6 dự án đường bộ cao tốc sử dụng vốn ngân sách trên 10.000 tỉ đồng

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tiến độ thực hiện đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội (QH) cho ý kiến đối với sáu dự án giao thông lớn.

Khởi công 32 dự án đường bộ cao tốc trong năm năm tới

Theo Bộ GTVT, đề án trên, đơn vị đưa ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư 39 tuyến đường bộ cao tốc. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến khởi công 32 dự án với chiều dài 2.052 km, giai đoạn 2026-2030 khởi công bảy dự án còn lại với chiều dài 873 km. Tuy nhiên, các dự án khởi công giai đoạn 2026-2030 đều chưa triển khai các thủ tục đầu tư dự án.

Với 32 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết có sáu dự án sử dụng vốn tham gia của Nhà nước từ 10.000 tỉ đồng trở lên. Theo quy định hiện hành, cả sáu dự án này đều thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư.

Cụ thể, thứ nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025). Với dự án này, Bộ GTVT dự kiến chia ra 12 dự án thành phần, bao gồm cả đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, ưu tiên triển khai đầu tư 486 km gồm tám dự án thành phần thuộc các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Bình (148 km), Quy Nhơn - Nha Trang (196 km) và Cần Thơ - Cà Mau (142 km), nhu cầu vốn nhà nước khoảng 45.798 tỉ đồng.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: V.LONG

Đối với 276 km thuộc bốn dự án thành phần còn lại của đoạn Quảng Bình - Quảng Trị (119 km) và Quảng Ngãi - Quy Nhơn (157 km), do nhu cầu vận tải chưa cao, trước mắt sẽ sử dụng vốn nhà nước (khoảng 7.873 tỉ đồng) để chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT là cơ quan chuẩn bị dự án cao tốc Bắc - Nam, đến nay cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án…

Dự án thứ hai là đường bộ cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Theo kết luận của Thủ tướng, dự kiến giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án. Thứ ba là dự án đường bộ cao tốc vành đai 4 TP Hà Nội. Dự án này hiện UBND TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã có tờ trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này.

Thứ tư là dự án đường bộ cao tốc vành đai 3 TP.HCM. Dự án này hiện Thủ tướng đã có chủ trương giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án. Thứ năm là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, hiện Bộ GTVT đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Cuối cùng là dự án đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong. Đây là dự án mới bổ sung vào quy hoạch, hiện tại Bộ GTVT đang giao các cơ quan lựa chọn tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Bộ GTVT kiến nghị trình Quốc hội 5/6 dự án

Để triển khai các dự án trên, ngày 6-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số địa phương về phương án chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc.

Tại cuộc họp, các địa phương đều thống nhất báo cáo Thủ tướng giao Bộ GTVT là cơ quan chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với 5/6 dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Riêng đối với dự án vành đai 4 TP Hà Nội, Bộ GTVT thống nhất kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án… Nên TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

“Sau khi được QH quyết định chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo Thủ tướng quyết định việc giao cho các địa phương thực hiện đầu tư dự án…” - đại diện Bộ GTVT nói.

Để các dự án này kịp trình ra QH tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XV (dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới đây), Bộ GTVT đang giao cho các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để trình lên Thủ tướng. “Nếu hồ sơ đáp ứng các yêu cầu thì Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra của QH vào cuối tháng 8 này…” - Bộ GTVT cho hay.

Về tiến độ, Bộ GTVT khẳng định các bộ, ngành địa phương thời gian qua đã nỗ lực, quyết tâm, tuy nhiên có 5/6 dự án có thể đáp ứng tiến độ trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ hai.

“Riêng đối với dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong, do mới bổ sung vào quy hoạch và mới bắt đầu tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên không thể đáp ứng tiến độ trình QH tại kỳ họp thứ hai này… Theo đó, đơn vị sẽ hoàn thiện thủ tục để trình ra QH trong thời gian sớm nhất” - Bộ GTVT cho biết.•

Cần 483.848 tỉ đồng cho 32 tuyến cao tốc

Theo dự thảo quy hoạch đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ có 32 tuyến cao tốc với tổng mức đầu tư 483.848 tỉ đồng.

Cụ thể, gồm 12 dự án thành phần còn lại trên tuyến Bắc - Nam phía đông: Cửa khẩu Hữu Nghị - TP Lạng Sơn, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Tuy Hòa, Tuy Hòa - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Bạc Liêu, Bạc Liêu - Cà Mau, TP.HCM - Long Thành, Hòa Liên - Túy Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm