4 tuyến đường Thủ Thiêm 'không đúng quy trình' hơn 1.500 tỉ

Ngày 25-6, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong số những khuyết điểm, vi phạm mà Thanh tra Chính phủ phát hiện ra, có sai phạm trong xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự án bốn con đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đề nghị xem xét khoản chênh lệch hơn 3.900 tỉ đồng

Theo kết luận thanh tra, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là nhà đầu tư dự án này khi chưa yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm (thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý dự án), chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý kinh doanh), không đăng trên báo Đấu thầu 3 số liên tiếp… là chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 12.000 tỉ đồng cho việc xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ đồng.
Cũng theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó có hơn 25 tỉ đồng không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho dự án này.
UBND TP.HCM chấp thuận cho chỉ định bổ sung hai dự án vào hợp đồng BT bốn tuyến đường chính (gồm quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam, trong đó có hạng mục kè bờ dọc sông Sài Gòn đoạn bao quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm), đồng thời, giao, phê duyệt tiền sử dụng đất bảy lô đất và ký hợp đồng BT bổ sung giá trị 1.999 tỉ đồng khi chưa có dự án được phê duyệt là không đúng quy định về quản lý đầu tư.
Hiện nay, theo báo cáo của UBND TP, đã hủy bỏ chủ trương giao bảy lô đất trên và sẽ thực hiện tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Ngoài ra, quá trình đầu tư, xây dựng, Công ty cổ phần Đại Quang Minh không thực hiện thông báo ngày khởi công tới cơ quan cấp phép xây dựng, tiến hành thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng tại nhiều hạng mục công trình; hầu hết các dự án thành phần chưa thực hiện đúng tiến độ được duyệt... nhưng các cơ quan chức năng của TP.HCM chưa kiểm tra, xử lý kịp thời.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm, chủ yếu là do việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND TP và các sở, ngành tham mưu; một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng.
Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao cho Kiểm toán Nhà nước trong quá trình kiểm toán xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường nhằm tránh thất thoát tiền của nhà nước.
Đề nghị kiểm toán xem xét các khoản như 3.901 tỉ đồng chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT bốn tuyến đường chính thiếu căn cứ; 1.734 tỉ đồng các khoản do phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng sai và hơn 25 tỉ đồng chi phí không đủ điều kiện quyết toán vào dự án của Công ty Đại Quang Minh.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị, UBND TP.HCM thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỉ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.

Ông Tất Thành Cang liên quan đến xây bốn tuyến đường

Về vụ việc này, ông Tất Thành Cang là người bị cho là có sai phạm trong dự án xây dựng bốn tuyến đường này trong thời gian ông là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.

Ông Tất Thành Cang. Ảnh: TÁ LÂM

Theo UBKT Trung ương, ông Cang đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty cổ phần Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo tài liệu, ngày 1-12-2014, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM ký kết hợp đồng BT xây bốn tuyến đường này. Tuy nhiên trước đó một năm, tháng 11-2013, Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với TP.HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang đại diện UBND TP ký kết và được đóng dấu "mật".
Hợp đồng này thể hiện, dự án bốn tuyến đường "xương sườn" của Khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4 km); đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3 km); Đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3 km); đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km). Ngoài ra còn có 10 cây cầu trong đó có hai cầu cạn.
Bốn tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỉ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỉ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.000 tỉ đồng.
Để thanh toán cho hợp đồng 12.000 tỉ, TP.HCM trả cho Đại Quang Minh 79 ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư. Trong đó, nhà đầu tư được xây dựng khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ, diện tích khai thác hơn 46 ha bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.
Phương thức đổi đất lấy đường này được gọi là thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) bằng giao dự án khác được UBND thành phố đề nghị trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi cuối năm 2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm