Bởi ông Quyền cho rằng các tài sản ông bán là động sản được phép luân chuyển và cam kết trả nợ cho ngân hàng chứ không trốn nợ.
Dự kiến ngày 27-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ án bị cáo Nguyễn Hữu Quyền (Giám đốc Công ty TNHH TM-XNK Hưng Quang, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) đã kháng cáo toàn bộ bản án kêu oan vì cho rằng bị cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ vay mượn với ngân hàng.
Trước đó, vào tháng 5-2016, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt bị cáo Quyền 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 140 BLHS.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Yên, từ năm 2006- 2008, ông Quyền nhập khẩu xe đào đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận xe máy chuyên dùng tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên và mua xe ô tô về đăng ký tại Công an TP.HCM để đưa vào hoạt động kinh doanh.
Sau đó, ông Quyền dùng giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng, xe ô tô hoặc bộ hồ sơ hải quan xe máy chuyên dùng kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm xe, giấy chứng nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản theo quy định của ngân hàng làm hồ sơ đưa vào thế chấp vay vốn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Phú Yên (Ngân hàng).
Do luôn thực hiện đúng hợp đồng, đến hạn trả hết gốc, lãi vay và phí cho Ngân hàng nên Quyền được Ngân hàng xếp là khách hàng nhóm 1.
Cáo trạng quy buộc: Đến năm 2009-2010, ông Quyền lợi dụng sự tín nhiệm của nhân viên ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay chỉ kiểm tra tính hợp pháp về mặt giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản để đưa vào thế chấp mà bỏ qua việc kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm, nên tự ý bán một số tài sản đã thế chấp mà không thông báo cho ngân hàng. Tuy nhiên, Quyền vẫn thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và phí đến hạn của các hợp đồng tín dụng.
Cáo trạng cho rằng: Từ ngày 13-5-2010 đến ngày 18-4-2011, ông Quyền đã ký 15 hợp đồng thế chấp với Ngân hàng 31 xe đào và 02 xe ôtô tải để bảo đảm nợ vay.
Quá trình thực hiện Quyền làm không đúng cam kết trong hợp đồng, đã tự ý bán 17 xe đào và 02 xe ôtô tải, thu được 10,8 tỉ đồng để sử dụng cho hoạt động của Công ty Hưng Quang, cho gia đình và cá nhân ông Quyền.
Từ tháng 4 tháng 7-2011, phía ngân hàng kiểm tra tài sản thế chấp tại Công ty Hưng Quang, ông Quyền nói là tài sản thế chấp, Công ty đã cho thuê ở xa nên không kiểm tra được.
Sau đó, Ngân hàng yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp và Quyền đưa vào thế chấp bổ sung là 16 xe môtô loại Vento có giá trị đảm bảo trả nợ vay là 5,3 tỉ đồng.
Ngày 29-7-2011, Ngân hàng phát hiện, lập biên bản đối với Quyền về hành vi vi phạm hợp đồng thế chấp khi gian dối, tự ý bán tài sản, đồng thời yêu cầu Công ty Hưng Quang thanh toán tất cả các khoản nợ, tổ chức bán đấu giá toàn bộ số tài sản thế chấp thu hồi nợ được số tiền 6,4 tỉ đồng; cáo trạng cho rằng ông Quyển chiếm đoạt hơn 9,3 tỉ.
Cty Hưng Quang ngừng kinh doanh 2 năm nay khi ông Quyền bị bắt tạm giam
Tại phiên tòa, bị cáo Quyền liên tục kêu oan và cho rằng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ vay mượn giữa ông và ngân hàng. Bởi ông Quyền cho rằng các tài sản ông bán là động sản được phép luân chuyển và cam kết trả nợ cho ngân hàng chứ không trốn nợ.
Tranh luận với đại diện VKS tại phiên tòa, LS Huỳnh Phước Hiệp- bào chữa cho bị cáo Quyền cho rằng: Tài sản công ty Hưng Quang vay ngân hàng đều có hồ sơ vay đầy đủ thể hiện trong hồ sơ vụ án. Phương án trả nợ được thỏa thuận trong hồ sơ vay là: Nguồn trả nợ từ doanh thu, lợi nhuận.
Sau khi vay, ông Quyền sử dụng tài sản vay đúng mục đích vay. Các biên bản kiểm tra của Ngân hàng đều kết luận: “Khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích/ Đề nghị khách hàng đẩy mạnh kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng”.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng tài sản thế chấp là nguồn để trả nợ vay. Điều này không đúng với hồ sơ vay. Ngoài ra, cáo trạng kết luận, các khoản Công ty Hưng Quang vay của ngân hàng đều được ông Quyền trả gốc và lãi đúng hạn. Như vậy, việc nhận tiền vay của ngân hàng, ông Quyền không chiếm đoạt.
"Khoản 3 điều 349 Bộ luật dân sự quy định Quyền của bên thế chấp tài sản: được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh được định nghĩa tại khoản 8 điều 3 nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm như sau:
Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dung để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm. Công ty Hưng Quang đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh xe ô tô, xe cơ giới... và nhập xe đào và ô tô về để mua bán, kinh doanh nên các xe này là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Như vậy, việc bán tài sản này không cần sự đồng ý của ngân hàng. Như vậy, ông Quyền không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác” - LS Hiệp nêu luận cứ tại tòa. Tuy nhiên đại diện VKS cho rằng việc truy tố là có căn cứ pháp luật.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến vụ án trên.
Đây chỉ là quan hệ dân sự
Luật sư Nguyễn Huỳnh Minh Trang- Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định về vụ án: tại khoản 3-điều 349- Bộ Luật Dân sự quy định “Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Đồng thời, theo tại khoản 8 điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì Công ty Hưng Quang đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh xe ô tô, xe cơ giới... và nhập xe đào và ô tô về để mua bán, kinh doanh nên các xe này là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Như vậy, việc bán tài sản này đã được pháp luật cho phép. Ông Quyền cũng không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản vì khi ngân hàng yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp khi kiểm tra tài sản thế chấp bị thiếu thì Công ty vẫn thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng. Tôi cho rằng, chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 140-BLHS. Đây rõ ràng là một quan hệ dân sự dựa trên các hợp đồng dân sự đã ký giữa hai bên. Có chăng là việc vi phạm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng.
|
Save