7.000 cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Chiến (ĐBQH Hà Nội) đặt hai câu hỏi.

Thứ nhất, người bệnh không được tiếp cận với dịch vụ chữa bệnh ngay phần do quá tải, phần do thái độ phục vụ. Người bệnh phản ánh y tá hay điều dưỡng viên thường có lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là xúc phạm người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Đ.MINH

Nhìn ra các nước trong khu vực, văn hóa ứng xử của bác sĩ không những tôn trọng, tươi cười, phục vụ tận tâm mà khi khám bệnh xong còn cảm ơn người bệnh, cúi gập người. Vậy ở nước ta đối với tình trạng trên, bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để nâng cao đạo đức lương y, cải thiện phong cách phục vụ trong ngành y tế để người bệnh hài lòng?

Thứ hai, báo cáo tại kỳ họp QH hôm 23-5, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều vấn đề, nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, nhiều loại được đầu tư mới nhưng không dùng, có thiết bị vừa sử dụng đã hỏng.

Đặc biệt, cùng một loại vật tư, hóa chất, cùng một nhà cung cấp nhưng được Bộ Y tế phê duyệt giá giữa các bệnh viện khác nhau, có loại chênh lệch đến bảy lần. Bộ Y tế có biện pháp nào quản lý việc nhập khẩu, nâng cao chất lượng thiết bị?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Con sâu làm rầu nồi canh, đâu đó vẫn còn có cán bộ y tế thái độ không tốt”.

Tuy nhiên, theo bà Tiến, thời gian qua ngành y tế đã đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, giáo dục, dùng đường dây nóng, thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh.

“Thời gian qua hơn 7.000 cán bộ y tế trong toàn ngành bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc rời khỏi ngành. Kèm theo đó là đổi mới cơ chế tài chính, nâng mức thu nhập cho các cán bộ y tế thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên cơ sở tính đúng, tính đủ...” - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Về chất vấn liên quan đến kết luận kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay do ngân sách không đủ nên đúng là có việc có một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, đó là do dùng công suất lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh.

Một số máy "đắp chiếu", có thể do máy đang trong thời gian bảo hành, bảo trì. Hiệu quả chưa cao vì Việt Nam là nước có công suất sử dụng máy khá lớn.

“Chênh lệch giá cao, một loại thiết bị, cùng một hãng có thể chênh đến 6-7 lần. Kiểm toán có quyền kết luận, các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này” - bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trang thiết bị vật tư y tế có thể rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói, đặc biệt là sử dụng. Ví dụ, kim cánh bướm mà các bệnh viện mua sử dụng. Nếu kim thông thường, BV Việt Đức mua giá 6.000-7.000 đồng nhưng BV Chợ Rẫy mua với giá cao gấp bảy lần. Cùng là kim cánh bướm nhưng loại của BV Chợ Rẫy có khóa, van, đầu vát hơn tránh đau cho người ghép tạng.

Tương tự, dây truyền dịch và các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng từng chức năng sử dụng khác nhau thì rất khác nhau về giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm