53 tỉnh nợ hơn 15.000 tỉ vì xây dựng nông thôn mới

Sáng nay (5-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp báo cáo kết quả giám sát về xây dựng nông thôn mới năm năm qua gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi cho ý kiến đã cho rằng báo cáo giám sát đưa ra kiến nghị từ nay đến năm 2017 phải xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản là “rất khó thực hiện”.

“Bây giờ có tới 47% xã nông thôn mới nợ đọng xây dựng cơ bản. Xã nợ ít thì vài tỉ, nhiều 3-40 tỉ đồng, lấy đâu ngân sách, lấy đâu nguồn lực để trả nợ. Trước đây còn trông vào bán đất, bây giờ về cơ bản thì đất bán xong hết rồi” - ông Lưu nói.

Bên cạnh đó, ông Lưu cũng đề nghị xem xét lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới vì hiện nay con số giữa Chính phủ và báo cáo giám sát là khác nhau. “Cách đây mấy ngày, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới đưa ra con số nợ đọng là khoảng 17.000 tỉ đồng, giờ báo cáo giám sát là hơn 15.000 tỉ đồng thì không biết con số nào là chính xác?” - ông Lưu đặt câu hỏi.

Trước đó, trình bày báo cáo kết quả giám sát xây dựng nông thôn mới năm năm qua gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay: “Con số nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương là rất lớn, có 53/63 tỉnh, TP có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân (huyện Phước Long, Bạc Liêu nợ 397 tỉ đồng)…”.

Theo ông Thanh, số nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước nhưng cũng chiếm đến 75,3% số nợ đọng. Ngoài ra, tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Điều này để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Theo đó, báo cáo giám sát kiến nghị có hướng giải quyết dứt điểm số nợ đọng trong năm 2017, có biện pháp hạn chế tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt xem xét không công nhận xã nông thôn mới nếu để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn ví dụ và đề nghị: “Thái Bình có 262 xã thì chỉ có hai xã không nợ. Quy định không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó. Hay việc xem xét lại việc công nhận nếu sau một năm không xử lý được nợ thì xem xét lại thế nào, có thu lại được không? Cái này hoàn toàn không khả thi, cần xem lại”.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt thì nêu quan điểm: “Số nợ trong tổng thể là không lớn nhưng phải xem khoản nợ nào là lành mạnh, nợ nào làm thất thoát, tiêu cực thì phải chấn chỉnh. Đáng lẽ sang năm đạt tiêu chuẩn mà năm nay vay tiền để đạt cũng không nên nặng nề. Nhiều địa phương nợ trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy không có nghĩa là làm thất thoát hay ăn của dân.

Tính đến tháng 9-2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau năm năm xây dựng nông thôn mới tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%. Bên cạnh đó, trong năm năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu chính phủ cho chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỉ đồng.

Chủ tịch Quốc hội phê bình bộ trưởng NN&PTNT vắng họp

Tại phiên làm việc sáng nay (5-10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phê bình bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đối chính của giám sát chỉ cử một thứ trưởng tới họp còn bản thân ông thì vắng mặt.

“Chương trình họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi trước, không phải cuộc họp đột xuất thì cơ quan là đối tượng của giám sát, cụ thể là bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải sắp xếp đến nghe, theo quy chế làm việc đã được thống nhất. Giám sát xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, lại là giám sát tối cao, nghĩa là báo cáo sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận và tại Quốc hội, bộ trưởng có thể phải đứng lên giải trình thêm. Vì thế việc bộ trưởng không đích thân đến nghe Thường vụ thảo luận để chỉ đạo hoàn thiện thêm nội dung trước khi báo cáo Quốc hội là… rất tiếc.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “trừ trường hợp bất khả kháng hay đi công tác nước ngoài, còn lại bộ trưởng phải sắp xếp thời gian đến dự họp Thường vụ Quốc hội” đồng thời đề nghị các bộ chú ý rút kinh nghiệm sắp xếp đến họp.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phê bình, đến 8 giờ 39 phút (sau 39 phút), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tới dự phiên họp và giải trình về một số nội dung trong chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm