Vụ gian lận điểm thi: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì?

Tối 24-7, trả lời trên VTV, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã khẳng định như vậy khi nói về hai vụ gian lận điểm thi liên tiếp xảy ra Hà Giang và Sơn La thời gian qua.

Trả lời về vấn đề trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc để xảy ra sai phạm tại hai tỉnh trên, ông Nhạ cho rằng trước hết trên phương diện quản lý ngành, tất cả những vấn đề xảy ra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT thì Bộ phải xem xét giải quyết, chỉ đạo kịp thời, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm đúng theo quy chế.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT?

Đối với những sai phạm tại Hà Giang và Sơn la, khi phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm, bản thân ông cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra ngay, thành lập tổ công tác giám sát, đồng thời trao đổi công tác với các cơ quan liên quan nhằm làm rõ, xác minh tiếp, không phân biệt bất kỳ ai.

“Mặc dù theo phân cấp kỳ thi này của địa phương tổ chức nhưng khi xảy ra sai phạm, lãnh đạo Bộ và cá nhân tôi có quan điểm là cương quyết xử lý. Thực tế là tổ công tác đã làm rất nghiêm túc và tìm ra được những sai phạm” - ông Nhạ cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trên VTV vào tối 24-7. Ảnh: H.PHƯỢNG

Trước một số nghi vấn quy trình của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ nên mới xảy ra các sai phạm nghiêm trọng, ông Nhạ cho rằng quy trình của Bộ này đã chặt chẽ. Tuy nhiên quan trọng là lựa chọn con người và giám sát họ thực hiện quy trình.

Riêng với Hà Giang và Sơn La, một nhóm người đã có chủ ý làm sai có mục đích chứ không phải vấn đề kỹ thuật, khâu giám sát không được nghiêm túc. Qua rà soát ban đầu cho thấy riêng khâu chấm thi là khâu về bảo mật, lựa chọn con người, do đó phải làm thực sự nghiêm túc.

“Tới đây, những người thuộc diện bị truy tố thì Bộ Công an sẽ xử lý, còn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và phạm vi ngành thì tôi đề nghị địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm, họ không đủ tư cách trong nghề giáo viên” - ông Nhạ nói.

Có nên giao việc chấm thi, coi thi cho địa phương?

Bộ trưởng Nhạ nêu quan điểm về việc có nên giao công tác coi thi và chấm thi cho địa phương hay không. Theo đó, trước năm 2002, kỳ thi công nhận tốt nghiệp giao cho địa phương cơ sở còn thi ĐH-CĐ giao cho các trường. Phương án này có nhiều cái tốt nhưng lại có bất cập rất lớn đó là đối với các trường ĐH-CĐ, mỗi đơn vị lại tổ chức một phần riêng, từ việc luyện thi cho đến chấm điểm, người học có thể thi mấy trường một đợt.

Sau năm 2015, kỳ thi ba chung (chung đề, chung địa điểm, chung kết quả) bộc lộ một số bất cập như có tới bốn kỳ thi (tốt nghiệp, đại học đợt 1, đại học đợt 2, CĐ) trong một thời gian ngắn, tạo áp lực rất lớn về thời gian, tốn kém cho thí sinh và gia đình.

Nhằm tiến tới kỳ thi với hai mục đích công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ, từ năm 2016-2017, việc thực hiện công tác đổi mới thì kỳ thi ngày càng hoàn thiện, gọn nhẹ, giảm áp lực, tiết kiệm hơn… Gia đình cũng như thí sinh cảm thấy hợp lý, được đông đảo người dân ủng hộ.

“Tuy nhiên, với sự việc xảy ra ở Hà Giang và Sơn La vừa qua, Bộ sẽ rà soát nghiêm túc trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi nhằm đảm bảo an toàn, khách quan, trung thực, để kỳ thi năm sau được tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng được phát hiện trong công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Ảnh: T.PHAN

Trước đó, dư luận cả nước “dậy sóng” về hai vụ gian lận điểm thi TPHT quốc gia năm 2018 liên tiếp được phát hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La.

Tại Hà Giang, sau khi chấm thẩm định, tổ công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Công an kết luận đã có hơn 330 bài thi của 114 thí sinh bị chỉnh sửa. Trong số này, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Tới thời điểm hiện tại, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hoài (trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) và Vũ Trọng Lương (phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang). Ông Hoài cùng ông Lương được xác định là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc chỉnh sửa các bài thi của thí sinh.

Còn tại Sơn La, sau năm ngày làm việc liên tục, chiều 23-7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Công an cũng kết luận có sai phạm trong công tác chấm thi ở tỉnh này. Cụ thể, đối với môn ngữ văn, hội đồng chấm thẩm định đã chấm lại 110 bài nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả có 12 bài có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có một bài điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng xác định có năm cá nhân liên quan trực tiếp tới những sai phạm nói trên. Đó là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.

Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm trắc nghiệm) và ông Lò Văn Huynh (Phó Trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm