Trong hai ngày 19 và 20-7, tổ công tác đặc biệt của hai Bộ Công Thương và NN&PTNT tiếp tục phối hợp tháo gỡ cho lưu thông hàng hóa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tại cuộc họp đầu tiên giữa tổ công tác đặc biệt của hai bộ diễn ra vào ngày 20-7, đại diện tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT cho biết tổng lượng hàng hóa thiết yếu cung cấp cho toàn vùng và TP.HCM có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực là có.
Cuộc họp đầu tiên giữa tổ công tác đặc biệt của hai Bộ. Ảnh: BCT
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết sau các buổi làm việc cho thấy có bốn vấn đề nổi lên cần phải phối hợp Bộ NN&PTNT để tập trung tháo gỡ.
Thứ nhất, mạng lưới phân phối hàng hóa của TP.HCM đang bị xáo trộn, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch nên dẫn tới hàng nông sản địa phương về TP khó khăn.
Vì vậy, Bộ Công thương mong muốn Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin những địa phương muốn đưa hàng về TP. HCM hiện đang mắc ở đâu và muốn tập kết về những khu vực nào. Từ đó, kiến nghị với UBND TP.HCM và các tỉnh giáp ranh bố trí kho tập kết dã chiến.
Thứ hai, các nhà phân phối ở TP.HCM đang thiếu kho trữ và phân phối hàng. Bà Nga kiến nghị Bộ NN&PTNT nếu có kho thì giới thiệu cho ngành công thương để sử dụng cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Thứ ba, hiện phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa cũng bị thiếu hụt. Việc cấp giấy cho các xe tiêu thụ chưa đáp ứng được thực tiễn nên cần sự phối hợp để hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này.
Thứ tư, Sở Công thương TP.HCM có đề xuất tổ công tác báo cáo các bộ, ngành có phương án bảo vệ vùng sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ cho TP. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân các khâu từ thu hoạch, vận chuyển, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, bố trí các kho bãi tập kết hàng hóa tại các tỉnh thành, tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đồng tình với các ý kiến của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ Công thương trao đổi với TP.HCM để sớm cho phép chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm giải quyết ách tắc về đầu ra cho nông sản tại các địa phương cũng như đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.