4 nhóm giải pháp giúp giao thông TP.HCM bứt phá

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 (viết tắt là đề án) của Sở GTVT. Trong đó, UBND TP quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện đề án này. Để tìm hiểu rõ hơn về kế hoạch thực hiện đề án, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi phỏng vấn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

Cầu Thủ Thiêm 2 đang được ngành giao thông TP.HCM
đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Ảnh: ĐT

Xây dựng kế hoạch có lộ trình

. Phóng viên: Thưa ông, lý do Sở GTVT trình UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 là gì?

+ Ông Trần Quang Lâm: Việc xây dựng và trình UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện đề án cùng với lộ trình thực hiện hàng loạt dự án trọng điểm nhằm xác định kế hoạch ưu tiên đầu tư phù hợp với nguồn lực đầu tư, khả thi trong từng giai đoạn. Từ đó, TP.HCM sẽ thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, có tính liên kết vùng; các tuyến đường trục, cửa ngõ và các dự án quan trọng khác, đảm bảo theo các chỉ tiêu, mục tiêu của đề án.

Bên cạnh đó, kế hoạch này còn xác định nhiệm vụ cũng như công việc cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan. Từ đó, các cơ quan, đơn vị cần tập trung, chủ động triển khai thực hiện theo lĩnh vực, địa bàn quản lý nhằm đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu của đề án.

Đồng thời, thông qua kế hoạch này, công tác triển khai đề án sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện.

Các nhóm giải pháp thực hiện

. Kế hoạch thực hiện đề án lần này có gì nổi bật nhằm khắc phục các nhược điểm, khó khăn mà các dự án đã triển khai trước đây gặp phải, thưa ông?

+ Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các chính sách quản lý về xây dựng, đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ... nên một số dự án hạ tầng giao thông chưa thể hoàn thành theo quy hoạch.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên và từng bước hoàn thành đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đề án được UBND TP phê duyệt đã đưa ra bốn nhóm giải pháp.

Thứ nhất: Nhóm giải pháp về chính sách quản lý. Cụ thể là lập, quản lý kế hoạch đầu tư trong hai giai đoạn (2021-2025 và 2026-2030) và kế hoạch hằng năm đảm bảo khả thi về nguồn vốn đầu tư. Từ đó kêu gọi đầu tư để tạo nhiều cơ hội thu hút về nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, nhóm giải pháp này cũng sẽ xây dựng quy trình về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mang tính đột phá.

Thứ hai: Nhóm giải pháp về quy hoạch. Cụ thể là rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các quy hoạch liên quan, điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp; quy hoạch, phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Đồng thời bổ sung quy hoạch kết nối liên vùng.

Thứ ba: Nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư các dự án có tính kết nối vùng, kết nối giữa các khu vực cửa ngõ. Mục đích là tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của TP, phân bổ nguồn lực đầu tư một cách khoa học, đồng bộ, không dàn trải.

Thứ tư: Nhóm giải pháp về nguồn vốn. Cụ thể là khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai của TP. Điển hình là đẩy mạnh việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá tạo nguồn vốn cho ngân sách; rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro… Từ đó tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông đầu tư mới.

Các nhóm giải pháp trên sẽ nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc và hoàn thành các mục tiêu của đề án, đó là nền tảng giúp giao thông TP bứt phá trong thời gian tới.

Từ nay tới 2025, tập trung các dự án trọng điểm

. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT sẽ ưu tiên thực hiện những dự án nào, nguồn kinh phí thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Trong giai đoạn 2021-2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm.

Điển hình là hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2, sửa chữa và nâng cấp đường tỉnh lộ 9; cầu Long Kiểng, xây dựng mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ)…

Đồng thời tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, trình thông qua chủ trương đầu tư đối với các dự án trọng điểm, liên kết vùng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; vành đai 2, vành đai 3; quốc lộ 50, 22… Bên cạnh đó là đầu tư các nút giao thông lớn, cầu vượt sông như nút giao An Phú, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Rạch Dơi… Song song đó là đầu tư các tuyến đường trục chính, xuyên tâm và đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố); tập trung vào đường sắt đô thị, vận tải đường bộ, đường thủy.

Ước tính tổng mức đầu tư khoảng 137.638 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 63.750 tỉ đồng, vốn khác (trung ương, ODA, PPP…) khoảng 73.888 tỉ đồng.

Các công trình trên sẽ góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành cụ thể

Theo kế hoạch thực hiện đề án mà UBND TP đã ban hành thì vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ra sao?

+ UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan với nội dung và lộ trình cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để triển khai các nhóm giải pháp của đề án về chính sách quản lý, về quy hoạch, về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, về nguồn vốn …

Chẳng hạn như UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện có vai trò phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch phát triển GTVT. Đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách…

Riêng Sở GTVT được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, tham mưu UBND TP tổ chức thực hiện đề án và làm đầu mối tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện đề án hằng năm. Từ đó, sở sẽ đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm