Nhà hai mái thuở ấy

Tôi quyết định về quê để chỉ huy cất lại căn nhà cho thằng em út. Vợ chồng nó rách quá, tôi phải tính toán, cho thêm. Còn lý do ẩn sâu, làm ray rứt lòng tôi nhiều năm tháng, đó chính là căn nhà cũ của ba má tôi để lại và là nơi thờ tự ông bà nội tôi. Khi tốp thợ dỡ nhà ra thì mọi thứ dường như mục nát. Má tôi qua đời đã 32 năm, ba tôi cũng mất đã 19 năm, tính ra căn nhà đã suýt soát
50 tuổi.

Gặp lại những ân tình

Sờ lên những cây kèo, cây cột, nơi ba tôi đóng cái nhánh cây hình thù tương tự cái sừng nai để ông mắc nón, tôi nghe tay mình run lên vì bắt gặp những quen thuộc của một gia đình nông dân rất xưa cũ.

Ở đó có đời cha mẹ nghèo tơi tả manh áo, có anh em hiu hút những bữa cơm rau ruộng mắm đồng. Giờ cha mẹ đã về nơi xa khuất, anh em kẻ mất người còn, cái gia đình ngày cũ đã tan đàn xẻ nghé từ lâu lắm. Tôi sống đói lạnh, buồn vui trong căn nhà ấy từ khi lọt lòng mẹ cho đến năm 16 tuổi thì thực hiện một chuyến đi dài, xa xôi, biền biệt.

Gần 40 năm sống đời kẻ chợ, có những đêm mưa tôi giật mình ngơ ngác nghe trong tiềm thức có tiếng mưa thu rắc nhẹ trên mái lá nhà xưa. Trong những đợt gió bấc về se lạnh khi cận tết, tôi lại nghe mấy ngọn gió xuân nôn nả thổi xạc xào, reo vui mái lá ở hai đầu song nhà cũ. Thế là tốc mùng ngồi dậy mà ngơ ngác kiếm tìm, rồi tự hỏi đó có phải là tiếng quê, là hồn của đất địa nương náu trong căn nhà ngày cũ mà làm lòng ta nức nở đến như thế. Thời gian cứ đi miết, tóc xanh rồi tóc bạc, nhà cũ đã xa xôi như một cánh nhạn ở lưng trời, vậy mà nó hằn sâu trong tâm khảm, thành miền cố hương làm thổn thức đời ta.

Ảnh: CD

Nhà cũ của tôi là một loại nhà ba căn, hai mái hình chữ V ngược mà ta thường thấy ở đồng bằng sông Cửu Long thời trước. Nhà nằm bên bờ sông, phía phải là một hàng dừa, bên trái là một đống rơm khô, có con trâu nằm nhai cỏ. Sau nhà là một cái sàn lảng, nơi má tôi làm cá nấu cơm. Sau nữa là cái ao có chiếc cầu ao xinh xắn, nơi chị tôi, em gái tôi ra ngồi giặt áo rồi ngơ ngác kiếm tìm mùi hoa sen, hoa súng. Xa ngoài kia là cánh đồng chạy ngút tới chân trời, chiều xuống ai đốt lửa để khói đốt đồng dâng cao trong chiều tím làm tím cả lòng ta.

Đời làm báo ngược xuôi khắp miền Tây Nam Bộ, ở đâu từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá, Hậu Giang… tôi cũng bắt gặp hình ảnh của cố hương mình. Căn nhà hai mái ấy và đất Hậu Giang chằng chịt sông ngòi, ruộng đồng bát ngát, vườn tược xum xuê cộng hưởng như một thực thể máu thịt, dệt nên những làng quê miền Tây thơ mộng, hiền hòa và buồn dìu dịu. Chính cái hồn phách ấy chẳng những làm nên đồng dao mà còn đi vào thơ ca và vào tâm thức chúng ta. Để rồi khi nắng hạ, mưa thu, dù ở tận đẩu tận đâu ta cũng nghe đau đáu về cội rễ của mình.

Nhà hai mái - nét  chấm phá đầy sáng tạo

Khoảng 30 năm về trước, nhìn làng quê toàn nhà hai mái tôi nghĩ nếu mà tách ngôi nhà hai mái ra khỏi quê miền Tây thì sẽ như thế nào nhỉ? Chắc hẳn làng xưa sẽ mất đi một nét chấm phá cơ bản, hồn phách của quê hương sẽ nhạt nhòa.

Tôi có một người bạn tên Nguyễn Thanh Tuấn, là giám đốc công ty nhà gỗ Cát Tường ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Tuấn chẳng những giỏi về nhà gỗ mà còn làu thông văn hóa kiến trúc cổ, từng được một tổ chức văn hóa Pháp mời sang Pháp dựng nhà cổ để bảo tồn kiến trúc cổ châu Á. Tôi hỏi Tuấn: “Ngôi nhà hai mái ở ĐBSCL có dính líu gì với ngôi nhà thuần Việt?”. Tuấn bảo: “Có! Ngôi nhà thuần Việt có bốn mái, nhưng mỗi vùng miền có nhiều cái khác biệt, như ở Bắc Bộ thì có nhà kẻ tuyền, ở Trung Bộ có nhà rường Huế, còn ở ta có nhà rường Nam Bộ. Ngôi nhà hai mái ở ĐBSCL là một sự cải biến đầy tính sáng tạo của người nơi đó”.

Nhà của người Nam Bộ nằm bên những cánh ruộng bao la. Ảnh: BST

Nghe Tuấn nói tôi nhớ lại chuyện cũ của gia đình mình. Ba má tôi cả đời mơ ước một căn nhà gỗ tràm, kê tán, xuyên xạnh, đòn tay bằng gỗ dầu mà không sao làm được. Bởi vì thời đó chiến tranh liên miên, nền nông nghiệp thì lạc hậu, cho nên đói nghèo, chết chóc cứ vây lấy. Mà nào chỉ có ba má tôi, cả làng quê tôi và đa phần nông dân ĐBSCL đều như thế. Nông dân ĐBSCL xưa có câu: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó khăn!”.

Đa số nông dân miền Tây xưa đều xuất thân từ những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực ba, bốn trăm năm trước. Họ một thân trơ trọi từ miền Trung, miền Bắc vào khai phá. Hơn nữa, thời đó đất đai của địa chủ, tá điền chỉ làm ruộng thuê. Sống trên mảnh đất của chủ ruộng, không được trồng cây lâu năm, chết phải mang trầu cau đến lạy xin đất để chôn thì lấy thổ cư đâu mà làm nhà. Điều này lý giải vì sao ngôi nhà xuất phát điểm của nông dân ĐBSCL là tạm bợ. Đầu thế kỷ 20, miền Tây có một câu thành ngữ: Nhà đá, nhà đạp. Nghĩa là nông dân che chòi, dựng lều trên bờ kinh, thềm đìa để ở tạm trú mưa nắng mà gặt mướn hoặc thuê đất làm, đến khi ra đi chỉ cần đạp một phát là căn nhà ấy đổ sập xuống kinh, mương.

Tóm lại, trừ một ít nhà của các địa chủ giàu có, ĐBSCL từ đầu thế kỷ 20 trở về trước rất ít có nhà đẹp, nhà kiên cố, chủ yếu là nhà lá, cây rừng. Tập quán này đã làm xuất phát thành ngữ “cây nhà lá vườn”. Nghĩa là mái nhà bằng lá dừa nước mọc đầy bến sông, còn cây làm khung nhà thì mọc ở cụm rừng sau hậu đất. Nó thường là bần, mấm, trâm bầu... Sau này bổ sung thêm tràm, đước.

Làng tôi xưa, khi trời gầm gừ chuẩn bị sa mưa khoảng tháng Ba, Tư âm lịch là cả làng chộn rộn làm nhà. Gia chủ đốn lá phơi khô, vớt cây dưới đìa lên sẵn rồi đi xem ngày lành tháng tốt để định ngày dựng nhà. Cứ thế, cả xóm đến giúp, chủ nhà chỉ lo ba bữa cơm và có một tí “cay cay” vào buổi chiều kết thúc. Thậm chí sui gia, dâu rể, cháu chắt… còn đến trước mấy bữa tiếp che lều, giở gỗ, bào cây. Ngày xưa loại nhà “cột cặm lá rừng” không thuê mướn bao giờ. Bà con lối xóm đến giúp thành thạo, họ làm tất cả những công việc từ dựng sườn, lợp nhà, tề lá, làm buồng… Một thanh niên lợp một ly lá đẹp được mấy bà già lấy đó làm tiêu chuẩn để kén rể, mấy cô gái liếc mắt đưa tình.

Công việc làm nhà nói trên là theo kiểu dạng vần đổi công. Qua đó nó gắn kết tình nghĩa xóm giềng, làm nặng thêm tình nghĩa sui gia, bạn bè, dòng tộc. Đó là một tập quán sống dựa vào nhau, có trách nhiệm với nhau mới có thể sống được hình thành từ xưa của đất mới.

Cây cầu bằng thân dừa thân quen của người dân Nam Bộ. Ảnh: BST

Ngôi nhà của tính  phóng khoáng sẽ về đâu?

Các nhà nghiên cứu tính toán rằng không gian tiếp khách của ngôi nhà đồng bằng Bắc Bộ chỉ chiếm 15% toàn diện tích, còn của nông dân ĐBSCL đến 35%, thậm chí đến 45%. Chính ngôi nhà ba căn, hai mái góp phần hình thành và thể hiện được tính phóng khoáng, hiếu khách đặc biệt của người Nam Bộ.

Sự cai quản, phân định ngôi thứ trong căn nhà hai mái xưa rất rạch ròi, trở thành nếp của gia đình. Người đàn ông chủ hộ thì ở ngôi nhà lớn phía trước, người vợ ngôi nhà sau và con gái thì ở chái bếp. Điều này thể hiện rõ khi có khách đến chơi, khách quý thì uống nước, ăn cơm ở nhà trước, khách riêng của vợ chủ nhà thì ra nhà sau. Và khách của con gái thì dẫn ra chái bếp.

Tôi còn nhớ chị hai tôi và sau này là em gái tôi, họ làm chủ cái giang san chái bếp thật nền nếp. Mùa khô thì bửa củi chất đầy một “cự”, rồi tét lá dừa bó lại thành bó chất đầy trên cây xuyên chái bếp để dễ dàng nhóm lửa. Chái bếp luôn sạch sẽ, gọn gàng vì những người đến xem mắt các cô gái luôn luôn cố tình xem cái chái bếp, họ quan niệm rằng đức hạnh của người con gái phô bày cả trong chái bếp. Chái bếp đặc biệt vui khi nhà có đình đám hoặc chuẩn bị tết, bạn của chị hai tôi, của em gái tôi xúm xít đến làm bánh trái vui đùa thâu đêm. Chái bếp còn là cái hồn của tình cảm gia đình.

Quay lại căn nhà của em út tôi. Dỡ căn nhà cũ xong, với tư cách là một người chỉ huy và hơn hết là anh trai, tôi mời vợ chồng nó đến tham khảo kiểu dáng của căn nhà mới. Hai đứa nó dè chừng hỏi tôi “Hia tính thế nào?”. Tôi bảo: “Mình cất nhà tường nhưng giữ kiểu dáng nhà hai mái của ba má để lại”.

Em dâu tôi mặt buồn so rồi lẳng lặng rút lui hồi nào không biết, thằng em tôi cũng trầm ngâm trần tình: “Hia nhìn thử xem, bây giờ cả xóm mình, cả xã mình rồi cả tỉnh nữa có ai cất nhà hai mái đâu, họ cất nhà một mái hết. Nếu nhà này cất hai mái như xưa thì chẳng những mình làm chuyện lạ mà người ta còn cười em”.

Thế là tôi tự giác chấm dứt vai trò chỉ huy sau khi để lại khoản tiền mà tôi dự tính tài trợ, rồi kêu chủ thầu đến bảo cứ làm theo ý kiến vợ chồng nó. Tôi không giận, chỉ buồn, một nỗi buồn sâu kín, không liên quan đến vợ chồng thằng út.

Thật ra hai đứa em tôi có cái lý của nó. Đã gần 30 năm nay, từ khi phong trào nuôi tôm bùng nổ, đời sống bắt đầu đi lên thì kiểu nhà một mái ở đô thị tràn về. Có nhiều xóm nhà một mái chiếm gần hết. Nó trở thành xu hướng kiến trúc lớn rộng không có gì ngăn cản được. Tôi không chê trách gì nhà một mái, có lẽ sự tiện dụng, dễ làm, rẻ tiền của nó nên người ta mới chấp nhận nhanh chóng như thế. Cái mà tôi buồn, tôi quan tâm là ý thức văn hóa trong kiến trúc truyền thống.

Ai cũng biết rằng nhà một mái xuất phát từ châu Âu do người Mỹ đã du nhập vào từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Đầu tiên nó là khu chung cư của người Mỹ, sau đó lấn dần vào các ấp chiến lược do người Mỹ xây dựng và nó lan ra một số đô thị miền Nam. Nếu tôi không lầm thì trong cảm quan của đại đa số người Việt miền Nam, nhà một mái là nhà của đô thị, chỉ phù hợp với cảnh quan đô thị. Giờ đây nó tràn về nông thôn, bằng một làn sóng bạo liệt nuốt sạch, xóa sạch những căn nhà hai mái truyền thống đầy tính sáng tạo của cư dân ĐBSCL. Tại sao chúng ta không một lần choáng váng về sự xâm thực văn hóa nhỉ?

Giờ đây, mỗi lần về quê, đứng trên mảnh đất yêu thương, đầy kỷ niệm tuổi thơ của mình rồi nhìn căn nhà một mái mới cất của thằng em út, tôi chạnh lòng đến xốn xang. Cũng là một căn nhà khang trang nhưng giống như ai đó bê một khối bê tông sắt thép của thành thị vào đặt giữa làng quê bát ngát ruộng đồng, sông ngòi chằng chịt. Căn nhà giống như một cái chân giả trong thực thể của nông thôn, nó thô kệch đến đỗi xóa mất cái duyên quê. Tôi vào trong nhà, không bắt gặp một thứ quen thuộc, những điều gợi nhớ. Hồn phách nuôi dưỡng những ân tình tấm mẳn của một gia đình nông dân rất xưa cũ đã thật sự rời khỏi căn nhà một mái của thằng em út.

Nhiều năm nay tôi có nỗi buồn về căn nhà cũ của gia đình mình. Đó là niềm lo sợ về sự truyền lửa, cảm thụ truyền thống gia đình của lớp con cháu tôi. Thế là tôi chắt mót hết tiền mời Nguyễn Thanh Tuấn xuống cất cho tôi một căn nhà ba căn, gần giống với nhà rường Nam Bộ để tôi thờ cha mẹ và ông bà tôi. Ngôi nhà không đắt tiền, chỉ suýt soát căn nhà cấp bốn. Vậy mà ở rất mát, làm nhà thờ gia đình rất phù hợp. Được bà con lối xóm khen. Và trên hết là lòng tôi yên ổn được đôi phần.

* * *

Ở quê tôi, cứ gần tết là người ta cất nhà, sửa nhà, trang hoàng nhà cửa để ăn tết. Dĩ nhiên tôi không kêu gọi phải bê nguyên si một căn nhà hai mái cột cặm cây rừng lợp lá dừa nước úp chụp lên làng quê ĐBSCL vào giữa thời buổi hiện đại, kinh tế phát triển. Mà tôi muốn nói đến một căn nhà mẫu mực, khang trang, tiện dụng và kế thừa, rút ra được những tinh túy, hồn phách của căn nhà hai mái truyền thống đầy tính sáng tạo của ĐBSCL. Để cảnh quan ĐBSCL mãi mãi là một vùng đất nên thơ, hiền hòa và buồn dìu dịu, để những đứa con được sinh ra ở đó dù có đi đến đầu ghềnh cuối bãi vẫn đau đáu nhớ về.

So với ba loại nhà thuần Việt đặc trưng của ba miền thì nhà hai mái ở ĐBSCL biến thể theo xu hướng giản đơn trong điều kiện thiếu vật liệu xây dựng và hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng nó vẫn giữ được những cái cơ bản của lối kiến trúc truyền thống.

Nhà hai mái thuở ấy ảnh 4
Nhà người Việt xưa không thể thiếu mảnh sân và đàn gà. Ảnh: CD

ĐBSCL có ba loại nhà: Nhà ba căn và nằm liền kề một dãy nhà chữ “đinh”; nhà ba căn trước, ba căn sau. Đồng thời, còn một loại nhà một hoặc hai căn nằm liền kề là một hoặc hai chái. Sự cách thể của nó đã tạo ra một loại nhà có dáng dấp riêng, in đậm dấu ấn của vùng đất mới. Có thể nói đó chính là văn hóa kiến trúc riêng biệt của ĐBSCL.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm