Kỹ năng đánh lái để xe không rớt xuống vực

Việt Nam là đất nước có ¾ địa hình là đồi núi, nên cung đường di chuyển sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt đối với người không có kinh nghiệm. Vào những ngày thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao, sương mù dày đặc càng hạn chế tầm nhìn của người lái.

Lái xe đường đèo núi, khi đổ đèo là kỹ năng khác biệt hoàn toàn với kỹ năng lái xe trên đường thành phố. Chính vì vậy, cần chuẩn bị kỹ năng thật tốt trước mỗi chuyến đi.

Giữ tốc độ an toàn, nếu cảm giác chiếc xe lao hơi nhanh thì cần hãm phanh lại, giảm từ từ, không được phanh gấp. Tốc độ khi đổ đèo hợp lý nhất là tốc độ mà tài xế có thể làm chủ và ít phải dùng phanh nhất, lúc đó xe sẽ xuống dốc bằng ga và dựa vào quán tính của xe là chính.

Đối với những người tay lái yếu, chưa có kinh nghiệm nhiều với đường đèo núi, nên nắm vững nguyên tắc kiểu phanh giữ tốc snubbing. Khi bắt đầu đổ đèo, thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Ví dụ tốc độ 40 km/h ở số 3. Bắt đầu thả dốc, không dùng chân ga và chân côn, chỉ dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc, máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để về lại tốc độ cần thiết rồi thả ra để xe tự trôi, tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại.

Tuyệt đối không được rà phanh liên tục. Sử dụng các hệ thống khác của xe để điều khiển xe giảm tốc độ. Khi rà phanh liên tục và nhiều, má phanh bị ma sát, hệ thống phanh nóng lên, dầu phanh sôi lên gây ra nhiều nguy hiểm cho xe và người lái xe.

Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi, lái xe cần kiểm tra phanh, lốp để đảm bảo trạng thái tốt nhất và an toàn nhất. Bảo dưỡng xe đúng thời hạn là cách để kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh hay lốp xe của bạn tốt nhất, đồng thời để sửa chữa và thay thế kịp thời những nơi hỏng hóc. Đảm bảo dầu phanh và dầu hệ dẫn động đầy đủ. Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn của lốp xe, nước làm mát, hệ thống đèn trên xe… trước khi lên đường.

Khoảng cách tại các con đường đèo núi thường nhỏ, chỉ đủ để hai xe Container có thể di chuyển ngang nhau. Vì vậy, khi di chuyển cần bám phía đường đúng hướng đi của mình. Luôn đảm bảo đúng quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Vì lý do an toàn, các đoạn đèo dốc luôn có một hệ thống biển báo, gương lồi san sát nhau. Đi đúng tốc độ cho phép, tuân thủ các biển báo, xem xét đánh giá tầm nhìn, khoảng trống, tốc độ khi muốn vượt xe trước; xi nhan để xin vượt xe.

Khi gặp thời tiết mưa, sương mù, cần sử dụng đèn đúng quy định. Vừa là cách để thông báo cho các xe đi ngược chiều, vừa tạo đủ ánh sáng cho xe di chuyển. Lưu ý những khúc cua dễ xảy ra tai nạn, cũng phải bám vào phần đường bên phải mình di chuyển.

Lái xe chú ý luôn giữ bình tĩnh để xử lý tình huống, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do nguyên nhân này. Vừa qua, vụ tai nạn của chiếc xe chở 21 sinh viên thuộc khoa Quản lý Du lịch là một trong những lời nhắc nhở cho các tài xế lái xe đường dài, đặc biệt đường đèo núi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm