3 “lời bào chữa” không nên nói với sếp

Những “lời bào chữa” này không giúp bạn giữ thể diện mà có nguy cơ làm hỏng mối quan hệ trong công việc hay tồi tệ hơn là làm cho sếp hiểu rằng bạn chểnh mảng, không chuẩn bị kỹ cho công việc của mình.
Dưới đây là 3 mẫu lời bào chữa bạn không nên sử dụng để biện minh với sếp:

Dưới đây là 3 mẫu lời bào chữa bạn không nên sử dụng để biện minh với sếp:

“Tôi đến muộn vì tắc đường”

Ở một thành phố đông đúc, việc tắc đường là chuyện thường ngày và là việc bạn khó kiểm soát theo ý mình. Nhưng 9/10 lần, bạn vẫn phải đi làm đúng giờ bởi ít nhất sau 1 lần tắc đường, bạn có thể dự đoán mình nên đi vào thời điểm nào, con đường nào để hạn chế việc đi muộn. Đó là hành động của nhân viên có trách nhiệm.

Ảnh minh họa

Còn nếu bạn đến muộn vì lý do khác như ngủ dậy muộn, hãy thành thật. Sếp sẽ cảm thấy thuyết phục hơn với những lý do đời thường bởi bản thân sếp cũng là người bình thường và có thể cũng có lúc đi làm muộn vì chuông báo thức bị hỏng. Trung thực về lý bạn đến muộn chứng tỏ rằng bạn có đủ dũng khí thừa nhận sai lầm của mình thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng cũng nhớ rằng bạn chỉ có thể đến muộn 1, 2 lần. Đừng tạo nó thành thói quen, như vậy dù bạn trung thực đến đâu, sếp sẽ không thông cảm.

“Tôi phải chờ A ở phòng kế toán để có thể hoàn thành công việc của mình”

Những người ở phòng kế toán, nhân sự, hành chính thường được đưa ra làm “bia đỡ đạn” khi một dự án mất nhiều thời gian hơn dự tính. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó và hi vọng rằng nhắc đến ai đó ở phòng khác, sếp sẽ nhanh chóng bỏ qua cho mình, sự thật sẽ không được suôn sẻ như mong muốn của bạn.

Điều sếp ghét nhất khi công việc không hoàn thành đúng thời hạn là do lỗi của người khác. Trách nhiệm của bạn là đảm bảo dự án được hoàn thành, bạn phải dự trù mọi khả năng và không thể thụ động chờ A hay người nào khác làm xong công việc của mình rồi mới đến lượt bạn.

Ngoài ra, đổ lỗi cho người khác còn khiến bạn có nguy cơ phá hỏng mối quan hệ với người đó. Chẳng may A biết được bạn đổ lỗi cho mình, anh ấy khó có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với bạn.

Thay vào đó, bạn nên liên kết chặt chẽ với mọi thành viên liên quan tới dự án, cập nhật tình hình thường xuyên, kể cả những vấn đề có thể phát sinh. Sếp sẽ thông cảm với bạn hơn.

“Tôi không biết phải làm thế nào”

Đây là lời bao biện tồi tệ nhất mà bạn không bao giờ nên sử dụng khi giải thích lý do mình lỡ hạn hoàn thành công việc. Thừa nhận mình không biết điều gì đó trong giai đoạn khởi động dự án và bạn có thể hỏi sếp cách làm rõ ràng là chuyện chấp nhận được, thậm chí là cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn. Nhưng không nói gì mà “âm thầm” làm mà không biết phải thực hiện ra sao rồi gây ra một mớ hỗn động, sau đó mới thú nhận với sếp, bạn sẽ khiến anh/ cô ấy thất vọng và tức giận.

Trong trường hợp đang ở giữa chừng dự án và gặp khúc mắc, hãy cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề bắt đầu bằng cách hỏi sự tư vấn từ đồng nghiệp và hoàn thành nó bằng hết sức mình. Qua tình huống này, rút ra kinh nghiệm cho lần sau, hỏi rõ ngọn ngành, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu.

Theo Vũ Vũ/Dailymuse/Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm