Những đôi ta tạo nên sự sống

Tháng 5-2013, đoàn bác sĩ của BV Nhi đồng 2 công tác tại BV tỉnh Phú Yên. Ði ngang qua phòng hồi sức, cả đoàn thấy bệnh nhi sơ sinh Lê Hoàng Kim nằm thoi thóp, người nhà nói chuẩn bị đưa bé về chờ… chết. Bé không có hậu môn, lại còn bị bệnh tim bẩm sinh, nhiễm trùng sơ sinh, nghi có hội chứng Down… Sau khi hỏi thăm bệnh tình, đoàn bác sĩ đề nghị được hỗ trợ, phẫu thuật mở hậu môn tạm cho bé. Gia đình quyết không đồng ý, cho rằng có hậu môn tạm thì bé cũng không thể sống được. TS-BS Trương Quang Ðịnh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, đã phải mất một giờ để thuyết phục gia đình rằng bé sẽ sống nếu được mở hậu môn tạm, các bệnh khác sau này sẽ được điều trị tốt hơn. Ðoàn bác sĩ của BV Nhi đồng 2 đã tận dụng mọi dụng cụ của một bệnh viện tỉnh, kể cả dụng cụ sản khoa để cứu bé. Ðiều khiến nhiều người ngạc nhiên là sau ca mổ, đáng lẽ gia đình phải cảm ơn bác sĩ thì bác sĩ Ðịnh lại cảm ơn gia đình bệnh nhi vì họ đã can đảm đưa ra một quyết định, cho bé một cơ hội sống.

Ông bảo tôi: “Nếu bạn thấy một người bị tai nạn giao thông, bạn không cứu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn chúng tôi, trường hợp này dù không ai truy cứu cả nhưng đây là trách nhiệm, bổn phận và lương tâm của người thầy thuốc. Quan trọng không phải là mổ cứu bệnh nhân, mà là phải biết mình có làm được không, làm được ở mức độ nào và cần phải có sự hỗ trợ của ai trong điều kiện đó. Cứu bệnh nhi chứ đừng làm hại thêm! Phải cân nhắc là mở hậu môn được nhưng gây mê có đủ điều kiện, có an toàn cho bé không; hậu phẫu có theo dõi được không, chứ không phải thấy là xông vào làm cho thỏa chí”.

Ảnh: DUY TÍNH

Gặp TS Ðịnh sau cuộc mổ tách cặp song sinh Phi Long–Phi Phụng ngày 26-11-2013, ông bảo nếu không mổ thì hai bé sẽ tử vong và nói rõ: Thành công có được là nhờ sự hỗ trợ của các bệnh viện bạn. “Nếu mổ không được thì chúng tôi sẽ có kế hoạch gửi hai bé ra nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài sang mổ” - ông bộc bạch.

Ông nói đỉnh cao của nhi khoa là phẫu thuật sơ sinh. Phẫu thuật sơ sinh rất khó bởi tạo hóa đã tạo ra sự sai biệt và bác sĩ sẽ phải cải tạo lại hoàn chỉnh. Nhưng sự sống của trẻ sơ sinh cũng rất mong manh, dễ vỡ. Phẫu thuật viên phải hiểu rằng các bé sau phẫu thuật phải sống 80-100 năm nữa. Do vậy, khi làm bất cứ động tác nào trên trẻ thì phải biết nó tác động như thế nào. Các bậc cha mẹ cũng sẽ hỏi “Cứu xong con tôi sống thế nào?”. Nếu cứu xong mà trẻ sống lay lắt, không hòa nhập cộng đồng thì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, cả công trình cứu sống trẻ sẽ mất hết ý nghĩa. Bởi vậy, ngoài việc cứu sống, nhiều đứa trẻ sau phẫu thuật tim, gan, tách song sinh… hầu như đều được BV Nhi đồng 2 tìm nguồn kinh phí hỗ trợ khá lớn để cha mẹ chăm lo cho các em.

TS Trương Quang Ðịnh đúc kết: Trị bệnh nhi trước tiên là phải “trị” tâm lý cho cha mẹ, bởi nếu không họ sẽ không hài lòng và sẽ đi hỏi bác sĩ khác cho đến khi nào thỏa đáng. Cứ xem bệnh nhi là con mình và làm tốt, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra thì cũng không hối hận vì mình đã làm hết sức.

Khi lập nên BV Chấn thương Chỉnh hình vào năm 1985, cố GS-Viện sĩ Dương Quang Trung đã dặn dò các y, bác sĩ bệnh viện này rằng đất nước ta chủ yếu là lao động chân tay, đặc biệt là khu vực quận 5, bà con làm tiểu thủ công nghiệp nhiều nên rất dễ bị chấn thương các chi, anh em bác sĩ hãy cố gắng giữ chi thể cho người bệnh.

Ðầu tháng 12-2013, nhận một tấm ảnh của bác sĩ khoa Vi phẫu tạo hình – BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, tôi như không tin vào mắt mình. Một bàn tay anh công nhân bị dập nát do máy ép giày gây ra. Nhưng tấm ảnh thứ hai mà bác sĩ gửi sau đó là một bàn tay lành lặn, đang được băng bó kỹ càng. Tôi tức tốc chạy vào bệnh viện. Trước mắt tôi, anh công nhân gượng nhúc nhích các ngón tay. Anh bảo anh quá may mắn vì đáng lẽ nó đã không còn để mà nhúc nhích. Bác sĩ đã mất ba giờ mới cứu xong bàn tay này. “Bác sĩ cũng đã tư vấn cho gia đình biết là sẽ cắt bỏ bàn tay, chúng tôi đồng ý nhưng cuối cùng bác sĩ lại quyết nối bàn tay cho tôi” - anh công nhân cười hạnh phúc dù vừa trải qua tai nạn kinh hoàng.

Vài ngày trước đó, cũng một anh công nhân bị máy cán thép cán dập nát hai cổ tay. Tưởng chừng như anh này phải đoạn chi nhưng TS-BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình - BV Chấn thương Chỉnh hình, quyết định giữ lại bàn tay bằng cách cắt bỏ đoạn bị dập và vi phẫu nối bàn tay vào cánh tay mặc dù hai cánh tay sau này có ngắn hơn một tí. Hai êkíp phẫu thuật đã căng như dây đàn hết năm giờ đồng hồ.

“Ai cũng muốn chi thể của mình toàn vẹn. Ðối với người lớn, việc mất một tay, ngón tay thì họ có thể vượt qua, tâm lý vững vàng. Còn đối với một em bé non nớt, tâm lý chưa vững vàng, nếu mất một bộ phận cơ thể nào đó, bạn bè trêu chọc “thằng chín ngón”… thì bé sẽ mặc cảm, tự ti hoặc phản kháng. Do vậy, tôi vẫn thường nói với các học trò rằng bằng mọi giá phải giữ chi cho mọi người, đặc biệt là trẻ em dù khó làm hơn người lớn” - TS Tường tâm sự.

Còn theo BS Phan Dư Lê Thắng, cũng khoa Vi phẫu tạo hình, làm vi phẫu phải có kinh nghiệm, tỉ mỉ và không ngại khó, đặc biệt là phải có tình thương. Ðiều bệnh nhân thiệt thòi nhất là bác sĩ vội vàng cắt bàn tay, bàn chân. Nếu còn bàn tay, bàn chân thì bệnh nhân có thể được chủ nhận làm việc trở lại. “Có trường hợp hơn 70 tuổi năn nỉ chúng tôi giữ lại chân bị dập nát, vì họ rất cần để không phải mặc cảm” - BS Thắng kể.

Ði khắp vùng núi phía Bắc để chỉ mổ nhân đạo như hở hàm ếch, sứt môi, mổ u quái, ghép da, tạo hình các bộ phận cơ thể…, PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn (Hà Nội) không nhớ hết mình đã mổ tạo hình cho bao nhiêu trẻ em, người lớn bị sứt môi, hở hàm ếch, mổ cho “người vượn”, “người sói”, thậm chí là tạo hình cho người bị lỗi giới tính…. Thỉnh thoảng ông Nam tiến để làm những ca tạo hình khó.

Năm 2008, anh Nghê Anh Dũng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được gọi là người “có cánh tay to nhất Việt Nam” - gần 20 kg. Tôi đã chuyển hình ảnh cho PGS-TS Trần Thiết Sơn, xem xong ông quả quyết: Mổ được! Một tháng sau, anh Dũng đã có mặt tại BV Xanh Pôn. Cánh tay to đến nỗi không thể đưa lọt vào máy MRI của BV Bạch Mai (Hà Nội). Hơn 6 giờ bóc tách, một nửa khối u đã được lấy ra - 10 kg. Anh Dũng trở về TP.HCM trong trạng thái nhẹ nhàng và thỏa mãn dù khối u chưa được bóc ra trọn vẹn.

Lần khác là ca mổ tạo hình mũi bị hư do bỏng axit cho bệnh nhân NTH (23 tuổi, quận Bình Thạnh). Ông Sơn cho hay 24 năm trong nghề phẫu thuật tạo hình, đây là ca mổ thứ ba ông làm nhưng cũng là ca mổ khó nhất. Bệnh nhân bị bỏng do axit từ lúc ba tháng tuổi khiến mặt, mũi, mắt hoàn toàn biến dạng. Bệnh nhân đã trải qua bốn cuộc phẫu thuật ghép da cằm, môi, mắt, chỉnh sẹo co kéo da vùng mặt nhưng lỗ mũi “dẹp lép” đã làm cho bệnh nhân tự ti.

Tám giờ đồng hồ cần cù, tỉ mỉ lấy vạt da ở đùi, vi phẫu và ghép tạo hình mũi, thầy trò PGS-TS Trần Thiết Sơn đã giúp lỗ mũi bệnh nhân giống mũi người bình thường. “Lỗ mũi là điểm nhấn của khuôn mặt nhưng với bệnh nhân 23 năm không có mũi chắc chắn sẽ rất khó khăn trong hít thở. Ðó là chưa nói đến sự mặc cảm trong cuộc sống. Vậy phải làm sao cho cái mũi bệnh nhân đẹp, khi đẹp rồi thì nó phải có đầy đủ chức năng. Nhìn bệnh nhân của mình sau mổ tạo hình xinh đẹp, cười hạnh phúc, người cầm dao mổ hạnh phúc còn hơn cả bệnh nhân” - ông Sơn tâm sự.

Tôi đã nhiều lần được phép vào phòng mổ với PGS-TS Trần Thiết Sơn, TS Trương Quang Ðịnh, TS Mai Trọng Tường. Chỉ với vài giờ đồng hồ theo dõi, chân tôi đã mỏi, bụng đã đói và thân thể lạnh cóng. Còn các bác sĩ phẫu thuật mắt chăm chú vào bệnh nhân, tay vẫn thao tác, miệng vẫn trao đổi chuyên môn. Cứ xong một thao tác khó, các bác sĩ thưởng cho nhau bằng những lời động viên và nụ cười thân thiện.

Chiều 26-11-2013, ngày tách hai bé Phi Long–Phi Phụng, một đồng nghiệp nói với tôi: “Mình gặp BS Trương Quang Ðịnh ăn mì tôm trong phòng, thấy thương quá!”. Là trưởng kíp mổ, ông không dám đi đâu ra khỏi khu vực mổ, trụ lại suốt để xử lý và chỉ đạo kịp thời những bất thường. Ðó là y đức!

NGUYỄN DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm