“10 năm trước, tôi đi đăng ký quyền sử dụng đất thì được biết bà Trần Thị Ngọc Huệ đã bán bớt phần đất trên của gia đình tôi cho nhiều người khác. Đến nay, qua nhiều buổi hòa giải ở xã, huyện, ở tòa án nhưng vụ việc chưa có dấu hiệu kết thúc. Lúc thì xã chỉ lên huyện, lúc thì huyện chỉ qua tòa, giờ lại quay về xã. Tôi không biết đâu mà lần. Tôi quá mệt mỏi, đề nghị UBND huyện Nhà Bè sớm chỉ đạo để giải quyết dứt điểm” - bà Đặng Thị Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) phản ánh.
Bà Lộc kể mảnh đất này vốn là của gia đình bà. Gần 30 năm trước, bà cho bà Huệ ở nhờ vì thấy hoàn cảnh bà Huệ khó khăn. Tuy nhiên sau một thời gian bà Huệ lại cắt đất bán cho người khác. Điều đáng nói là khi phát hiện ra vụ việc, bà yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết nhưng các cơ quan này lại để vụ việc nhì nhằng...
Đầu tiên vào năm 2004, bà vác đơn khiếu nại chuyện bà Huệ chiếm dụng đất của gia đình ra xã Phú Xuân (Nhà Bè). Nơi đây không hòa giải được nên chuyển hồ sơ lên huyện. Sau khi xem xét, huyện lại chỉ ra tòa. Bà vội vàng lên tòa nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, qua một thời gian xem xét, TAND huyện Nhà Bè lại xác định phần đất tranh chấp chưa có giấy tờ nên không thuộc thẩm quyền của tòa… Tòa đình chỉ vụ án rồi hướng dẫn bà quay về ủy ban.
![]() |
Bà Lộc quá mệt mỏi vì gần 10 năm đi tìm công lý nhưng vẫn chưa xong vì sự bất nhất của các cơ quan chức năng. Ảnh: MP
Trước tình huống này, vừa rồi bà Lộc lại phải vác đơn yêu cầu xã, huyện giải quyết tranh chấp với bà Huệ. UBND xã Phú Xuân đã ba lần mời hòa giải nhưng bà Huệ không đến. Đồng thời bà Lộc cũng không thấy phía địa phương có động thái tích cực nào để giải quyết vụ việc cho bà.
Bà Lộc bức xúc: “Hơn 10 năm trời, tôi gõ cửa nhiều nơi, tới lui từ xã lên huyện rồi qua tòa, đi khắp nơi nhưng sự việc cứ nhì nhằng kéo dài, vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Tôi không hiểu tại sao chỉ có mỗi việc này mà hơn 10 năm vẫn chưa xử lý xong. Việc chậm trễ, thiếu thống nhất của cơ quan chức năng khiến tôi thiệt hại đủ bề.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết: “Vụ việc này đúng là đã tồn tại khoảng 10 năm nay. Hồ sơ phức tạp, kéo dài qua nhiều cơ quan, trong đó chủ yếu từ UBND xã Phú Xuân. Liên quan đến sự việc này, tôi đã nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, tiếp và nghe bà Lộc trình bày. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo phó chủ tịch UBND huyện phụ trách làm rõ các vấn đề để sớm giải quyết dứt điểm cho bà Lộc”.
Đừng làm nhọc sức người dân Tôi ở đây từ trước năm 1975 nên biết được nhiều sự việc liên quan đến tranh chấp trên. Đây cũng là lý do mà xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và tòa án đã mời tôi làm nhân chứng. Nhiều năm trời tôi được mời liên tục để lấy thông tin, tuy nhiên không ít lần cơ quan chức năng mời lên chỉ hỏi đôi câu rồi bảo tôi về chờ… thông báo tiếp. Tôi là dân thường, không hiểu rõ nhiều quy định nhưng thiết nghĩ chuyện gì cũng có đúng sai và chính quyền phải có quyết định hợp tình, hợp lý. Khi giải quyết thấy thiếu gì thì yêu cầu bổ sung ngay và yêu cầu một vài lần chứ đừng kéo dài, dễ làm người dân bức xúc. Có mỗi chuyện của bà Lộc như vậy mà hơn 10 năm chưa xong thì chuyện khác thì sao? Tôi cho rằng để sự việc kéo dài không những gây tốn kém ngân sách, tiền của và công sức của người dân để theo đuổi vụ việc mà còn khiến người dân hoang mang về cách thức giải quyết của các cán bộ công quyền. Ông LÊ VĂN CHÓT, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM |