Vụ người đàn ông tử vong vì sụp cống: Gia đình nạn nhân sẽ khởi kiện

Sáng sớm 12-10, con hẻm nhỏ dẫn vào nhà nạn nhân Vũ Hồng Thái (53 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) - người chết do lọt cống đêm mưa ngày 10-10, chật cứng người đến chia buồn.

Kiện đến cùng

Ông Hồ Ái Quốc - em vợ của anh Thái bức xúc: “Qua tang lễ, gia đình chúng tôi sẽ mời luật sư để tư vấn thủ tục khởi kiện đơn vị có liên quan. Tôi mong báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục làm rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan để không còn người chết oan uổng như anh Thái”. Em Vũ Hồng Thi, con của anh Thái, cứ khóc rưng rức. Ngày Thi nhận tin cha mất chỉ cách ngày thi tốt nghiệp cao đẳng hai ngày. Ước mơ của Thi nhận tấm bằng kế toán để kiếm việc làm phụ cha mẹ tạm gác lại.

Cũng sáng cùng ngày, đại diện UBND quận Thủ Đức, Mặt trận Tổ quốc quận và UBND phường Tam Phú đã đến chia buồn cùng gia đình anh Thái. Từ sáng đến chiều, gia đình anh Thái có ý trông nhưng không thấy sự có mặt của đại diện cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt, dù chỉ đến để nói lời chia buồn.

Vụ người đàn ông tử vong vì sụp cống: Gia đình nạn nhân sẽ khởi kiện ảnh 1

Tấm đan, cây cột sơn đỏ được coi là biển báo? Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Vụ người đàn ông tử vong vì sụp cống: Gia đình nạn nhân sẽ khởi kiện ảnh 2

Em Thi, con gái nạn nhân, nức nở bên miệng cống tử thần.

Chỉ có cây cột mốc trơ sắt

Chiều cùng ngày, gia đình anh Thái đã làm lễ rước vong linh anh tại miệng cống - nơi xảy ra thảm nạn. Cây cột mốc sơn vạch trắng đỏ - tín hiệu để báo hiệu có đường tàu băng ngang đã gãy đổ, trơ sắt từ lâu.

Thực tế hiện trường không như trả lời phỏng vấn với báo Pháp Luật TP.HCM chiều 11-10 của ông Trần Kim Chi - người có trách nhiệm tại cung đường sắt (gác chắn Tô Ngọc Vân) rằng: “Chúng tôi đã có trồng cột để cảnh báo rồi xây tấm đan trên miệng cống, do nước quá lớn nên ngập luôn tấm đan”. Ngoài ba tấm đan cao hơn hai gang tay, đặt cách vị trí cống khoảng 0,5 m và cây cột mốc sơn trắng-đỏ nói trên, chúng tôi không thấy bất kỳ tấm biển báo nào.

Chị Nguyễn Thị Tâm - một người dân ở gần đó thông tin thêm: “Nếu mưa lớn nước ngập lênh láng, tràn vào gác chắn, tấm đan ngăn người bước qua bị ngập sâu trong nước nên người đi đường khó thấy”. Anh Nguyễn Văn Bé, người tham gia vào việc tìm kiếm thi thể anh Thái, nói: “Với lỗ cống to như vầy, vào mùa mưa rất hay bị ngập. Người đi đường đã nhiều lần sụp xuống cống vì không có biển cảnh báo. Bao nhiêu năm rồi tôi có thấy biển báo cống sâu nguy hiểm gì đâu!”.

Đã hai ngày trôi qua sau tai nạn thương tâm nhưng một tấm biển cảnh báo miệng cống tử thần này đến giờ vẫn chưa được cắm!

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm