'Xe lăn đao' của môn phái Việt Nam võ đạo Tây Sơn Bình Định

Võ sinh Nguyễn Đình Điệp (24 tuổi, hiện trú tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Hóc Môn) tiến ra sân khấu trên chiếc xe lăn. Hai chân của anh teo nhỏ. Đôi tay của anh thì một khỏe, một yếu. Gương mặt anh do di chứng của chất độc da cam nên bị biến dạng. Chiếc đại đao có vẻ như quá nặng với thân hình nhỏ thó của anh. Anh Điệp chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn của mình trong Ngày hội Văn hóa hòa bình lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Những đường đao kinh ngạc

Nhưng vừa ra giữa sân khấu, cơ thể Điệp như bay bổng nhẹ nhàng. Chiếc đại đao trên tay anh bay vun vút theo mỗi thế võ. Cơ thể nhỏ bé của anh lọt thỏm trong chiếc xe lăn bỗng đổ ập suống sàn, lộn vài vòng, khán giả ồ lên thót tim vì tưởng đó là tai nạn. Sau vài đường múa đao, anh lại lộn mấy vòng để quay lại vị trí chiếc xe lăn. Động tác khó nhất của Điệp không phải là múa đao hay lộn người, khó nhất là… lên lại xe lăn. Sau tiết mục biểu diễn cá nhân, anh biểu diễn cùng hơn chục võ sinh khuyết tật khác với nhiều binh khí khác nhau. Tiết mục kết thúc, nhiều khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.

Gương mặt Điệp đầm đìa mồ hôi nhưng ngời ngời hạnh phúc. Điệp nói: “Đây không phải lần đầu tiên tôi được đi biểu diễn. Nhiều sự kiện văn hóa-thể thao TP và của quận, chúng tôi hay được mời tham gia. Người bình thường tập múa đao đã khó, người khuyết tật như chúng tôi tập còn khó hơn nhiều”.

Để đến buổi biểu diễn này, Điệp đã chăm chỉ tập luyện nhiều tuần. Trước đó, cách đây hai năm, Điệp chưa từng nghĩ rằng mình có thể học võ. Thể trạng của Điệp ốm yếu, lại bị khuyết tật nặng, Điệp cho rằng “đời em chắc chỉ quẩn quanh một chỗ thôi”. Điệp lập một tài khoản trên mạng xã hội với cái tên rất sến và buồn “trái tim tật nguyền”, mong muốn được kết nối với bạn bè bên ngoài. Một hôm, thầy Khánh và các võ sư môn võ Tây Sơn Bình Định tìm đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Hóc Môn để chiêu sinh. Yêu cầu các thầy đưa ra: Chỉ cần ham học võ. Các thầy sẽ đến tận trung tâm để dạy miễn phí hằng tuần. Điệp đăng ký với suy nghĩ: “Nếu may thì biết võ nhưng chắc gì tập được”.

Nhiều bạn trong trung tâm bị khuyết tật nặng như Điệp cũng đăng ký. Hai tuần đầu tập với thầy, Điệp bị đau tay, đau mình ê ẩm. Nhưng dần dần đôi tay của Điệp ngày càng linh hoạt. Tinh thần học võ sôi nổi ở đó đã mang đến cho Điệp và các bạn đồng môn biết bao nhiêu niềm vui. Điệp có thêm nhiều bạn mới. Điệp cười híp mí: “Giờ nói thật với chị, nếu thực chiến với 10 người thì em đánh không lại, chứ từ năm người trở xuống em cân được hết”.

Võ sinh Nguyễn Đình Điệp biểu diễn đại đao. Ảnh: H.MINH

Thiết kế thế võ riêng cho từng người

Võ sư Hà Trọng Khánh, Trưởng môn phái Việt Nam võ đạo Tây Sơn Bình Định, chia sẻ duyên cớ việc dốc lòng dạy võ cho các võ sinh đặc biệt: “Cách đây khá lâu, khi tôi đang dạy võ thì gặp một em nhỏ khuyết tật đứng ngó say mê. Em là con trai của người lượm ve chai. Tôi tìm đến tận nhà để “xin” em về lớp dạy miễn phí. Dạy cho trẻ khuyết tật mới biết là vất vả, bởi dạy cho người lành chỉ cần một bài thôi, còn dạy cho các em thì tôi phải đánh giá tình hình khuyết tật của từng em để soạn bài riêng. Nhưng cũng vì vậy mà công việc của tôi trở nên đáng giá hơn nhiều”. Niềm vui sống tràn đầy trong các võ sinh của ông. Không chỉ dạy võ thuật, ông dạy các em luyện đức tính tự tin, kiên nhẫn, mạnh mẽ, bao dung, yêu thương. Đó cũng là tinh thần của môn võ Tây Sơn Bình Định.

Đồng hành cùng thầy Khánh có các thầy cùng môn phái đến từ Bình Định là thầy Nguyễn Minh Vũ, thầy Nguyễn Văn Xuân. Các thầy đều đã lớn tuổi nhưng tinh thần và khí chất đều rất khỏe khoắn. Họ đã đến lập thân lập nghiệp ở TP.HCM gần 40 năm với mong muốn mang môn võ Tây Sơn Bình Định đi truyền bá khắp các nơi. Ngày nào các thầy cũng bận rộn với các lớp võ. Nhưng mỗi tuần các thầy đều sắp xếp đến với các võ sinh hai lần để cùng các em luyện tập.

Nguyễn Ngọc Phụng (24 tuổi, khuyết tật nặng ở chân, lớn lên trong trại mồ côi) tết tóc gọn gàng, trang điểm nhẹ trước khi ra biểu diễn với roi, kiếm và đao. Phụng nói: “Em từng được đi biểu diễn tại festival võ thuật ở Bình Định rồi đó. Học võ mang lại cho em rất nhiều thứ, nhiều nhất là sự tự tin và bình tĩnh. Trước đây có những lúc em buồn chán nhưng nay em luôn giữ được cân bằng và luôn lạc quan. Em học võ ba năm rồi và sẽ học cả đời. Cám ơn các thầy”.

Quan trọng là tinh thần thượng võ

Các em võ sinh khuyết tật khá nhạy cảm. Hoàn cảnh của các em lại rất đặc biệt. Tôi muốn dạy cho các em không chỉ là một môn võ, mà là tinh thần mạnh mẽ, cân bằng trong cuộc sống. Tinh thần quan trọng hơn các chiêu thức rất nhiều. Các em rất nhạy cảm và lĩnh hội rất tốt. Tôi rất tự hào về các võ sinh của mình.

Võ sư HÀ TRỌNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.