Vợ cựu binh Gạc Ma một mình nuôi 4 con vào Đại học

Thế nhưng niềm mong ước của gia đình nhỏ ấy cuối cùng vẫn không thể trọn vẹn khi tám năm trước anh Tự ra đi trong một tai nạn giao thông.

Mơ ước dang dở

Thắp nén hương lên bàn thờ chồng, chị Đào Thị Thảo (vợ anh Tự) kể lại, tháng 3-1986 anh Tự (thôn An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) tham gia nhập ngũ vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. Sau trận chiến ngày 14-3-1988, anh may mắn sống sót và trở về với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, mắt phải bị mù. 

Vợ cựu binh Gạc Ma một mình nuôi 4 con vào Đại học ảnh 1
Thời gian qua đi, chị Thảo vẫn sớm khuya tảo tần nuôi bốn người con học ĐH.

Trở về với cuộc sống đời thường, anh Tự kết hôn với chị Thảo và lần lượt bốn đứa con nối tiếp nhau ra đời. Để lo cho cuộc sống, hằng ngày anh đạp xe rong ruổi trên các con đường TP Huế bán bánh bao từ đầu giờ chiều cho đến khuya. Một đêm đầu 12-2009, anh không may bị tai nạn giao thông và ra đi mãi mãi, để lại vợ cùng bốn đứa con thơ với nhiều dự định còn dang dở.

Nước mắt lưng tròng, chị Thảo bùi ngùi kể lại: “Dù thương tật đầy mình nhưng anh Tự rất chịu khó làm ăn. Anh vẫn hay động viên tôi cố gắng chăm chỉ làm việc, dành dụm tiền nuôi con ăn học nên người. Sau nữa thì gắng xây một ngôi nhà nhỏ để con có chỗ ở thoải mái. Thế nhưng khi mong ước chưa thành hiện thực thì anh đã mất, để lại một mình tôi với bốn đứa con thơ”.

Ngày anh Tự mất, vợ anh đau đớn dường như muốn chết đi khi trước mắt là viễn cảnh tương lai mịt mờ cùng cuộc sống khó khăn, một nách bốn đứa con nheo nhóc. Lúc đó con lớn của anh chị đang học lớp 12, con nhỏ nhất cũng vừa vào lớp 7. Mơ ước về một cuộc sống khá hơn, về một mái nhà che mưa nắng chưa trọn vẹn thì nay các con anh chị lại phải đứng trước nguy cơ phải bỏ học.

Một mình nuôi bốn người con vào đại học

Kể từ sau ngày chồng mất, gánh nặng gia đình, việc lớn nhỏ đều đặt hết lên đôi vai gầy của chị Thảo. Có những lúc tưởng không thể gượng nổi nhưng tấm lòng người mẹ thương con và vì tâm nguyện của anh Tự khi còn sống, chị Thảo đã cố gắng hết sức mình, làm đủ việc để kiếm tiền nuôi con, mong con được ăn học nên người.

Để nuôi con, chị sớm tối cặm cụi chằm nón với thu nhập chưa tới 40.000 đồng một ngày. Đã có những lúc chị tuyệt vọng nhưng với sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, rồi nhớ tới lời dặn của anh Tự khi anh còn sống, chị lại mạnh mẽ bước tiếp, làm chỗ dựa tinh thần cho các con. “Tôi còn nhớ như in lúc còn sống anh Tự hay nói với tôi là gia đình mình nghèo, mình học không tới đâu nên vợ chồng cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học đàng hoàng” - chị Thảo nói.

Vợ cựu binh Gạc Ma một mình nuôi 4 con vào Đại học ảnh 2
Con chị Thảo mở lớp dạy thêm để có thêm thu nhập cho việc học của mình.

Sau nhiều năm, người con gái đầu của anh chị là Trần Thị Hảo đã tốt nghiệp cử nhân ngành Điều Dưỡng tại Trường ĐH Y Dược Huế. Nhưng sau hơn hai năm tốt nghiệp mà chưa xin được việc, Hảo đành phải sang Nhật Bản làm ăn. “Hảo sang Nhật vừa học vừa làm nên tiền kiếm được chỉ đủ chi phí ăn ở, sinh hoạt, rất khó khăn. Có bữa Hảo gọi điện thoại về cho mẹ, kể chuyện cuộc sống ở Nhật khó khăn, cả hai mẹ con đều khóc. Tôi thương con lắm nhưng vẫn phải động viên con cố gắng chứ còn biết làm sao” - chị Hảo chia sẻ.

Ngoài Hảo đã tốt nghiệp, ba đứa con chị Thảo hiện đều là sinh viên các trường đại học ở TP Huế. Con gái út của chị Thảo là Trần Thị Kiều Oanh tâm sự: “Mỗi lần nghĩ về cha về mẹ là mỗi lần tụi em rơi nước mắt. Cha đi sớm, mẹ phải tảo tần nuôi chúng em, lo cho tụi em mọi thứ nên tụi em luôn phải cố gắng để cho mẹ đỡ khổ, đỡ phiền lòng. Em chỉ mong mẹ luôn được khỏe mạnh".

Vợ cựu binh Gạc Ma một mình nuôi 4 con vào Đại học ảnh 3
Chị Thảo trong căn nhà nhỏ.

Bà Đoàn Thị Thí, hàng xóm của chị Thảo, chia sẻ: “Ngày anh Tự mất để lại bốn đứa con, thứ đáng giá nhất trong nhà anh chỉ có chiếc xe máy cà tàng. Chị Thảo cứ khóc ngất. May mắn là cả bốn đứa con đều thương mẹ và rất hiếu học, nhờ đó mà chị đã cố gắng vượt lên tất cả, gắng làm việc để cho con ăn học tử tế”.  

“Tôi tuy vất vả nhưng các con đều ngoan hiền, đứa nào cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên ngoài giờ học tụi nó còn kiếm công việc làm thêm phụ cho cuộc sống, tôi ở nhà cũng được đỡ đần phần nào. Mình khổ cũng được nhưng các con lớn khôn, học hành đầy đủ là tôi cảm thấy rất vui rồi” - chị Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm