33.000 ngôi nhà ở miền Trung chìm trong lũ

Ngày 9-10, các tỉnh Trung bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế đang dao động ở mức cao…

Áp thấp có thể mạnh lên thành bão

Chiều 9-10, trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG), cho biết trong trận lũ những ngày qua đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m.

“Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 9-10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm” - ông Long đánh giá.

So sánh với đỉnh lũ năm 2017, ông Long cho biết đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong đợt này với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.

Dự báo tình hình mưa lũ trong những ngày tới, Trung tâm Dự báo KTTVQG cho biết trong ngày 10-10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; ở nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.

Thông tin thêm, Trung tâm Dự báo KTTVQG cho biết hiện nay dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ vĩ bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông. Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão. Diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới/bão này rất phức tạp, có khả năng di chuyển nhanh, ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ từ khoảng ngày 11 đến 13-10. Lũ trên các sông ở khu vực Trung bộ có khả năng lên lại và gây ngập lụt diện rộng.

Chiều 9-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, Tây Nguyên, các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, diễn biến mưa lũ lớn trong những ngày tới.

Người dân bất chấp nguy hiểm cứu cá trên sông Bồ. Ảnh: N.DO

Người dân ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) di tản đến nơi cao trước khi thủy điện Hương Điền tăng mức xả lũ. Ảnh: N.DO

13 người chết và mất tích

Về tình hình thiệt hại, báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT cho biết tính đến 15 giờ ngày 9-10 đã có gần 33.000 ngôi nhà của người dân tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng bị ngập lụt, nhiều khu vực bị ngập sâu, cô lập. Đặc biệt tại Quảng Trị, toàn tỉnh xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả huyện, thị xã, thành phố, Quảng Bình có 15 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Trạch bị chia cắt cục bộ.

Để đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán chủ yếu theo hình thức tại chỗ, tổng cộng khoảng 5.782 hộ/19.749 người.

Ngoài ngập lụt, mưa lũ cũng gây thiệt hại khiến 5 người chết (Quảng Trị 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1) và 8 người mất tích (Quảng Trị 6, Thừa Thiên-Huế 1, Gia Lai 1).

Về trường học, tại Quảng Nam, nhà kho bán trú học sinh Trường THCS bán trú Lý Tự Trọng (xã Axan, Tây Giang) bị nước tràn vào. Trường Mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân; Trường Tiểu học làng ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My và khu bếp ăn tập thể Trường THCS Trà Vân có nguy cơ bị sạt lở. Địa phương đã di dời giáo viên, học sinh đến nơi an toàn...

Tính mạng 10 thuyền viên đang bị đe dọa

Chiều tối 9-10, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết những thợ lặn giỏi được huy động để ứng cứu 10 thuyền viên trên tàu Vietship 01 nhưng đến chiều cùng ngày vẫn chưa tiếp cận được tàu do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn và thủy triều bắt đầu lên. Như vậy, phương án sử dụng thợ lặn để ứng cứu các thuyền viên gặp nạn coi như thất bại.

Ông Phương cho hay hiện tại lực lượng chức năng cũng bị mất liên lạc với 10 thuyền viên trên tàu Vietship 01. Tất cả phương án ứng cứu đưa ra đến thời điểm này đều không khả thi do thời tiết xấu.

Trước đó, tàu Vietship 01 chở theo 12 thuyền viên bị mắc cạn trên vùng biển Quảng Trị cách bờ biển Cửa Việt khoảng 400 m và đang bị chìm dần. Từ đêm 8-10, lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp cứu hộ nhưng mới chỉ cứu được 2 người, 10 thuyền viên còn mắc kẹt cùng tàu. Đáng chú ý, suốt ba ngày qua, 10 thuyền viên chưa được ăn uống gì do không chuẩn bị kịp thức ăn.

Đến chiều 9-10, có ba tàu bị chìm. Đó là tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 luồng hàng hải Cửa Việt, 3 người đã được cứu, còn 2 người đang mất tích. Tàu Thanh Thành Đạt 55 gồm 7 thuyền viên. Ông Trương Đình Toàn mất tích đã được Đồn biên phòng Triệu Vân cứu nạn khi trôi dạt vào bãi biển thôn 8, xã Triệu Vân. Hiện tại sức khỏe của ông Toàn ổn định. Tàu Vietship 9 bị chìm, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn. Ngoài ra còn có hai tàu mắc cạn, một tàu khác bị trôi dạt, các thuyền viên vẫn an toàn.

Hiện thời tiết tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mưa vẫn đang tiếp diễn, nhiều con sông tại khu vực này đang ở mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3.

Thiệt hại nặng nề chưa tính hết

Thiệt hại ban đầu về kinh tế có 730,78 ha thủy sản, 223 ha nuôi tôm bị ngập, thiệt hại 25%-30%, 32.650 gia cầm, hơn 22.000 gia súc bị chết, bị nước cuốn trôi…, nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở, ách tắc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm