Mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm một vụ kiện dân sự liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nguyên đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) vô hiệu.
Còn NCQLNVLQ trong vụ án này lại có đơn yêu cầu độc lập đề nghị công nhận hợp đồng chuyển nhượng, trường hợp tòa án không công nhận hợp đồng chuyển nhượng thì buộc đương sự trả tiền lại cho mình theo đúng giá trị của mảnh đất tại thời điểm hiện tại.
Nhiều bạn đọc thắc mắc: Yêu cầu độc lập là gì và có phải chịu án phí không?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) thì NCQLNVLQ có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Ảnh minh họa. Ảnh: PLO
Theo khoản 2 Điều 73 BLTTDS, NCQLNVLQ có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn (Điều 71).
Cạnh đó, Điều 201 BLTTDS quy định: NCQLNVLQ không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập (khi đảm bảo các điều kiện). Yêu cầu độc lập phải đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 202 BLTTDS, thủ tục yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Nghĩa là trình tự, thủ tục yêu cầu độc lập tương tự như trình tự, thủ tục khởi kiện một vụ án dân sự.
Hiện nay, TAND Tối cao chỉ ban hành mẫu đơn khởi kiện, không ban hành mẫu đơn yêu cầu độc lập hoặc đơn phản tố của bị đơn nên các tòa vận dụng mẫu đơn yêu cầu độc lập, phản tố khác nhau, có tòa chấp nhận mẫu đơn khởi kiện, có tòa yêu cầu làm đơn yêu cầu độc lập (tiêu đề là đơn yêu cầu độc lập), đơn phản tố (tiêu đề là đơn phản tố).
“Dù yêu cầu độc lập hay phản tố thì dựa theo quy định tại Điều 202 và biểu mẫu do TAND Tối cao ban hành đều áp dụng mẫu đơn khởi kiện. Vì sau khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện thì mới được phép phản tố hoặc yêu cầu độc lập. Mặt khác, vì trong cùng một vụ án, vừa có khởi kiện của nguyên đơn, vừa có phản tố của bị đơn, vừa có yêu cầu độc lập của NCQLNVLQ nên hoàn toàn phân biệt được tư cách tố tụng của từng người, tuy cùng làm chung mẫu đơn khởi kiện” - luật sư Dũ nhận định.
Theo đó, sau khi nộp đơn yêu cầu độc lập, được tòa án chấp nhận thì tòa án sẽ ban hành thông báo đóng tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn). Sau khi NCQLNVLQ đóng tiền, nộp biên lai về cho tòa án thì tòa án sẽ ban hành Thông báo về việc thụ lý yêu cầu độc lập của NCQLNVLQ, gửi thông báo này đến các đương sự.
Trường hợp tòa chấp nhận yêu cầu độc lập thì trả lại tạm ứng án phí, nếu bác yêu cầu độc lập thì đóng án phí.
Cần lưu ý, nếu tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì mức tiền đóng tạm ứng án phí, án phí (đối với NCQLNVLQ) được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 (quy định về án phí, lệ phí tòa án) và các quy định có liên quan.