Xử lý nghiêm cán bộ để giữ uy tín công an

Ngày 2-8, Công an TP.HCM đã họp sơ kết bốn tháng cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” phát động từ tháng 3-2011.

Xử lý nghiêm cán bộ để giữ uy tín công an ảnh 1
Thiếu tướngNguyễn Chí Thành,Giám đốc Công an TP.HCM (ảnh) cho biết:

Từ năm 2007, Ban Giám đốc Công an TP đã triển khai kế hoạch xây dựng nếp sống văn hóa, thái độ ứng xử của cán bộ, chiến sĩ với người dân và đồng đội, tập trung vào các lực lượng thường xuyên phải tiếp xúc với người dân. Đầu năm 2011, Công an TP phát động cuộc vận động một cách nghiêm túc, bắt buộc quán triệt thực hiện trong toàn bộ lực lượng. Xây dựng chất lượng phục vụ nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên chứ không chỉ thông qua thời gian ngắn của cuộc vận động. Nhìn chung đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn lực lượng về tinh thần trách nhiệm trong công tác, kỷ luật. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân được nâng lên rõ rệt.

. Việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong, thái độ ứng xử như trên có hạn chế được việc chống người thi hành công vụ không thưa ông?

+ Chắc chắn là hạn chế được rất nhiều. Tình trạng chống người thi hành công vụđang tăng theo từng năm nhưng số vụ việc tại TP.HCM thì được kéo giảm rõ. Khi nâng cao văn hóa ứng xử thì hình ảnh, uy tín của lực lượng ngày càng tăng lên, người dân sẽ tin yêu lực lượng hơn.

Tuy nhiên, nơi này, nơi kia vẫn có những chiến sĩ chưa đáp ứng yêu cầu trên, thậm chí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh công an nhân dân.

. Những phản ánh cán bộ, chiến sĩ vi phạm sẽ được thực hiện qua kênh nào và được xử lý ra sao thưa ông?

+ Người dân có thể gửi đơn tố cáo, khiếu nại bằng đơn thư hoặc qua đường dây nóng đến đơn vị của cán bộ, chiến sĩ đó bị tố cáo có vi phạm trong việc tiếp dân (hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu…) và sẽ được lãnh đạo các đơn vị xử lý ngay. Nếu đơn vị cấp dưới không hoặc chậm xử lýthì người dân có thể báo lên Công an TP. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý kỷ luật mà mức cao nhất là tước quân tịch. Nếu vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm như mọi người dân khác, không có ngoại lệ.

. Nhưng nhiều người dân không biết là phản ánh của mình được giải quyết như thế nào và kết quả giải quyết cũng không được công khai?

+ Nếu người dân khiếu nại, tố cáo công khai đầy đủ danh tính, địa chỉ thì dứt khoát Công an TP sẽ báo cáo kết quả xử lý cho người đó. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm đúng là cũng ít thông tin cho báo chí.

. Vụ việc Trung úy CSCĐ Trần Đại Phúc tấn công CSGT mới đây được tiếp nhận xử lý như thế nào?

+ Ngay khi sự việc vừa xảy ra, lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ và đơn vị có liên quan đã có báo cáo sự việc lên ban giám đốc. Sau đó clip quay lại cảnh tấn công được đưa lên khiến dư luận hết sức bất bình. Vụ việc sẽ được xử lý nghiêm theo pháp luật, tùy thuộc kết quả điều tra.

Ban Giám đốc Công an TP thống nhất rằng: “Chúng ta đang kêu gọi sống và làm việc theo pháp luật. Hơn ai hết, lực lượng công an nhân dân phải làm gương trước rồi mới nói người dân được”. Phải luôn ý thức rõ mỗi hành động, thái độ ứng xử của chính mình là người chiến sĩ công an nhân dân dù có đang mặc sắc phục hay không”.

. Xin cảm ơn ông.

Bốn tháng qua, Công an TP tiến hành kiểm tra điều lệnh hơn 2.000 lượt, lập biên bản nhắc nhở chấn chỉnh 31 tập thể và 455 cán bộ chiến sĩ, khảo sát kiểm tra ứng xử của 155 đơn vị đội, phường, vọng gác…

Đã có 208 tập thể và hơn 4.600 cá nhân được các đơn vị biểu dương. Đặc biệt giám đốc đã khen thưởng cho hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ trong khi thi hành nhiệm vụ, với số tiền trên 200 triệu đồng (riêng lực lượng CSGT có 931 trường hợp).

ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm