3 tháng đầu năm, 406,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP.HCM quý I- 2022 của Cục Thống kê TP.HCM, từ ngày 1-1 đến ngày 20-3, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố là 406,6 triệu USD (giảm 40,1% so với cùng kỳ) gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Về cấp mới, có 127 dự án với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD, giảm 12,8% về vốn so với cùng kỳ.

Trong đó, gần 87% tổng vốn đăng ký tập trung tại ba ngành là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 54 dự án với vốn đăng ký 34,6 triệu USD (chiếm 33,8% tổng vốn đăng ký cấp mới)…

Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản có số vốn đăng ký chiếm 74,4% tổng vốn cấp mới. Cụ thể, Singapore có 16 dự án với vốn 34,5 triệu USD chiếm 33,7%.

Hàn Quốc 15 dự án, vốn 24,2 triệu USD chiếm 23,6% và Nhật Bản 16 dự án, vốn 17,5 triệu USD chiếm 17,1%.

Sở Công Thương TP.HCM tổ chức gặp gỡ với các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại TP.HCM.

Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 504 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 294,8 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ.

Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 176,8 triệu USD, chiếm 60% tổng vốn góp. Tiếp đến bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 19%, đạt 56 triệu USD.

Trong ba tháng đầu năm, Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có số vốn góp cao nhất với tỷ lệ lần lượt 40,1% và 25,3%.

Bên cạnh những dự án cấp mới, số dự án đề nghị chấm dứt hoạt động đến ngày 20-3 là 43 dự án, với vốn đầu tư 54,84 triệu USD.

Số dự án còn hiệu lực hoạt động đến ngày 20-3 là 10.533 dự án, với vốn đăng ký là 52,89 tỷ USD (gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Thương nhân từ Singapore có văn phòng đại diện nhiều nhất tại TP.HCM

Mới đây tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM cho biết thành phố là nơi tập trung đông nhất với gần 1.900 văn phòng đại diện thương nhân đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, Singapore chiếm tỷ lệ cao nhất với 371 văn phòng đại diện, Nhật Bản 260 …

Theo lãnh đạo Sở, với sự hiện diện của hàng trăm văn phòng đại diện trong các lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, nông thủy hải sản, thực phẩm, đồ gỗ, giày dép; logistics… đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung

Đặc biệt, hai năm qua dù khó khăn bởi dịch COVID-19, các văn phòng đại diện giữ vững nhịp cầu thương mại, đầu tư giữa thương nhân nước ngoài với các đối tác Việt Nam.

Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình, đề án trọng điểm của thành phố và Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển…đều có sự tham gia của các chuyên gia, tập đoàn, DN nước ngoài đang đặt văn phòng đại diện tại thành phố.

Tại buổi gặp gỡ, ngoài phổ biến những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện, Sở giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động. Đồng thời lắng nghe đề xuất của các đơn vị đối với việc thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế của thành phố năm 2022.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với nhóm văn phòng đại diện theo từng chuyên đề như phát triển kinh tế số của thành phố; xúc tiến thương mại theo từng nhóm thị trường …

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm