Cùng doanh nghiệp Thắp lên một ngọn đèn

Năm qua, lại có thêm hàng ngàn DN tiếp tục  phá sản, đình đốn sản xuất, hàng tồn kho ứ đọng... Có quá nhiều lý  do được đưa ra để lý  giải cho việc này. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập  toàn cầu (GIBC), cho rằng thay vì “nguyền rủa” bóng tối, các DN hãy cùng đi tìm ánh sáng.

Chính sách còn nhiều kẽ hở!

. Trước khi nói về các DN, ông  có thể nhận xét về nền kinh tế năm 2013?

 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai

+ Có khá nhiều người cho rằng nền kinh tế trong năm qua không mấy sáng sủa, nhưng theo tôi vẫn có những tín hiệu tích cực nhất định. Ví dụ lạm phát, lãi suất cùng đi xuống, lượng đầu tư nước ngoài có khởi sắc, xuất khẩu tăng. Ngoài ra, dù có nhiều DN phá sản nhưng cũng có thêm các DN mới ra đời… Vì vậy, theo tôi nên lạc quan hơn là bi quan. Bởi lẽ rủi ro luôn đi chung với cơ hội, vấn đề là chúng ta kiểm soát và quản lý nó thế nào thôi.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn về quá trình nâng cao năng lực nền kinh tế thì bản thân tôi có chút lo lắng. Chúng ta có gần 28 năm đổi mới nhưng đã mất quá nhiều thời gian cho việc điều chỉnh và thay đổi chính sách. Ðiều này làm chậm đi các bước phát triển, trong khi mình có thể bước xa hơn nữa. Tôi còn nhớ Giáo sư Trần Văn Thọ từng có ý kiến rất hay: “Việt Nam sắp già mà chưa giàu”. Bởi lẽ chúng ta vẫn từng tự hào nguồn nhân lực trẻ, nhưng thực tế mỗi năm dân số trẻ lại đi xuống mà dân số già thì tăng lên. Ðiều đáng nói là khi dân già tăng lên, GDP lại tăng không kịp trong khi các nước phát triển, khi dân già tăng lên thì lợi thế là họ đã tích lũy rồi. Nói chung, cái giá phải trả cho thời gian là quá đắt.

. Việc nhiều DN phá sản khiến không ít người bi quan, còn ông lại thấy bình thường?

+ Quan điểm của tôi là phải chấp nhận luật chơi. Các DN yếu nên kết hợp với nhau để cùng tồn tại, phát triển hoặc chấp nhận tự rời bỏ cuộc chơi khi mình đuối sức.

Tại sao DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn phát triển, vẫn đóng góp lớn về xuất khẩu?  Nếu DN FDI tăng trưởng như vậy, có nghĩa là vẫn còn những yêu cầu của thị trường để chúng ta xuất khẩu, vẫn có chỗ để chúng ta vươn lên. Do đó, chúng ta hoàn toàn vẫn còn niềm tin ở những DN biết  cách tồn tại theo quy luật của nền kinh tế thị trường thực sự.

Các DN cần nâng cao năng lực để tiếp nhận sự hội nhập quốc tế. Ảnh: CTV

Hiện điều tôi băn khoăn là niềm tin của DN vào thị trường quá thấp. Tức là dù lãi suất thấp, DN có muốn vay để sản xuất nhưng lại mất cơ hội vì thị trường đang đi xuống. Từ đây, việc của nhà nước lúc này là tạo ra những chính sách nhất quán và thực sự hỗ trợ để DN thấy rằng họ vẫn còn có niềm tin, có những điều kiện để giảm thiểu những rủi ro và tiếp tục phát triển.

. Lại nói về chính sách, có điều gì khiến ông còn băn khoăn hay gây khó cho DN không?

+ Trong năm qua, nếu nói chính sách còn tồn tại điều gì thì có lẽ là thiếu một sự nhất quán như tôi vừa trao đổi. Tức là chính sách của chúng ta còn tạo ra nhiều kẽ hở khiến cho những người thực thi chính sách “biến” anh đúng cũng được mà sai cũng được. Có thể chính sách đó tốt, nhưng cách áp dụng chính sách tùy từng cấp, ngành và địa phương lại khiến các DN phải nhức đầu.

Ngay cả với chính sách thuế, nếu bình thường chỉ đơn giản là thu thuế thì không có vấn đề gì vì chúng ta đã có luật. Thế nhưng năm qua khủng hoảng kinh tế, DN khó khăn, lại cộng thêm việc bội chi ngân sách quá nhiều, vì vậy có những cách thu thuế đã gây cho DN có cảm giác giống như “tận thu”. Nhất là những câu chuyện truy thu thuế trong thời gian qua của cơ quan quản lý với rất nhiều DN. Ðiều này phần nào cho thấy rằng từ trước tới nay chúng ta làm không tốt, có thể tạo ra những kẽ hở giữa người đại diện cơ quan quản lý với DN. Ngoài việc DN vi phạm, dư luận có thể đặt dấu hỏi có hay không có sự tiêu cực về quản lý thuế?

 . Phí tiêu cực mà ông nói hiện các DN đều gọi đó là “phí bôi trơn” và họ luôn bị ám ảnh về chi phí này. Quan điểm của ông ra sao?

+ Có thể nói năm 2014 là năm đánh dấu rất nhiều sự kiện hội nhập. Thế nhưng các DN lại đang phải đối mặt với rất nhiều chi phí, thậm chí có cả phí liên quan đến tiêu cực như cách bạn đặt vấn đề. Tôi cho rằng nếu cứ để DN chịu chi phí cao như vậy thì sẽ vô cùng bất lợi khi cạnh tranh với DN nước ngoài.

Tôi cũng biết hiện có một số DN dám kiện cơ quan quản lý nhà nước. Ðiều đó đáng biểu dương, nhưng có lẽ còn quá ít để thay đổi tư duy xin-cho. Ví dụ DN đi vay ngân hàng thì cả hai cùng có lợi, thế nhưng hiện nay việc DN đi vay lại giống như đi “xin”. Chính vì còn những tư duy như vậy mới có chuyện DN phải “chạy” đủ thứ giấy phép. Rõ ràng, nếu không thay đổi tư duy xin-cho thì những vấn đề tiêu cực sẽ còn là căn bệnh trầm kha.

Hiện chỉ số minh bạch của Việt Nam vẫn còn là một thách thức không ít cho nhiều DN nước ngoài đầu tư vào.

Ðừng tự ti vì mình quá bé!

. Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông,  nhà nước có cần “bảo hộ” vừa phải cho DN mà vẫn không vi phạm luật chơi?

+ Trong quá trình gần 28 năm đổi mới, từ 1986 đến nay, có lẽ đây là thời điểm mà những mốc lịch sử tiếp tục được diễn ra với những cơ hội hội nhập. Nói chung, hội nhập đang giúp nền kinh tế vận hành, thậm chí guồng máy, cơ sở luật pháp cũng được điều chỉnh để thích ứng với quá trình hội nhập này.

TPP là một sân chơi sòng phẳng, 12 nước thành viên sẽ không ai cho không ai điều gì. Thế nhưng không thể vì thế mà chúng ta lại quay về bảo hộ. Bởi việc bảo hộ mậu dịch phải biết đi về đâu khi mà cái giá phải trả là quá đắt cho nền kinh tế. Vì vậy, phải chấp nhận luật chơi, anh mạnh thì anh giữ không có thì giao cho người khác làm. Vấn đề ở đây là DN cần nâng cao năng lực để tiếp nhận sự hội nhập như thế nào. Năng lực cụ thể là tài chính, tổ chức con người, công nghệ… Ðể có tất cả những điều này, các DN nên cùng ngồi lại với nhau để chuẩn bị cho thật tốt thay vì tách ra.

Tôi thấy mua bán và sáp nhập (M&A) là điều không xấu và đến lúc chúng ta phải hiểu nó tích cực. Nếu như các DN Việt Nam cảm thấy một mình đơn độc thì tại sao không sáp nhập lại để thành một DN mạnh. Dù sao M&A trong cộng đồng DN Việt Nam sẽ tốt hơn là với DN nước ngoài chứ!

Quan điểm của tôi là “họ” nào cũng được miễn sao đóng thuế tốt, nếu ai muốn giữ “họ” của mình thì phải phấn đấu hơn nữa. Thứ hai, nếu cứ nghĩ mình nhỏ nên ngồi chờ thì không được. DN phải tích cực đổi mới. Dĩ nhiên, ai cũng mong muốn một chính sách tốt nhưng đừng có chỉ dựa vào “cha mẹ” mà phải tự đứng bằng đôi chân của mình nữa. Thắp lên một ngọn đèn trong bóng tối còn hơn là nguyền rủa bóng tối.

Nói chung, đây là thời điểm mà các DN ngoài việc làm mới mình thì cũng nên có suy nghĩ tích cực. Ðôi khi chúng ta phải chấp nhận sự mất mát để phát triển tốt hơn chứ đừng nghĩ mình nhỏ quá nên tự ti.

.  Nói gì thì nói, các DN vẫn cần sự quan tâm từ nhà nước. Ngoài việc cải thiện chính sách, điều mà các DN đang cần là gì, thưa ông?

+ Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn. Quan tâm ở đây là thấu hiểu và gần gũi. Vì tôi hiểu chưa bao giờ cộng đồng doanh nhân lại cần sự quan tâm của các lãnh đạo như lúc này.

Tôi chỉ đặt một câu hỏi nhỏ, hiện có bao nhiêu lãnh đạo quan tâm đến DN bằng cách đi “vi hành”, gắn bó và tìm hiểu họ? Trong khi thực tế hiện nay, dường như cơ quan nhà nước đa số xuống DN kiểm tra là chính. Hoặc nếu lãnh đạo xuống thì chủ yếu xuống các DN nhà nước. Tôi không nói việc lãnh đạo xuống DN nhà nước là xấu, nhưng đừng có nhìn quy mô lớn nhỏ mà mới xuống thăm. Thậm chí có những lãnh đạo khi có sự kiện quan trọng, cả cộng đồng DN mời nhưng họ vẫn nói bận. Rõ ràng, tư duy “ban cho” vẫn còn phổ biến trong cơ quan quản lý nhà nước.

Nói như vậy không phải phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của nhà nước trong thời gian qua. Bằng chứng là chỉ trong vòng sáu tháng chúng ta đã có sáu hiệp định chiến lược và rất nhiều chính sách duy trì sự phát triển. Vậy nên, với những khó khăn trước mắt thì chúng ta cùng bắt tay vào “sửa”, cùng thắp lên một ngọn đèn. Ðây chính là thời điểm mà cả nhà nước và cộng đồng doanh nhân cùng xích lại với nhau, gần nhau hơn nữa!

. Xin cảm ơn ông!

MAI PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm