4 lý do kiến nghị tạm hoãn việc làm tuyến xe buýt nhanh ở TP.HCM

Theo đó, qua các nội dung rà soát về dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM tạm thời hoãn thực hiện dự án Phát triển giao thông xanh cho đến khi đảm bảo các điều kiện; đảm bảo thực hiện đồng bộ với các dự án khác để hình thành một hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn.

Sở cũng kiến nghị tạm dừng bước thẩm định thiết kế kỹ thuật do sau này khi triển khai thực hiện sẽ phải tiếp tục điều chỉnh về định mức, đơn giá, quy định khác... cho phù hợp tình hình thực tế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả, tính khả thi của dự án bao gồm tổ chức làn đường dành riêng; tốc độ khai thác của xe buýt; khả năng kết nối với các đầu mối bến bãi và các hình thức giao thông công cộng khác... Trong đó có một số nội dung chưa được đánh giá cụ thể trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội của TP, vận tải hành khách công cộng không đạt được như kỳ vọng do phải ngừng phục vụ trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát.

Sơ đồ hướng tuyến BRT số 1. Ảnh: Ban giao thông

Điều này dẫn đến số lượng tuyến xe buýt giảm, sản lượng hành khách giảm; các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cá nhân chậm triển khai... ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án khi đưa vào hoạt động, khai thác.

Thứ hai, sản lượng dự kiến hành khách năm 2022 khi dự án được đưa vào sử dụng là 28.086 hành khách/ngày có nhiều khả năng sẽ không đảm bảo như tính toán do một số nguyên nhân.

Đơn cử như tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa được hoàn thành đưa vào sử dụng ảnh hưởng đến việc dự kiến sản lượng trung chuyển hành khách từ nhà ga Rạch Chiếc về Bến xe Chợ Lớn, An Lạc.

Tại thời điểm này, việc thiết kế tuyến chưa kết nối được hai đầu mối vận tải hành khách quan trọng của TP là Bến xe Miền Đông mới và Bến xe Miền Tây mới (chưa được triển khai).

Thứ ba, đồng thời việc triển khai tuyến BRT phải hoàn thành các dự án như tuyến Metro số 1, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) và khu đô thị mới Thủ Thiêm được lấp đầy dân số mới đảm bảo được hiệu quả. Tuy nhiên, các dự án có liên quan vẫn chưa được đảm bảo đồng bộ.

Thứ tư, trong thời gian qua, tuyến xe buýt nhanh tại TP Hà Nội được đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra. Nguyên nhân do hạn chế kết nối đến các bến xe lớn, chưa có tuyến buýt gom và tuyến buýt kết nối, ý thức của người dân chưa cao. Sản lượng hành khách chỉ đạt được 13.302 hành khách/ngày sau 8 tháng đưa vào hoạt động.

"Do vậy, cần xem xét lại dự án trong bối cảnh thực tế hiện nay. Tuyến buýt nhanh của Hà Nội chưa thành công, Đà Nẵng dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT và tập trung phát triên hệ thống xe buýt chất lượng cao" - văn bản Sở GTVT TP nêu.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM có hai hợp phần. Hợp phần 1 là phát triển hành lang xe buýt nhanh (BRT), xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và các hạ tầng hỗ trợ như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu và cuối, bãi hậu cần kỹ thuật và hệ thống quản lý hiện đại. 

Hợp phần 2 là tăng cường thể chế, thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá bao gồm các nội dung đánh giá sự thành công của hệ thống BRT.

Dự án được phê duyệt năm 2013 với chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 156 triệu USD, được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm