Xử lý sự cố tạm thời để đến gara gần nhất (phần 1)

Sự cố về lốp có thể xảy ra ở bất cứ đâu

 Có những sự cố có thể khắc phục tạm thời để đi đến gara gần nhất, cũng có sự cố bất khả kháng phải cần đến cứu hộ hoặc sự trợ giúp từ bên ngoài. Dù tự xử lý được hay không thì những sự cố được chia sẻ sau đây sẽ cho bạn kinh nghiệm, ít ra là sự bình tĩnh khi nó xảy đến.


1.    Xẹp lốp hoặc nổ lốp

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

 Trong một chuyến đi từ Đắk Lắk trở về thành phố trên một chiếc xe Matiz đời 2004, bản thân người viết cùng hai người bạn trên xe đã trải qua một tình huống khá nguy hiểm. Do bất cẩn, lái xe không kịp tránh một ổ gà sâu khiến lốp trước bên phải bị nổ, chiếc xe chao đảo và hầu như mất kiểm soát trong tích tắc trước khi được định hướng lao vào lề phải và may mắn đã kiểm soát được tình hình.

Sự cố xảy ra quá nhanh khiến mọi người khi rời xe vẫn chưa hết bàng hoàng, và phải mất một khoảng thời gian thay bánh xe và tĩnh tâm trước khi tiếp tục hành trình.

 

Lái xe hãy tập thay lốp để biết cách xử lý khi cần

  • Giải pháp

Bánh sơ cua đã được các hãng xe hơi nghĩ ra chỉ ít lâu khi xe hơi xuất hiện, nó được xem như vật bảo đảm tương đối cần thiết cho người lái xe đi đến nơi về đến chốn. Công nghệ phát triển cho ra những chiếc lốp xe ngày càng bền, và cũng chính từ đây thói quen kiểm tra áp suất lốp và độ mòn lốp xe thường bị các chủ xe thờ ơ vì trong đầu luôn nghĩ đã bền lại còn có bánh sơ cua nữa thì lo gì nhỉ? Chính vì thế mà có những tai nạn thương tâm khi nổ lốp, người lái hoảng hốt đạp mạnh phanh làm cho việc kiểm soát chiếc xe thêm tồi tệ hơn.

Nếu chẳng may xe bạn chỉ bị xẹp lốp và mất áp xuất từ từ khi cảm nhận tay lái bị nặng, xe ì và có tiếng kêu phạch phạch phát ra thì bạn khá may mắn. Đây là cơ hội để lốp xe của bạn được kiểm tra tình trạng, xem có còn đủ an toàn để sử dụng hay không, mặc dù bạn sẽ phải tốn thời gian tự thay bánh sơ cua hay đi xe tới một điểm vá lốp.

Trường hợp xe bạn bị nổ lốp đột ngột khi đang lưu thông, nhất là lốp trước thì đây là một vấn đề lớn. Ở hoàn cảnh này, hãy cố gắng ghìm tay lái định hướng cho xe, nhả từ từ chân ga rồi từ từ đưa xe vào lề an toàn, bật đèn ưu tiên, tuyệt đối không đạp phanh gấp khiến tình trạng tồi tệ hơn vì mất kiểm soát xe. Bạn chỉ có thể đạp phanh từ từ khi mọi thứ đã được kiểm soát.

Khi tiến hành thay bánh sơ cua cũng phải tuân thủ rút chìa khóa khỏi xe và cho vào túi, kéo phanh tay, cài số 1 khi xe đang trên đường dốc lên và cài số lùi nếu xe đang đậu dốc xuống, kết hợp chèn bánh xe để phòng khi phanh tay bị hỏng, và luôn bật đèn ưu tiên trong mọi trường hợp.

2.    Mất phanh

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Trong một lần chạy chiếc Kia CD5 xuống hết đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) được một đoạn thì anh Tuấn (trú tại Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) phát hiện hệ thống phanh có vấn đề, chân phanh có cảm giác rất nhẹ như bị thụt và phanh không còn ăn như lúc trên đèo, chân phanh nhẹ nên anh lập tức ghìm xe bằng việc trả số và kéo phanh tay.

Đến khi dừng hẳn được xe thì mới nhẹ cả người, hú hồn vì sự cố không xảy ra trên đèo. Kiểm tra toàn bộ thì anh phát hiện thấy ống dẫn dầu phanh ra bánh sau bên phải bị thủng, khu vực này lại hiếm điểm sửa xe nên thật nan giải.

 

Va chạm với vật cản là giải pháp khẩn cấp cuối cùng khi xe bị mất phanh

  • Giải pháp

Mất phanh là sự cố nguy hiểm vào loại hàng đầu, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái và kết cục là cơ hội giảm thiểu tai nạn rất thấp. Cảm giác đạp phanh sâu mà không có tác dụng do đường ống bị mất dầu, hay đạp phanh nhưng cứng đơ do ống dầu bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể xe bị bó cứng phanh,... Tạm bỏ qua nguyên nhân mất phanh, chúng ta hãy tập trung vào vấn đề xử lý khi rơi vào trường hợp này.

Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, song song đó hãy cứ nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi, sử dụng phanh tay nhịp nhàng và vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Tuyệt đối không được tắt động cơ xe, điều này sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, làm việc điều khiển xe thêm khó khăn.

Tình huống xấu nhất mà bạn sẽ phải chọn là cho xe va chạm với một vật cản, và hãy giữ đủ bình tĩnh để lựa chọn vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn, hoặc nếu có va chạm với vật cứng như con lươn, vách đá, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ, tránh va trực diện.

Trở lại trường hợp của anh Tuấn và đây có lẽ là một trong những trường hợp may mắn nhất mà Autocar Vietnam ghi nhận được khi xe mất phanh. Anh quyết định thực hiện theo cách mà các tài xế có kinh nghiệm thường làm là dùng kìm bóp bẹp đầu ống bị hở để không cho dầu thoát ra làm giảm áp suất, tức là lúc này, cơ chế tác dụng phanh chỉ có hiệu lực trên 3 bánh còn lại, và anh đã tiếp tục hành trình đến gara gần nhất khắc phục lại hệ thống phanh.

Với những trường hợp đường ống dẫn dầu phanh bị thủng ở phần ống kim loại, lái xe có thể dùng dây cao su buộc thật chặt nhiều vòng cũng có thể tạm khắc phục.

3.    Phải phanh khẩn cấp

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Vào lúc 11h đêm, chiếc xe Nissan Altima 1993 của anh S đang đi qua khu dân cư mới ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh với tốc độ chừng 50km/h, bất ngờ có xe máy lao qua trước mặt ở ngay góc ngã ba khiến anh vừa phanh vừa đánh lái để tránh.

Chiếc xe mất lái lao thẳng qua hè và chỉ chịu dừng lại khi một bánh trước đã hổng xuống con mương gần đó, hậu quả làm vỡ nát cản trước, móp cửa phụ và bể kính trước, cong trụ A do va vào cây trên lề, cũng may không có thương vong và hư hại động cơ. Anh phải hạ tất cả các kính xuống và tiếp tục chạy về nhà trong điều kiện không có kính chắn gió trước.
 

Với xe có ABS, khi cần phanh gấp, hãy đạp thật mạnh và giữ chân phanh rồi đánh lái tránh chướng ngại vật

  • Giải pháp

Trong những tình huống phải phanh khẩn cấp, người lái luôn đặt chân đúng vị trí và hai tay luôn đặt trên vô-lăng ở vị trí thuận tiện thì hiệu quả phanh sẽ cao hơn. Vị trí đặt bàn chân phải đối diện bàn phanh, luôn lấy trụ là gót chân sẽ cho hiệu quả phanh mạnh nhất và không bao giờ phạm vào lỗi đạp nhầm châm ga. Cần tránh thói quen nhấc chân qua lại giữa phanh và ga làm giảm nhịp, thậm chí đạp bị trượt dẫn đến chậm trễ trong việc thoát rủi ro.

Trường hợp xe có hệ thống ABS thì cứ đạp mạnh phanh và giữ chắc chân phanh, đồng thời kết hợp đánh lái nếu cần phải tránh chướng ngại vật, mặc cho ABS tự xử lý nhấp nhả chống bó cứng. Với những xe không có hệ thống này, lái xe phải phải nhấp nhả liên tục, tránh cho xe bị bó phanh và trượt mất lái, nhưng người lái cần có kinh nghiệm để làm việc đó.

Những xe có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA cũng nên cẩn thận trong từng trường hợp. Nếu không cần thiết phanh gấp nhưng hệ thống nhận thấy khoảng thời gian rời chân ga và đạp phanh trong giới hạn quá nhanh, mặc nhiên hệ thống này sẽ hoạt động bất kể đạp nhẹ hay mạnh làm cho xe dừng khẩn cấp, dẫn tới xe sau có thể phanh không kịp.

Trong tất cả mọi trường hợp, tuyệt đối không được cắt côn khi đạp phanh, nhất là trong điều kiện xe đang chạy tốc độ cao, bởi điều đó có thể làm xe trôi tự do theo quán tính nhanh hơn.

4.    Bỗng dưng chân côn bị xìu

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Một thành viên của diễn đàn Otosaigon khi chạy chiếc Ford Everest lúc trời đã nhá nhem tối bên Phú Mỹ Hưng, Q.7, gần giao lộ Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Văn Linh thì bỗng dưng chân côn xìu xuống, xe không thể cắt côn và thay đổi số theo ý được, lại dễ tắt máy khi giảm tốc. Ngay lập tức, người lái cho xe từ từ chạy tấp vào lề đường và cũng nhanh trí bật đèn cảnh báo ưu tiên. Thời gian tối muộn nên khó có thể tìm kiếm được thợ hoặc gara ở khu vực đó, anh đã nghĩ tới việc gọi xe cứu hộ.

  • Giải pháp

Cái bệnh hỏng cupen ambraya như cái duyên, có người đi hết xe này đến xe khác nhưng chưa bao giờ “dính”, nhưng cũng có người bị vài lần trong cuộc đời chạy xe. Chắc chắn khi bị lần đầu, các chủ xe sẽ rất lúng túng và không biết xử trí ra sao.

Người lái chiếc Everest trên đã quá may mắn khi có một người đi đường giàu kinh nghiệm trong tình huống này hướng dẫn anh quay trở vào xe, trả phanh tay, đặt vị trí cần số ở số 3, đề máy và hơi đạp chút ga để chiếc xe khỏi bị chồm lên, duy trì đèn ưu tiên và chạy tốc độ chậm, cứ thế, chiếc xe cũng về đến nơi sửa chữa. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có thể thực hiện trên những con đường tương đối thưa xe và ít người.

5.    Vỡ kính xe

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Một thành viên diễn đàn Otofun đang chạy xe với tốc độ cao trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thanh Hóa thì bỗng… “rầm”, một hòn đá to hơn nắm đấm, nặng khoảng gần 1kg từ trên đỉnh núi rơi xuống xuyên thủng kính lái. Rất may, người lái vẫn giữ được bình tĩnh và kìm vô-lăng cho dù bị giật mình, còn hòn đá sau khi làm vỡ kính lái đã rơi vào giữa hàng ghế trước nên không có thương vong về người.

 
Hãy cẩn thận khi đi phía sau các loại xe tải chở vật liệu xây dựng
  • Giải pháp

Kính lái xe hiếm khi bị vỡ ngoại trừ có va chạm mạnh từ phía trước hay bị đá văng trúng. Nhưng nếu có lỡ bị vỡ, bạn cũng nên biết cách tạm khắc phục để chạy đến nơi có thể thay thế. Nếu chỉ là đường rạn nứt kiểu chân chim thì bạn có thể cố định bằng vài lớp băng keo trong bản lớn. Nếu kính đã bị vỡ vụn rồi thì chỉ còn cách sống chung với gió, khi đó, điều đầu tiên là chạy với tốc độ chậm, bật đèn ưu tiên và nhớ hạ nốt những cửa kính còn lại để tránh cho gió đi lòng vòng ù ù trong xe.

Nếu như những kính cửa sổ hoặc kính hậu bị vỡ thì bạn cũng nên tạm quên điều hòa mà sống chung với gió thiên nhiên, vì nếu dùng báo hoặc bìa che tạm thì có thể sẽ làm giảm đáng kể tầm quan sát phía sau.

Nhân đây, người viết cũng xin khuyến cáo các chủ xe nên trang bị búa thoát hiểm nhỏ gọn dành cho ôtô để đề phòng những trường hợp khôn lường khi cần thoát ra khỏi xe. Vật dụng này rất nhỏ gọn, không chiếm chỗ nên cần bố trí ở những chỗ dễ dàng lấy nhất cho cả 4 vị trí trên xe.

6.    Xe mất đèn pha

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Anh Cường (trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) trong lần đi công tác ở Bà Rịa – Vũng Tàu với chiếc Toyota Corolla 1996 đã rơi vào một tình huống rất khó xử. Xe đang di chuyển trong đêm thì đèn pha phụt tắt, nơi xảy ra sự cố lại ở nơi hoang vắng, lại xa nhà nên không có gara để sửa chữa.

 

Luôn kiểm tra cầu chì trước tiên khi có sự cố về điện, và đây là ký hiệu cầu chì đèn pha

  • Giải pháp

Phần lớn xe bỗng dưng bị tắt đèn chiếu sáng phía trước đều do cầu chì bị đứt hoặc bóng đèn tới lúc bị hỏng, nhưng cũng rất hiếm khi cả hai bóng cùng hỏng một lúc. Đầu tiên kiểm tra các bóng đèn bằng việc quan sát trực quan. Nếu các bóng còn tốt thì bước tiếp theo là kiểm tra hộp cầu chì. Nếu biết chút ít về điện, bạn có thể quan sát sơ đồ bố trí cầu chì trên nắp hoặc dưới nắp hộp có ghi ký hiệu rõ ràng. Nếu có cái nào bị đứt thì lấy cầu chì dự phòng có chỉ số tương đương để thay thế.

Nếu như tất cả cầu chì đều tốt mà đèn lái vẫn không sáng thì có hai nguyên nhân, một là dây điện bị đứt, hai là cần điều khiển công tắc đa chức năng bị hư hỏng mạch tiếp xúc (rất ít khi xảy ra), trường hợp này cần thợ điện xe ôtô xử lý.

Sau khi đã kiểm tra kỹ càng, anh Cường nhận thấy hệ thống đèn xe của mình bị hỏng mạch của cần điều khiển. Rất nhanh, anh lấy đoạn dây điện và đấu nối trực tiếp nguồn từ bình ắc-quy với đèn chiếu sáng phía trước để chạy tiếp trước khi tìm nơi sửa chữa.

7.    Ắc-quy hết điện, không khởi động được máy

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Anh Hùng (ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh) mới mua một bình ắc-quy mới gắn cho xe hơi của mình, nhưng chỉ một thời gian ngắn xuất hiện tình trạng để xe chỉ khoảng 3 - 4 ngày không đi thì hết sạch năng lượng, không khởi động được xe. Thợ sửa xe phán rằng ắc-quy không lưu được điện, anh liền mang ắc-quy đi kiểm tra thì nhà cung cấp cho biết là ắc-quy vẫn bình thường. Anh rất bối rối, rồi lại nghi ngờ máy phát điện không hoạt động. Rồi một ngày đi công tác, sự cố này lại lặp lại.

Khi ắc quy hết điện, dây câu sẽ phát huy tác dụng nếu có xe khác hỗ trợ

  • Giải pháp

Sự cố bỗng dưng hết điện ắc-quy chẳng có gì là ghê gớm, nhưng nó lại gây phiền hà và khó chịu vô cùng vì khiến bạn tốn thời gian. Nếu bạn đang chuẩn bị kế hoạch di chuyển mà rơi vào hoàn cảnh này thì thật ức chế.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho bộ phận lưu trữ và cung cấp điện cho chiếc xe khởi động bị hết điện (ngoại trừ tình trạng bình ắc-quy bị hỏng do đã dùng quá lâu). Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới là máy phát điện (dynamo) có vấn đề dù trước đó vài lần bạn khởi động xe tốt.

Nguyên nhân tiếp theo có thể là xe bạn đã gắn thêm đèn và hệ thống âm thanh, nên khi đang chạy bình thường thì không sao do ắc-quy được nạp liên tục, nhưng khi xe không nổ máy trong khi các hệ thống đó vẫn được bật thì năng lượng sẽ bị hao hụt, dẫn đến đề yếu hoặc không nổ được máy.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến ắc-quy bị hết điện là xe bị chạm mát. Việc xác định thiết bị hay điểm nào gây chạm mát để xử lý là điều không dễ dàng và đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm chuyên môn. Bằng cách tháo cọc âm (-) của bình ắc-quy trước khi đỗ xe dài ngày không sử dụng, bình ắc-quy không bị mất điện, nhưng lại phiền phức mỗi khi lên đường.

Nhưng anh Hùng đã gặp may khi được một chiếc taxi đỗ gần đó hỗ trợ. Anh lấy trong cốp ra bộ dây câu bình mà anh mua dự phòng theo lời khuyên của một người bạn lái xe lâu năm, kẹp hai đầu cực tương ứng của hai bình ắc-quy trên hai xe (xe của anh và xe taxi). Sau đó anh bước vào xe rồi vặn chìa khóa. Động cơ lại “bừng tỉnh” như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, anh đã gác lại công việc để đưa xe đến gara gần nhà và phát hiện ra rằng xe của anh bị chạm mát. Công việc lúc này thuộc về người thợ.

Một trường hợp may mắn là với những xe số sàn, ắc quy vẫn còn một chút năng lượng và xe đang đỗ ở trên dốc xuống thì có thể lợi dụng dốc để khởi động máy. Cài số rồi đạp côn cho xe trôi tự do, rồi khi xe đã có đà thì nhả côn. Nếu ắc quy đã hết sạch năng lượng, hoặc xe số tự động thì nhất thiết phải có ứng cứu từ bên ngoài.

8.    Khói bốc ra từ gầm xe

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Anh Vương chạy chiếc Honda Accord 1993 từ Sài Gòn đi tỉnh Bình Phước, lúc gần tới nơi cho xe táp vào bên vệ đường nhưng không tắt máy và ra ngoài xe “làm nhẹ cơ thể”. Khi “sự sung sướng” chưa kịp trọn vẹn thì anh tá hỏa thấy khói bốc lên từ gầm xe, chạy nhanh lại cúi xuống quan sát thì phát hiện bọc bao xốp bám vào cổ ống xả đang dúm dó cháy và chảy thành từng giọt rơi xuống bãi cỏ tươi.

 

Dừng xe trên rơm rạ khô lúc đang nổ máy có thể dẫn tới nguy cơ thiệt hại nặng (ảnh chỉ mang tính minh họa)

  • Giải pháp

Thực tế trong những năm qua cho thấy sự cố cháy dưới gầm xe xảy ra không nhiều. Tuy nhiên, một số trường hợp không may mắn đã gây thiệt hại rất lớn cho chủ xe (thường là dẫn đến cháy toàn bộ xe), thậm chí gây thương vong cho con người, mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do rơm rạ phơi trên đường quấn vào gầm xe tại vị trí cổ ống xả và bị cháy.

Trở lại trường hợp của chiếc Accord trên, anh Vương nhanh chóng bẻ cành điều gần đó khua lia lịa mới dập được cái bao xốp đang cháy dở. Trong trường hợp này, anh đã quá may mắn vì đậu xe trên bãi cỏ tươi và ngọn lửa chưa bùng phát, nếu là cỏ khô thì không biết hậu quả sẽ như thế nào? Nguyên nhân được xác định là cổ ống xả bị lủng lỗ kèm theo không tắt động cơ nên sinh ra nguồn nhiệt gây cháy.

9.    Xe rung bất thường

  • Khoảnh khắc đáng nhớ

Trong một chuyến đi chơi ở Yên Bái cuối năm 2012, chiếc Kia Pride CD5 đời 2001 của anh Quý Lâm ở Đông Anh – Hà Nội bỗng dưng bị rung bất thường, thậm chí có lúc chết máy. Khi khởi động, động cơ vẫn nổ ngay, nhưng rất rung kể cả ở chế độ không tải và chạy rất yếu, mặc dù trước đó xe vẫn êm, khỏe và đã leo qua rất nhiều con dốc gắt và dài.

 

Chuột có thể là thủ phạm gây ra nhiều sự cố về điện

  • Giải pháp

Một chiếc xe đang hoạt động bình thường khó có thể có những triệu chứng rung lắc bất thường, ngoại trừ trường hợp vừa có hư hại trước đó như lốp xe bị biến dạng, phình cục bộ hoặc cán phải đá nhỏ sắc cạnh rồi bám dính nhô cao hơn bề mặt lốp, khiến cho xe rung theo nhịp, sập mạnh xuống ổ gà ảnh hưởng đến hệ thống lái và dàn gầm, la-zăng xe va đập mạnh nên bị méo, đổ phải xăng kém chất lượng khiến cho động cơ hoạt động cà giật.

Bốn lốp xe không đều, quá mòn hoặc quá căng do áp suất cao, bản thân ghế lái không vững và chắc chắn, cao su chân máy và cao su treo ống xả bị vỡ,… Với những trường hợp này, xe rung lắc khi chạy, nhưng máy vẫn khỏe và êm, đặc biệt là không có biểu hiện gì khi chạy không tải.

Tuy nhiên, xe bị rung lắc còn do các nguyên nhân phức tạp hơn như hệ thống đánh lửa và nạp nhiên liệu hoạt động không tốt hoặc tiếp xúc kém (do chuột cắn đứt dây của béc phun hoặc mobin, hoặc do dây cao áp của bộ chia điện hở khiến điện phóng ra ngoài mà không đánh vào bu-gi), ly hợp mòn nên khi đề pa xe bị giật.

Anh Quý Lâm nhận thấy rằng xe của mình không có gì bất thường về lốp hay cơ cấu điều khiển, lại rung ngay cả khi chạy không tải, nên yếu tố nhiên liệu và điện đã được “khoanh vùng”. Nhiên liệu tiếp tục được loại bỏ, bởi xăng đã được đổ từ vài ngày trước đó và chạy bình thường. Các đường dây vẫn không có gì bất thường. Anh quyết định rút một đầu bu-gi ra và khởi động lại, xe có vẻ rất khó nổ và rung mạnh hơn.

Cắm lại đầu bu-gi và rút đầu thứ hai, biểu hiện vẫn như lần thử thứ nhất. Đến lần thứ ba thì xe vẫn dễ nổ, nhưng rung như lúc ban đầu trước khi làm phép thử. Anh lấy chiếc bu-gi dự phòng thay vào vị trí thử thứ ba này, và như có phép màu, chiếc xe lại êm ru như chưa có chuyện gì xảy ra.

Sự cố mà anh Lâm gặp phải được ghi nhận trong khá nhiều trường hợp, đặc biệt đối với những dòng xe đã nhiều năm sử dụng mà không được chăm sóc và thay thế bu-gi. Nhiều lái xe thậm chí chỉ quyết định thay bu-gi khi bị hỏng. Khi một trong số các bu-gi bị chết, sẽ gây hiện tượng bỏ máy, và nếu bỏ máy thì động cơ bị yếu là điều tất yếu. Trong trường hợp đó, nếu người lái giữ ga ở mức cao xe vẫn chuyển động được, nhưng nhả ga thì có thể chết máy.

(Còn tiếp... )

Theo AutoCarVietNan.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm