Sống mãi ký ức Trường Sa

Tâm sự của người lính đảo khiến tôi như được sống lại những ngày không thể nào quên trong chuyến hải trình Trường Sa lịch sử của đời mình (19 đến 29-4-2013)...

Tổ quốc nơi đầu sóng

Ðể tới được Trường Sa, tàu của chúng tôi trải qua hai ngày đêm lênh đênh trên biển. Cuối tháng 4, mặt biển êm như nhung, đúng như ông cha đã nói “tháng Ba bà già đi biển”. Và kìa, Trường Sa! Một sớm tinh mơ, khi những thành viên trên tàu còn ngái ngủ, bỗng lao xao hai tiếng Trường Sa. Hiện ra ở phía chân trời, đảo Trường Sa Lớn, thủ đô của quần đảo Trường Sa, mảnh mai như một sợi tơ xanh mong manh vắt ngang lòng biển. Rồi từ sợi chỉ thành con rắn, con rồng… và dần dần hiện rõ. “Ðảo hiện ra với thử thách bạc màu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc” (Trường ca biển, Hữu Thỉnh). Tim ai cũng nghẹn lại. Tổ quốc mình đây. Tổ quốc giữa trùng khơi. Tổ quốc nơi đầu sóng. Tổ quốc phía mặt trời.

Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: MINH PHONG

Bước chân lên đảo ai cũng có cảm giác lâng lâng khó lời nào tả nổi. Linh thiêng lắm dải đất quê hương nhoi lên giữa lòng biển mặn mà bao máu xương của cha ông đã đổ xuống để giữ gìn. Và khi tiếng quốc ca vang lên giữa sân trời đầy nắng gió, ai có thể không tự hào khi được là người con đất Việt? Ai có thể không nghĩ tới bổn phận, nghĩa vụ, tình yêu với Tổ quốc, với biển đảo nơi phên giậu vẫn còn quá nhiều gian khó? Ai có thể không nghĩ mình sẽ làm gì đây để tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường để giữ bằng được từng tấc đất, tấc biển mà bao thế hệ đã vun bồi, xây đắp…

“Ðảo nhỏ quá, nói một câu là hết”

Lần đầu tiên tôi biết đến câu thơ này khi đọc Ðảo chìm của Trần Ðăng Khoa (dẫn lại lời thơ trong Trường ca biển của nhà thơ Hữu Thỉnh). Và chỉ đến khi dừng lại ở đảo chìm đầu tiên, đảo Ðá Tây, tôi mới thấm. Hiện lên phía xa khơi một chấm nhỏ li ti, một ngôi nhà nhỏ bé giữa muôn trùng sóng. Ðảo chìm là cách gọi nôm na, còn chính thức ra được gọi là “đá”. Những bãi đá trồi lên giữa biển mà ngay cả khi thủy triều xuống thấp nhất cũng chỉ thấy nhấp nhô vài ngọn đá nhỏ. Có đặt chân tới đây mới thấy công lao trời biển của bao lớp chiến sĩ đã ngày đêm vun đắp, tạo nên hình hài cho mỗi đảo chìm.


Trẻ em Trường Sa vui chơi sau giờ học. Ảnh: MINH PHONG 

Trong căn nhà bé nhỏ trên đảo chìm, tôi gặp một chàng lính trẻ khuôn mặt măng tơ đã sạm đi nhiều vì nắng gió. Mặc dù nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ đã được bù đắp bằng tình đồng đội nhưng thời gian trôi qua, anh vẫn không dám đếm ngày đếm tháng mà tính theo con trăng. Ðã bốn trăng rồi. Chàng trai ấy nén nỗi nhớ vào lòng, nén khó khăn vào dạ để rèn mình thành con cá kình giữa biển cả, không hãi sợ trước những bất trắc của thiên nhiên và của cả những hung hiểm toan tính muốn gom trọn biển Ðông…

Bia chủ quyền và những tượng đài bất tử

Bước chân lên đảo nào, hình ảnh đầu tiên luôn đập vào mắt những người đất liền là tấm bia chủ quyền hiên ngang, vững chãi. Tấm bia đứng đó, được canh gác đêm ngày bởi những người lính hải quân nhân dân Việt Nam, luôn chắc tay súng, mắt dõi nhìn ra phía biển với sự cảnh giác cao độ. Họ luôn tâm niệm dù bản thân có ngã xuống thì cũng quyết không bao giờ để mất tấm bia chủ quyền thiêng liêng ấy.

Đọc sách trong thư viện của ngôi trường mới. Ảnh: MINH PHONG

Có lẽ không ở nơi nào sự tiếp nối những bước chân của cha ông trong bước đường mở nước, giữ nước, chống ngoại xâm lại rõ ràng như ở Trường Sa. Ngay ở “thủ đô” Trường Sa và nhiều đảo nổi, đảo chìm trong quần đảo, nhiều nấm mộ của các chiến sĩ đã hy sinh khi cuộc đời còn rất trẻ đã như một tấm bia ghi khắc vào lòng mỗi người từng đặt chân lên đảo. Các anh đang tiếp tục tạc nên Dáng đứng Việt Nam bất khuất mà bao lớp cha anh đã khắc lên tượng đài bằng máu xương mình.

Và tôi nhớ bao giọt nước mắt đã rơi dài xuống lòng biển mặn trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ ở nhà giàn DK1 hy sinh trong những ngày bão tố giữ gìn thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các anh hy sinh trong thời bình, thân xác tan vào trong biển cả, không một nắm xương tàn lưu lại. Ðau xót nào hơn. Cảm phục nào hơn. Bình yên đôi khi đã phải trả bằng máu xương, bằng tính mạng. Biển mênh mông kia ru anh nằm đó. Bởi anh đã hiến cả tuổi thanh xuân cho bình yên Tổ quốc nên anh đã trở thành bất tử.

Trở về là chiến sĩ Trường Sa

Kết thúc chuyến hải trình, như  thông lệ, từng thành viên trên tàu được trao huy hiệu chiến sĩ Trường Sa. Nhưng cho dù không có tấm huy hiệu ấy, chúng tôi cũng đã nguyện mình là một chiến sĩ Trường Sa, nguyện trở thành một sứ giả mang Trường Sa đến với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Riêng tôi còn một điều ước. Ước gì mỗi người dân Việt đều có thể một lần đến với Trường Sa. Ðể 90 triệu tấm lòng, 90 triệu con tim, 180 triệu con mắt được thấy, được cảm nhận, được thở hơi thở cùng Trường Sa, cùng biển đảo mến thương. Ðể mỗi người, dù ở nơi đâu, cũng biết rằng nơi ấy, giữa biển Ðông bao la là mảnh đất thiêng liêng mà chúng ta không bao giờ được phép lãng quên.

TRẦN THANH HOA

 

Trường Sa ơi, gần lắm đất liền

Ước một lần được đến Trường Sa

Tuổi cổ lai hy tôi đặt chân lên đảo

Suốt cuộc hải trình không một ngày giông bão

Không một ngày được thử sức với Trường Sa.

Mấy ai trong đời được thấy cây phong ba

Cây bàng quả vuông vào mùa kết trái

Ðôi bồ câu thảnh thơi kiếm mồi đầu doanh trại

Cây đu đủ cuối vườn quả đã ương ương.

Ðã trải bao phen sống chết ở chiến trường

Lòng cứ rưng rưng trước Tượng đài Liệt sĩ

Tôi thắp nén nhang nơi các anh yên nghỉ

Trường Sa ơi, gần lắm đất liền.

Trường Sa trưa nay biển lặng sóng yên

Nhưng chất chứa trong lòng ngàn núi lửa

Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Song Tử…

Mỗi tấc đất nơi đây một chốt chặn quân thù.

Tạm biệt Trường Sa, nhớ mãi Trường Sa

Trẻ em nơi đây áo quần như lính thủy

Chiến sĩ nơi đây giầu tâm hồn nghệ sĩ

Quấn quýt bên nhau trong điệu nhảy tưng bừng.

Trường Sa, Hoàng Sa đất thiêng Tổ quốc

Triệu triệu con tim một nhịp đập hướng về

Khắc trên đá, trên cây chỉ một lời thề:

Giữ biển đảo quê hương vững bền mãi mãi!

Dương Đức Quảng (Viết tại Trường Sa, 29/4/2013 - Ðúng ngày kỷ niệm 38 năm  giải phóng quần đảo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm