xấu số…

Tìm hiểu về ông, càng rõ về ông, phục ông lắm. Còn nhớ khi tôi tìm đến Bệnh viện đa khoa huyện Định Quán hỏi về ông, các y, bác sĩ ai cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng về một lão nông “thương người như thể thương thân”.

Họ kể ông không chỉ có hàng chục lần hiến máu giúp người mà còn vận động hàng trăm thanh niên ở các xã trong huyện Định Quán san sẻ giọt máu của mình vì sự sống của người khác.

Còn hành động tặng quan tài cho người nghèo, người có hoàn cảnh bất hạnh thì sao? Ông kể chiều ấy, đi ngang qua khúc sông La Ngà, nghe tiếng vọng từ một con thuyền neo bên bờ, ông lại gần mới biết có cô gái đang ôm xác mẹ già qua đời. Hai mẹ con sống phiêu dạt trên sông nước nên mẹ mất mà không có tiền mua hòm để thi thể mà chôn. Cảm thấy trái tim mình bị bóp nghẹt, ông vội về nhà tìm vợ, cùng vợ nhẩm tính bán mấy chục ký tiêu hiện có cũng chưa đủ tiền mua cái hòm. Không chút đắn đo, ông ôm luôn cái tivi cũ - thứ tài sản quý nhất giúp gia đình ông quây quần vui vẻ bên nhau mỗi tối mang đi bán. Đó là chiếc quan tài đầu tiên mà ông tặng cho người nghèo. Lão nông bình dị Phùng Văn Hinh mà tôi biết là như vậy đó.

Hiến xác cho y học.

... Điều an ủi con lúc này là trái tim ông tuy ngừng đập nhưng ông vẫn sống, vẫn mang lại nhiều hy vọng sống cho rất nhiều người. Mới nãy thôi, các bác sĩ đã làm theo di nguyện hiến tạng hơn 10 năm trước của ông, đến lấy các bộ phận nội tạng trong cơ thể ông để chắp cánh cho hy vọng sống của nhiều người khác!

Với ai khác, chết là hết nhưng với ông, cái chết bắt đầu sự sống đang dần nên hình hài! Tận hiến vì đời, vì người đến giờ phút cuối cùng, ông đã sống không phí hoài giây phút. Ông chính là nguồn cảm hứng để những năm qua con cố gắng bước theo bước chân ông...".

May thay, ông có người con trưởng là nhà thơ Phùng Hiệu cũng âm thầm, lặng lẽ tiếp sức cho ba mình làm những việc có ích cho đời. Trên trang cá nhân, anh viết: "Vĩnh biệt Ba - Người cha có tấm lòng thiện nguyện hết sức cao cả và nhân văn.

Như vậy là ba đã vĩnh viễn rời xa chúng con ở tuổi 68. Chúng con cứ ngỡ rằng với sức khỏe của ba, sẽ còn ở cạnh bên chúng con từ 10 hay 20 năm nữa. Đâu ngờ cuộc đời quá vô thường, cơn tai biến bất ngờ ập xuống cướp đi sinh mạng của ba.

Vĩnh biệt ba, dù rất đớn đau và thương tiếc nhưng chúng con rất kính phục và tự hào vì đã có một người cha suốt đời làm công tác từ thiện giúp ích cho xã hội mà ngay cả xác thân mình, ba cũng tự nguyện hiến dâng.

Lúc này đây, bằng những giọt nước mắt đau thương nhưng đồng thời cũng là bổn phận, con đặt bút ký vào tờ giấy đồng ý cho bác sĩ BV Chợ Rẫy mổ xẻ, lấy đi phần nội tạng theo di nguyện thứ 2 của ba: “hiến toàn bộ nội tạng khi ba qua đời”.

Hai cha con lão nông Phùng Văn Hinh và nhà thơ Phùng Hiệu. 

Chúng con nén đau thương để làm tròn di nguyện này, để ba được ra đi trong sự thanh thản theo ước nguyện mà lúc sinh thời ba từng căn dặn.

Chúng con nhận thức được rằng, việc làm của ba như tấm lòng bồ tát, dù mất đi phần nội tạng nhưng mang lại sự sống cho nhiều người. Một di nguyện hết sức đạo đức, mang tính thiêng liêng và cao cả mà suốt đời chúng con cần phải noi gương và học hỏi.

Vĩnh biệt ba, chúng con cầu mong Đức Phật từ bi siêu độ cho linh hồn của ba được siêu thoát về miền cực lạc".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm