Người Việt tại Czech: Vươn lên từ phận làm thuê

Sáng sớm thức dậy ở Cheb trong cái lạnh dễ chịu, ngửi mùi thơm cà phê, bánh nướng và tiếng nhạc Phú Quang “Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gẫy. Thôi đành ru lòng mình vậy..., tôi cứ ngỡ như mình đang ở Việt Nam.

Qua rồi, thời gian khó

Cô chủ nhà - Thanh Bình, bạn tôi tươi cười đon đả: “Bún sườn dọc mùng, cà phê Buôn Mê Thuột, trà Thái Nguyên, mời cả nhà nào!”. Chồng Bình đang ngồi nhâm nhi tách trà Thái Nguyên pha trong bộ ấm Bát Tràng tôi vừa mang sang làm quà. Bộ ấm trà giản dị, vượt hành trình xa đến nơi này bỗng nhiên thấm đẫm chữ tình chốn quê nhà.

Căn hộ chung cư của vợ chồng Bình nằm bên bờ sông Ohre, thuộc khu Zlatý Vrch yên bình, thơ mộng. Món bún sườn Bình nấu thật ngon, hương vị chẳng khác gì quê nhà, có đĩa rau xanh với những lá xà lách, tía tô tươi ngon, chén nước mắm Phú Quốc thả ớt xắt hấp dẫn. Bình nói nơi đây chẳng thiếu thứ gì, từ rau thơm, nước mắm, mắm tôm, riêu cua, ốc bươu đóng hộp… được chở bằng máy bay từ Việt Nam sang, đến nhiều loại rau mà người Việt tại Cheb trồng được.

Chồng đi làm, Bình vừa uống trà vừa kể chuyện về những ngày gian khó cuối những năm 1980. Khi đó, hai vợ chồng cô đi xuất khẩu lao động và cưới nhau tại Đức. Họ cùng trải qua những ngày làm việc vất vả trong nhà máy, lăn lộn kiếm từng đồng ở chợ trời, rồi chân ướt chân ráo từ Đức qua Tiệp Khắc (cũ) năm 1993… Cuối cùng, họ định cư ở Cheb, một thành phố nhỏ yên bình của Cộng hòa Czech, sát biên giới Đức.

“Thoắt cái đã hơn hai mươi năm, hai đứa con trưởng thành, vào đại học, vợ chồng em mới tạm nhẹ gánh, có thời gian sống thảnh thơi, không tối mắt tối mũi kiếm tiền nữa” - Bình nói.

Bạn tôi, cũng như nhiều người Việt khác ở Cheb, khi dành dụm được số vốn nhất định ai cũng mở cơ sở kinh doanh riêng để không phải vất vả làm thuê nữa. Chồng Bình giờ quản lý cửa hàng game điện tử, còn cô mở tiệm may tại phố đi bộ Svobody. Tiệm may của Bình khá khang trang, sản phẩm đa phần là những bộ váy, áo dài duyên dáng. Nhìn Bình trò chuyện vui vẻ với khách hàng tới nhờ sửa quần áo, đặt may mới, tôi cảm nhận được niềm vui của cô cũng như của bao người Việt khác khi quyết định chọn đất nước Czech làm quê hương thứ hai.

Hiện nay, nhiều người Việt tại Cheb đã có công ty riêng, doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng dịch vụ, buôn bán tự do... Ít ai còn làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp của địa phương. Thu nhập của công nhân nhà máy tại Cheb quy ra khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, theo Bình là đủ sống thoải mái bởi giá cả sinh hoạt nơi đây cũng rẻ.

Chị Yến tại tiệm American Nail của mình.

Anh Vũ Đình Duyên và vợ tại siêu thị gia đình.

Công nhân người Czech làm việc tại Công ty Vinapis.

Chủ Việt,  công nhân Czech

Có một niềm tự hào “không hề nhẹ” khi chúng tôi đến thăm Vinapis, một công ty xuất nhập khẩu hoa kiểng 100% vốn của người Việt, trụ sở tại Karlovy Vary. Giám đốc Vinapis là anh Vũ Đình Duyên, vốn là một công nhân xuất khẩu lao động từ Nghệ An sang Tiệp cuối những năm 1980. Cần cù lao động, dành dụm được một số vốn, anh lập doanh nghiệp riêng, đưa gia đình từ Việt Nam sang làm ăn, sinh sống.

Gia đình anh Duyên có siêu thị mini bán đủ loại hàng hóa, trong đó có nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Hai năm trước anh cùng bạn bè góp vốn thành lập công ty kinh doanh hoa kiểng. Hiện đoàn xe container của Vinapis có mặt ở nhiều nước châu Âu, nhập khẩu và phân phối hoa kiểng tới nhiều địa phương ở Czech và một số nước lân cận. Ngoài người Việt, Vinapis còn sử dụng nhiều công nhân người Czech.

Ngoài giờ làm việc, dịp cuối tuần, vị giám đốc gốc nông dân-công nhân ấy lại về nhà phụ vợ bán hàng trong siêu thị của gia đình ở Dolní Kamená. Mới đây, anh chị đã đón đứa cháu nội đầu tiên, một thành viên thế hệ người Việt thứ ba ra đời trên đất khách. Họ chỉ mong lớp trẻ Việt mới sẽ không vất vả, gian truân như ông bà thuở nào.

Quyết giữ  hồn Việt trên xứ người

Sáng cuối tuần, chị Phạm Thu Hương mời tôi đi ăn sáng ở quán Hương Quê, tọa lạc tại khu thương mại Dragounska. Đây là quán ăn nổi tiếng của người Việt, địa chỉ hẹn hò của đồng hương Việt và phần lớn thực khách là người Cheb và Đức từ bên kia biên giới qua. Quán bán đủ món bún riêu, bún ốc, phở, miến ngan, bún chả, cá chép kho riềng, giả cầy… Ngoài bàn chúng tôi, hầu hết khách còn lại là người nước ngoài.

Chủ quán Quê Hương là bà Nguyễn Thị Đức, đến Tiệp Khắc (cũ) vào năm 1992 theo diện hợp tác lao động. Năm 1996 bà mở quán, chỉ định nấu món Việt bán cho người Việt, không ngờ Hương Quê lại thu hút nhiều thực khách người bản xứ. Thực khách từ bên kia biên giới Đức theo lời đồn cũng tìm đến Hương Quê ngày càng nhiều. Rồi du khách tứ phương cũng tìm đến theo chỉ dẫn của các báo, tạp chí nước ngoài như một địa chỉ ẩm thực nên đến.

Chị Thu Hương cười, bà Đức giờ nổi tiếng như một “đại sứ ẩm thực Việt” ở Cheb rồi, bà dời quán Hương Quê đến đâu là thực khách theo bà đến đó. Có thể nói món ngon Việt nói chung, quán bà Đức nói riêng là niềm tự hào của cộng đồng Việt tại Cheb về nghệ thuật ẩm thực Việt, là nơi chốn hẹn hò của nỗi nhớ hương vị quê nhà.

Nhân nói chuyện này, Bình và Hương, hai thành viên ban chấp hành của hội phụ nữ Việt Nam tại Cheb và các vùng lân cận, đều cho rằng các gia đình Việt ở đây rất có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa Việt, trong đó có ẩm thực. Hội phụ nữ tại Cheb đã cố gắng truyền cảm hứng tích cực đến 190 hội viên để họ luôn giữ gìn hồn Việt trên đất khách, thể hiện qua việc tôn vinh tà áo dài, chuẩn bị bữa cơm gia đình thuần Việt… Không nhà nào có người giúp việc, chị em vừa giỏi việc nhà, vừa gánh vác việc kinh doanh mưu sinh cùng chồng. Cũng nhờ chị em, nhiều phụ nữ Czech đã biết đến và ngưỡng mộ tà áo dài Việt.

* * *

Những gian khó một thời đã lùi xa. Tại Cheb, người Việt được coi là một trong những cộng đồng nước ngoài thành công. Thế hệ người Việt thứ hai được sinh ra ở Czech, kết quả của bao hy sinh, nỗ lực lao động, vượt qua bao thử thách trên xứ người của cha mẹ, đã hòa nhập tốt, trưởng thành và là niềm tự hào của cha mẹ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cộng đồng người Việt tại Cheb có khoảng 3.000 người, lúc cao nhất tới 5.000 người. Đa số người Việt ở đây là lưu học sinh sang học đại học, học nghề hoặc xuất khẩu lao động. Cũng có nhiều người được người thân đưa từ Việt Nam sang làm việc cho các công ty, cơ sở sản xuất của gia đình theo hợp đồng lao động hay du lịch dài hạn sau này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm