Vợ thuyền trưởng canô bị chìm lên tiếng

Ngày 7-8, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã làm việc với Lê Văn Hiếu và Lục Văn Bảo (những người đã điều khiển hai canô cùng tham gia trong chuyến đi định mệnh tối 2-8) để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Cũng trong ngày này, bà Trần Thị Phương Nở (ngụ phường 7, TP Vũng Tàu, vợ của thuyền trưởng canô H29-BP Phạm Duy Phúc) đã chủ động liên hệ với Pháp Luật TP.HCM. Bà Nở bày tỏ nỗi đau của gia đình khi hay tin ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc, đổ mọi trách nhiệm cho người đã khuất.

Ông Phúc không tự ý chạy tàu

Bà Nở nghẹn ngào kể: “Những ngày qua, gia đình tôi tập trung lo tang lễ cho anh Phúc nên không có thời gian theo dõi báo chí. Sáng nay, con gái tôi mới cho hay mấy ngày qua báo chí đăng lời của ông Đảo cho rằng chồng tôi tự ý lấy canô H29-BP đi rồi gây tai nạn. Điều đó làm cả gia đình rất đau lòng. Chồng tôi lái tàu chở khách là nhiệm vụ của công ty giao, ông ấy không tự ý lấy canô đi làm việc riêng”.

Theo bà Nở, gia đình đã lục lại túi xách được ông Phúc mang theo trong ngày xảy ra tai nạn. Túi xách này được các đơn vị cứu nạn tìm thấy khi trục vớt canô, sau đó bàn giao lại cho Công ty Việt Séc để gửi cho gia đình. Trong túi có một cái bóp cùng nhiều giấy tờ cá nhân như bằng thuyền trưởng, một số giấy phép khác.

Vợ thuyền trưởng canô bị chìm lên tiếng ảnh 1

Quyết định phân công nhiệm vụ do ông Quyết ký được tìm thấy trong bóp ông Phúc. Tin nhắn giữa bà Nở và ông Đảo ngày 7-8.

Vợ thuyền trưởng canô bị chìm lên tiếng ảnh 2

Gia đình bà Nở rất đau lòng khi biết lãnh đạo Công ty Việt Séc đổ mọi trách nhiệm cho ông Phúc. Ảnh: TK

“Tôi phát hiện một tờ giấy A4 gấp nhỏ, bị ướt nhưng vẫn còn nguyên được cất trong một ngăn nhỏ của bóp. Đó là tờ quyết định bổ nhiệm anh Phúc làm đội trưởng đoàn chạy thử tàu H790 của Hải quân Vùng II do ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marina, ký ngày 2-8. Tuy nhiên, quyết định này ghi sai họ của anh Phúc” - bà Nở thông tin.

Theo quyết định, ông Phúc với trình độ chuyên môn là thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa được giữ chức đội trưởng đoàn chạy thử tàu H790 của Hải quân Vùng II (ký hiệu H790-HQ) do Công ty Việt Séc đóng bằng vật liệu công nghệ mới. Ông Phúc được lái, đậu tàu thuyền theo đúng quy định Luật Giao thông đường thủy. Ngoài ra, ông Phúc được sử dụng tàu H29 (BP 12-04-02) và H790 (BP 12-04-01) của Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để trợ giúp.

Thờ ơ trước cái chết của nhân viên

Cũng theo bà Nở, ông Phúc trước đây công tác tại Lữ đoàn 171 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đã nghỉ hưu năm 2006. Tháng 3-2009, ông Phúc có bằng thuyền trưởng. Tháng 3-2013, ông nộp đơn xin vào Công ty Việt Séc, sau đó đi làm thử một tuần. Do bà bị bệnh phải mổ nên ông Phúc phải nghỉ để chăm sóc và chỉ vừa đi làm lại hơn một tháng nay.

- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về vụ chìm tàu. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; chấn chỉnh các sai sót, khuyết điểm trong quản lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Ngày 7-8, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết Bộ đã quyết định truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giao thông vận tải” cho anh Trần Hữu Hiệp (nhân vật chính trong bài “Tiễn - anh hùng áo phao” cứu người trên Pháp Luật TP.HCM ngày 7-8). Bộ cũng đề nghị Chủ tịch nước truy tặng huân chương Dũng cảm cho anh Trần Hữu Hiệp.

Bà Nở cho biết ban đầu ông Phúc nộp hồ sơ cho ông Đảo nhưng khi đi làm thì lại do ông Đinh Văn Quyết quản lý. Chiều 1-8, ông Phúc nói với bà chiều 2-8 sẽ đi Tiền Giang đón khách theo lệnh của công ty, về trễ. Khoảng 18 giờ 30 ngày 2-8, bà gọi điện thoại di động cho chồng nhưng ông Phúc không bắt máy. Đến 7 giờ ngày 3-8, một người tên Lập, bảo vệ của Công ty Việt Séc, gọi điện thoại cho bà nói tàu của ông Phúc gặp sự cố, sẽ báo lại sau. Linh cảm có chuyện không hay, bà đã gọi điện thoại tìm kiếm khắp nơi.

“Khoảng 8 giờ, một người thân gọi điện thoại cho hay các báo nói tàu của chồng tôi gặp nạn, ông ấy mất tích. Gia đình tôi vội chạy đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải KV3 (Vungtau MRCC) để ngóng tin. Suốt thời gian sau đó, Công ty Việt Séc không hề hỏi han hay cung cấp thông tin về vụ tai nạn. Lãnh đạo công ty cũng không xuống thắp cho anh Phúc nén nhang mà chỉ cử một bảo vệ tới đưa 10 triệu đồng cho gia đình” - bà Nở bày tỏ.

Sáng 7-8, sau khi đọc lại những lời ông Đảo phát biểu trên báo chí, bà Nở gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông Đảo không nghe máy. Do đó bà phải nhắn tin nói rõ mọi chuyện với ông Đảo. “Anh Đảo nhắn lại là rất bối rối, xin lỗi gia đình về chuyện không may đã xảy ra. Tôi không muốn làm lớn chuyện này, chỉ mong mọi người hãy làm rõ vụ việc để trả lại sự trong sạch cho chồng tôi” - bà Nở nghẹn ngào.

Việt Séc đã làm một việc hết sức liều mạng”

Chiều 7-8, Đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã tiếp xúc chính thức với báo chí. Ông Tài thẳng thắn nhận xét: “Đây là một việc làm hết sức liều mạng của Công ty Việt Séc. Họ không biết về biển, am hiểu luồng lạch và địa hình mà lại dám lấy canô chạy, mạnh ai nấy chạy, không có tổ chức chiếc chạy trước, chiếc chạy sau và không có phương án đảm bảo an toàn. Họ cũng không trình báo với bất kỳ cơ quan chức năng hay trạm kiểm soát của biên phòng theo quy định”.

Cũng theo ông Tài, canô H29-BP chưa đảm bảo kỹ thuật nên được gửi lại cho Công ty Việt Séc yêu cầu bổ sung các tay cầm trên thành canô để buộc phao cứu sinh. Ngoài ra, canô này chỉ được phép chạy trên sông và vùng cửa biển với điều kiện thời tiết êm. Không ai được phép chạy canô trên ra biển trong điều kiện thời tiết xấu như tối 2-8.

Ông Tài nhận định nguyên nhân tai nạn có thể do canô hết xăng, dạt vào vùng Cồn Ngựa có nhiều chỗ sâu, cạn rất nguy hiểm nên sóng đánh mạnh, nhiều người hoảng loạn dẫn tới tàu bị nghiêng và lật. Trong thời gian đó cũng có một số cuộc điện thoại gọi về đất liền cấp cứu nhưng không có tọa độ cụ thể nên gây khó khăn cho công tác tìm kiếm. Phía biên phòng cũng đã huy động hết các phương tiện sẵn có để tham gia cứu nạn.

“Tôi thành thật gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn. Sắp tới, cần xác định rõ đầu mối liên hệ công tác cứu nạn, buộc các tàu thuyền, doanh nghiệp phải biết để trong trường hợp cần thiết gọi báo có hiệu quả. Vụ việc này do phía công an thụ lý, chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ nội dung những báo cáo trên để phục vụ công tác điều tra. Tôi khẳng định những sai phạm không liên quan đến biên phòng”.

Lúc đầu chỉ báo tin hết xăng

Trong giải trình của mình, Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Khoảng 19 giờ 30 ngày 2-8, ông Quỳnh (đang nghỉ phép về quê tại Nghệ An) nhận được điện thoại của ông Đảo nói có một canô của công ty đi Cần Giờ trên đường về bị hết nhiên liệu, nhờ tàu của đơn vị chở xăng dầu ra tiếp. Do Công ty Việt Séc là chỗ quen biết nên ông Quỳnh báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và điều tàu BP 13-04-02 đi. Khoảng 15 phút sau, tàu rời cảng mang theo 60 lít xăng và hai hộp nhớt. Cùng đi có ông Tạ Thanh Sơn, người của Công ty Việt Séc.

Đến 20 giờ 30, ông Đảo gọi điện thoại nói canô H29-BP bị chìm. Ông Quỳnh đã nói: “Sao canô đang bảo dưỡng sửa chữa lại mang đi chở người?”. Lúc này, ông Đảo thừa nhận sai và mong ông Quỳnh giúp đỡ. Ông Quỳnh yêu cầu ông Đảo phải thông báo cho cơ quan chức năng, đồng thời báo ngay cho tàu BP 13-04-02 chuyển sang cứu nạn.

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm