Xe máy Việt xuất ngoại

Xe máy Việt xuất ngoại ảnh 1
Xe Piaggio sản xuất tại Việt Nam đã nội địa hoá 85% và được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: Thanh Hảo

Tại Honda Việt Nam (HVN), tỷ lệ nội địa hoá mà hãng này công bố từ 90 – 95%. Vào năm 2012, hãng này tung ra dòng tay ga cao cấp SH 125i và 150i với tỷ lệ nội địa hoá 93%, dùng động cơ eSP. Các dòng xe như Lead 125cc, SHi 125/150cc có tỷ lệ nội địa hoá khoảng 90%, dòng Air Blade là 95% và nhiều nhất hiện nay là dòng SH Mode với tỷ lệ gần 96%. Theo HVN, tỷ lệ mà họ tự sản xuất cho sản phẩm vào khoảng 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ này gồm những bộ phận nào cấu thành chiếc xe hoàn chỉnh thì HVN không tiết lộ.

Từ bình ắcquy đến động cơ xe tay ga

Được xem là đối thủ xứng tầm với Honda, Yamaha Việt Nam cũng đã nội địa hoá nhiều dòng xe của mình cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Trong những dòng xe nội địa hoá, rất nhiều chi tiết và linh kiện được mua từ các nhà sản xuất trong nước như lốp (vỏ xe), bình ắcquy, hệ thống đèn, dây điện, hệ thống phanh, cụm chi tiết vành và nan hoa... được hãng này lấy từ các nhà sản xuất trong nước. Đại diện Yamaha Việt Nam cho biết tỷ lệ nội địa hoá tính trung bình cho tất cả các dòng xe sản xuất bởi Yamaha tại Việt Nam vào khoảng 80% và con số đó còn có thể cao hơn, tuỳ vào trình độ cũng như sự tiến bộ từ các nhà sản xuất linh kiện. Hiện những công nghệ như đúc động cơ, sản xuất khung, công nghệ điện tử... cho nhiều dòng xe của hãng này vẫn được chính Yamaha làm ở nước ngoài.

Từ năm 2012, Piaggio Việt Nam công bố đưa nhà máy sản xuất động cơ vào hoạt động tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc với công suất 200.000 – 300.000 động cơ mỗi năm. Theo lãnh đạo Piaggio, động cơ từ nhà máy sẽ phục vụ cho việc sản xuất xe tại Việt Nam một phần và phần còn lại dùng để sản xuất xe cung cấp cho thị trường các nước, vùng lãnh thổ khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Sau khi đi vào hoạt động năm 2012, Piaggio Việt Nam đã sản xuất đến 85% khối động cơ dòng mới nhất, động cơ 3V. Ông Costantino Sambuy, tổng giám đốc Piaggio Việt Nam cho biết khoảng 15% chi tiết còn lại của khối động cơ được nhập từ Ý và một số nước Đông Nam Á. “Chính việc sản xuất tại Việt Nam đến 85% khối động cơ làm cho giá thành xe giảm đi rất nhiều”, ông Sambuy chia sẻ với báo giới khi ra mắt những dòng xe sử dụng động cơ này tại Việt Nam trong một sự kiện cách đây không lâu.

Thời điểm ra mắt dòng SH “nội”, ông Masayuki Igarashi, tổng giám đốc HVN cho biết, đây là những mẫu xe dành cho thị trường toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Cùng nhận định đó, ông Hoàng Hà, giám đốc Tiếp thị và bán hàng Yamaha Việt Nam cho biết việc nội địa hoá sản phẩm là theo lộ trình và những sản phẩm được nội địa hoá giúp kéo giảm giá bán khi đến tay người tiêu dùng.

Công xưởng sản xuất xe máy

Nói về ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất xe máy tại Việt Nam, ông Hoàng Hà cho biết trong thời gian qua các nhà sản xuất linh kiện trong nước đang dần nâng cao chất lượng dây chuyền công nghệ, năng lực quản lý và sản xuất. Điều này làm giá cả trở nên cạnh tranh hơn khi sản phẩm hoàn thiện được tung ra thị trường.

Vì dịch chuyển đầu tư khá nhiều từ Ấn Độ về Việt Nam theo chiến lược định sẵn, Piaggio đã lập luôn tổ hợp công nghiệp của nhà máy Piaggio Việt Nam tại Vĩnh Phúc là trung tâm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho xe hai bánh. Ông Roberto Colaninno, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Piaggio cho biết: “đây là trung tâm đầu tiên của Piaggio được thành lập tại châu Á – Thái Bình Dương và điều đó cho thấy sự quan trọng từ thị trường này”.

Còn theo ông Hà, để “gia nhập” vào quy trình sản xuất của Yamaha, tất cả các chi tiết linh kiện của những nhà sản xuất trong nước phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, an toàn do Yamaha đặt ra và đạt chuẩn theo quy định của các cơ quan chức năng tại Việt Nam. “Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn yếu kém hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia về mức độ quy hoạch tổng thể, chính sách hỗ trợ cũng như công tác nghiên cứu và phát triển”, ông Hà nói.

Theo Nam Hưng (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm