5 năm băng đèo, vượt lũ để 'cõng sách' cho các học sinh vùng cao

Sáng 27-2, tại Đường Sách TP.HCM diễn ra Lễ Kỷ niệm 5 năm Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học. Đây cũng là lễ kỷ niệm hành trình 5 năm thắp sáng ước mơ, mang sách đến cho học sinh (HS) trên khắp mọi miền đất nước của gần 20 thành viên trong dự án.

Các thành viên áo xanh đã gắn bó với dự án từ khi mới thành lập. Ảnh: THẢO PHƯƠNG 

Từ khi dự án Sách hay cho học sinh tiểu học thành lập đến nay đã trao tặng 449.250 đầu sách, tạp chí đến 79 huyện của 27 tỉnh thành trong cả nước từ Hà Giang đến Cà Mau. Đã có 1902 trường tiểu học được nhận sách. Kinh phí để tặng sách được các thành viên kêu gọi ủng hộ từ các nhà tài trợ. 

Giáo viên các trường đến tham dự Lễ kỷ niệm 5 năm của dự án. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Hoàng Thị Thu Hiền (Trưởng Ban dự án Sách hay cho học sinh tiểu học) chia sẻ về tiêu chí chọn sách để tặng là sách phải mới, phải đẹp và phù hợp với đối tượng.

Dự án ưu tiên tặng sách ở những vùng sâu vùng xa, những nơi ít gạo, đói rách nhiều. Những bản làng mà họ đã đến, dù là thời đại 4.0 nhưng vẫn không điện, không wifi, không tivi, không tủ lạnh,… Ở đó cũng không có phương tiện, họ đi bộ đường rừng mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền chia sẻ về tiêu chí chọn sách để tặng là sách phải mới, phải đẹp và phù hợp với đối tượng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhớ lại năm 2020 lũ lụt rất lớn ở miền Trung, dự án của bà Thu Hiền đã chọn Nam Trà My (Quảng Nam) để đến tặng sách.

Bà xúc động kể: “Chúng tôi thực sự suýt chết vì ở đó cứ 100 mét là có một điểm sạt lở. Lúc đó chúng tôi chính là điếc không sợ súng vì đi ban đêm qua những con đèo gập ghềnh. Lên đến nơi rồi mới thấy núi cao dựng đứng trước mắt, mà điểm sạt lở thì nằm ngay dưới chân mình”.

Hình ảnh các thành viên đến Nam Trà My tặng sách được trưng bày tại Đường Sách. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Được biết, dự án đã trang bị hơn 2000 đầu sách và 8 đèn năng lượng mặt trời cho Nhà Bản Văn hóa (xã An Khê, tỉnh Nghệ An). Ngoài ra dự án còn mang tới 95 xe đạp cho HS 4 huyện ở tỉnh Cà Mau: U Minh, Năm Căn, Cái Lức, Ngọc Hiển.

Dự án trao hàng trăm triệu tiền mặt làm học bổng cho HS khó khăn, trao nhiều mền và áo ấm cho đồng bào miền núi. Trong đại dịch COVID, dự án đã hỗ trợ mua nhu yếu phẩm, vật tư y tế hỗ trợ bà con vùng núi, vùng lũ và TP.HCM, kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

Ngoài trao tặng vật phẩm, tổ chức những buổi tập huấn, những buổi truyền lửa tại các trường Tiểu học, dự án còn trao tặng cuốn Cẩm nang dành cho giáo viên do chính bà Thu Hiền viết. Cẩm nang là cuốn tài liệu để tập huấn cho tất cả các GV có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và phương pháp để đưa sách tiếp cận đến với HS.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào (Phó Ban dự án Sách hay cho học sinh tiểu học) là người dù bận rộn nhưng luôn có mặt những lúc dự án cần. Bà chia sẻ lý do ban đầu tham gia dự án là xuất phát từ tình yêu thương dành cho con trẻ. Bà muốn lan tỏa văn hóa đọc, từ đó giúp các HS có kiến thức, tâm hồn, kỹ năng để bước vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào dù bận rộn nhưng luôn tâm huyết với dự án. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Anh Đào cho biết đã về hưu, tuy nhiên vẫn tham gia giảng dạy ở trường quốc tế nhằm có thêm nguồn tiền rộng rãi để đi cùng dự án. 

“Mỗi chuyến đi đều là một kỷ niệm đẹp đối với tôi. Kỷ niệm về sự gian khổ, niềm vui của giáo viên và học sinh khi nhận được nguồn sách của dự án. Tuy trên hành trình này chúng tôi có gặp nhiều khó khăn nhưng đã mang đến bao tình yêu của mọi người. Chúng tôi trao sách đi và nhận về ánh mắt trong trẻo, niềm vui của trẻ thơ, của giáo viên” - bà Anh Đào trải lòng.

Trao sách đi và nhận về ánh mắt trong trẻo, niềm vui của trẻ thơ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Phạm Thị Thái Thanh (Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là đơn vị hai lần nhận tài trợ của dự án. Bà chia sẻ, dự án đã tuyển chọn những đầu sách hay, nội dung phù hợp với HS tiểu học về giáo dục kỹ năng sống, thói quen tốt, nhận thức về thế giới xung quanh, xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho HS. 

Thầy Lại Văn Loan (Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Hòa Tây) bày tỏ sự biết ơn khi được dự án tài trợ cho nhà trường những đầu sách hay, thiết thực. Thầy cho biết trường nằm ở vùng sâu biên giới của tỉnh Long An. Đa số các phụ huynh làm nghề nông, điều kiện kinh tế khó khăn. Vì là vùng sâu nên chưa có điều kiện kết nối internet, do đó việc truy cập thông tin của thầy cô và HS phụ thuộc hoàn toàn vào những quyển sách.

Thầy Lại Văn Loan bày tỏ sự biết ơn khi được dự án tài trợ sách. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Nhà trường đã triển khai sách đến các thư viện, điểm trường phụ để các HS tiếp cận. Với sự thiết thực từ dự án đã rèn cho các HS thói quen đọc sách. Từ đó hình thành cho các em những phầm chất, kỹ năng về tri thức, khoa học, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người để các em trở thành một người có ích trong tương lai” - thầy Loan chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới