42 tỉ đồng và sự tổn thương

Đây được coi là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục sau khi lá đơn kiến nghị được nhiều nghệ sĩ cùng nhau ký tên gửi đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đề cập đến trách nhiệm của ban lãnh đạo Cục Điện ảnh.

Sự thiếu cân đối trong thu chi của cơ quan này là một trong những vấn đề bức xúc khiến các nghệ sĩ vốn im tiếng phải bày tỏ quan điểm. Theo đó, trong khi nhiều bộ phim không thể bấm máy vì thiếu kinh phí, nhiều bộ phim vừa khởi quay đã phải đắp chiếu nằm chờ vì giữa đường thiếu tiền thì số tiền khổng lồ trên vẫn nằm im trong kho của Cục để rồi cuối cùng được một cá nhân sử dụng vào mục đích riêng.

Từ chức là hành động cao nhất của một cá nhân khi ý thức được trách nhiệm của mình ở cương vị người lãnh đạo. Tuy nhiên, như NSND Trần Phương - một trong số những nghệ sĩ từng ký tên trong đơn kiến nghị nói việc từ chức của lãnh đạo Cục trước sai phạm của đơn vị mình nắm quyền quản lý không phải là mục đích cuối cùng những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà hướng tới.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh trong thư ngỏ của mình gửi Cục Điện ảnh vài tháng trước cũng đã chua chát thừa nhận thực tế èo uột của nền điện ảnh nước nhà. Trong khi dòng phim thị trường đua nhau nở rộ, thu bạc tỉ thì hai năm nay, các hãng phim do Nhà nước quản lý không có kịch bản nào được Cục Điện ảnh duyệt để đưa vào sản xuất.

Con số 42 tỉ đồng bị thất thoát không chỉ là tổn thất về mặt vật chất mà còn khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết và tài năng cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Bởi lẽ chỉ cần số tiền đó được sử dụng đúng mục đích, hẳn nhiều người đã không bị tước đoạt cơ hội làm nghề, không bị đẩy vào những cuộc chạy đua ngoài nghề nghiệp, phải trở thành “lính đánh thuê” cho các đơn vị khác.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm